Hiệp định về quy chế biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia 1983

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/07/1983
Ngày có hiệu lực 20/07/1983
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cam pu chia,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Cơ Thạch,Hun Xen
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ BIÊN GIỚI GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN CAM-PU-CHIA

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia;

Căn cứ vào Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia ký ngày 18 tháng 2 năm 1979;

Với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, phù hợp với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cam-pu-chia nhằm tăng cường bảo vệ an ninh khu vực biên giới hai nước;

Đã thỏa thuận những điều sau đây:

I.- ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VÀ KHU VỰC BIÊN GIỚI

Điều 1.

Cho đến khi được hoạch định chính thức, biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia là đường biên giới hiện đại được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Ser-vice Géographique de l’Indochine) thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất như quy định ở Điều 1 Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia ký ngày 20 tháng 7 năm 1983.

Điều 2.

Đường biên giới quốc gia giữa hai nước phải được tôn trọng. Các mốc giới phải được bảo vệ. Cấm xê dịch hoặc làm hư hại mốc giới.

Điều 3.

Hai Bên thỏa thuận thành lập ở mỗi Bên một khu vực gọi là khu vực biên giới bao gồm các xã hoặc đơn vị hành chính tương đương có một ranh giới trùng với biên giới quốc gia giữa hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia nhằm làm cho việc qua lại biên giới của những người dân cư trú hai bên biên giới được thuận tiện, đáp ứng nhu cầu chính đáng hàng ngày của họ, và bảo đảm an ninh cho mỗi khu vực biên giới và mỗi nước.

Hai Bên sẽ thông báo cho nhau danh sách các xã hoặc đơn vị hành chính tương đương nói trên có ghi rõ thuộc huyện, tỉnh nào.

II.- QUẢN LÝ KHU VỰC BIÊN GIỚI

Điều 4.

a) Những người dân của mỗi Bên được phép cư trú trong khu vực biên giới nói ở Điều 3 Hiệp định này, từ 15 tuổi trở lên được Nhà đương cục có thẩm quyền nước mình cấp một giấy chứng minh biên giới có ký hiệu riêng do hai Bên thỏa thuận, nhằm phân biệt với những người cư trú ngoài khu vực biên giới.

b) Những phần tử xấu có nguy hại cho việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội và kinh tế ở khu vực biên giới không được cư trú trong khu vực biên giới.

Điều 5.

a) Những người dân cư trú trong khu vực biên giới Bên này được phép qua khu vực biên giới Bên kia để mua bán, trao đổi hàng hóa cần thiết cho đời sống hàng ngày và cho nhu cầu sản xuất, thăm viếng người dân, xem chiếu phim, xem biểu diễn văn nghệ v.v…

b) Hai Bên sẽ quy định danh mục, số lượng những mặt hàng người dân khu vực biên giới Bên này được phép mang theo sang khu vực biên giới Bên kia như nói ở khoản a) Điều này. Những thứ hàng này được miễn giấy phép và thuế quan.

c) Những hàng hóa nói ở khoản a) và b) Điều này chỉ được mua bán tại các chợ do chính quyền mỗi Bên mở tại khu vực biên giới và phải tuân theo luật lệ của mỗi Bên.

Điều 6.

a) Những người dân khu vực biên giới Bên này không được sang khu vực biên giới Bên kia cư trú, làm nhà, canh tác, lây lâm thổ sản, săn bắn, chăn trâu bò, gia cầm v.v…, đánh cá, bắt tôm trừ trường hợp được phép của chính quyền hai Bên từ cấp huyện trở lên. Trường hợp sang khu vực biên giới Bên kia cư trú, làm nhà trái với quy định này sau khi Hiệp định này có hiệu lực thì đương sự phải dỡ nhà, trở về nước mình trong vòng sáu tháng.

b) Trường hợp đang sản xuất tại khu vực biên giới Bên kia khi Hiệp định này có hiệu lực và không được phép tiếp tục nữa, nếu là hoa màu và cây lâu năm chưa kịp thu hoạch thì đương sự được phép tiếp tục qua biên giới để chăm sóc cho đến khi thu hoạch xong và chỉ được làm và thu hoạch hết vụ đó. Đối với cây lâu năm chậm nhất một năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, đương sự phải nhượng lại cho chính quyền địa phương sở tại và chính quyền địa phương sở tại cần xem xét việc bồi thường cho đương sự theo giá thỏa thuận.

c) Trong lúc tiến hành các hoạt động sản xuất nói trên ở khu vực biên giới Bên kia, đương sự phải tuân theo luật lệ của Bên kia.

Điều 7.

Đối với những người dân lương thiện Bên này đã sang cư trú ở khu vực biên giới Bên kia từ lâu, trước ngày Hiệp định này có hiệu lực mà tôn trọng luật pháp và phong tục tập quán nước sở tại thì chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ tiếp tục ở lại làm ăn sinh sống. Những phần tử xấu, làm ăn phi pháp không được hưởng Điều khoản này.

Điều 8.

a) Ở những nơi đường biên giới đi giữa dòng sông, suối, kênh, rạch, những người dân khu vực biên giới hai Bên được dùng nước sông, suối, kênh, rạch đó vào sinh hoạt hàng ngày, được đánh bắt cá, tôm… và tàu thuyền được đi lại bình thường, nhưng không được lên bờ phía Bên kia, trừ trường hợp bị tai nạn và khi đó hai Bên sẽ giúp đỡ nạn nhân.

[...]