Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam - Bêlarút

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 14/09/2000
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Belarus,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Lộc,Vonrontsov Garnadi
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Trách nhiệm hình sự,Quyền dân sự

HIỆP ĐỊNH

TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VÀ PHÁP LÝ VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH, LAO ĐỘNG VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA BÊLARÚT

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Bêlarút (sau đây gọi là các Bên ký kết),

Với lòng mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai Nhà nước,

Nhằm tăng cường và hoàn thiện sự hợp tác lẫn nhau giữa hai Nhà nước trong lĩnh vực quan hệ pháp lý,

Đã quyết định ký kết Hiệp định này và thỏa thuận những điều dưới đây:

Phần thứ nhất

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bảo vệ pháp lý

1. Công dân của Bên ký kết này được hưởng trên lãnh thổ Bên ký kết kia sự bảo vệ pháp lý đối với quyền nhân thân và tài sản như công dân của Bên ký kết kia.

2. Công dân của Bên ký kết này có quyền được tự do liên hệ với cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, lao động và hình sự của Bên ký kết kia, tại cơ quan này họ có quyền bày tỏ ý kiến, khởi kiện, yêu cầu khởi tố vụ án và thực hiện những hành vi tố tụng khác theo cùng những điều kiện mà Bên ký kết kia dành cho công dân nước mình.

3. Những quy định của Hiệp định này liên quan đến công dân của các Bên ký kết cũng được áp dụng tương ứng đối với các pháp nhân được thành lập theo pháp luật và hoạt động trên lãnh thổ của một trong các Bên ký kết.

4. Trong Hiệp định này, khái niệm “các vấn đề dân sự” được hiểu bao gồm cả các vấn đề thương mại.

Điều 2. Tương trợ tư pháp

Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự (sau đây gọi là các cơ quan có thẩm quyền) sẽ tương trợ nhau trong việc giải quyết các vấn đề này.

Điều 3. Cách thức liên hệ

1. Các vấn đề do Hiệp định này điều chỉnh, Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan Công chứng liên hệ với nhau qua Cơ quan Trung ương, trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác.

2. Trong hiệp định này, cơ quan Trung ương về phía Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về phía Cộng hòa Bêlarut là Bộ Tư pháp Cộng hòa Bêlarut, Tòa án tối cao Cộng hòa Bêlarut, Tòa kinh tế thượng thẩm Cộng hòa Bêlarut và Viện Kiểm sát Cộng hòa Bêlarut.

3. Các cơ quan nói trên gửi và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp theo thẩm quyền do pháp luật nước mình quy định.

4. Các cơ quan khác của các Bên ký kết có thẩm quyền về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự liên hệ với nhau thông qua Tòa án và Viện Kiểm sát, nếu Hiệp định này không có quy định khác.

5. Các Cơ quan Trung ương có thể thỏa thuận những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của mình mà Tòa án và Viện Kiểm sát của các Bên ký kết có thể được liên hệ trực tiếp với nhau.

Điều 4. Ngôn ngữ

1. Khi thực hiện Hiệp định này, các Bên ký kết thực hiện tương trợ tư pháp bằng ngôn ngữ chính thức của mình, kèm theo bản dịch ra ngôn ngữ chính thức của Bên ký kết kia hoặc tiếng Nga.

2. Bản dịch yêu cầu tương trợ tư pháp, cũng như bản dịch các giấy tờ kèm theo cần phải gửi theo quy định của Hiệp định này, phải được người phiên dịch chính thức dịch và chứng thực.

Điều 5. Phạm vi tương trợ tư pháp

Các Bên ký kết thực hiện tương trợ tư pháp cho nhau bằng cách tiến hành các hành vi tố tụng như lập, gửi và tống đạt giấy tờ, chuyển giao các vụ việc dân sự, hình sự và các loại vụ việc khác, cung cấp thông tin về thực tiễn xét xử, về pháp luật hiện hành, cũng như tương trợ tư pháp trong các trường hợp khác do Hiệp định này quy định.

Điều 6. Nội dung và hình thức của yêu cầu tương trợ tư pháp

1.Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp phải có các nội dung sau đây:

1) Tên cơ quan yêu cầu;

2) Tên cơ quan được yêu cầu;

[...]