Hiệp định về quy tắc xuất xứ

Số hiệu Khôngsố17
Ngày ban hành 05/06/1994
Ngày có hiệu lực 20/06/1994
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

HIỆP ĐỊNH

VỀ QUY TẮC XUẤT XỨ

Các Thành viên,

Ghi nhận rằng, ngày 20 tháng 9 năm 1986 các Bộ trưởng đã thoả thuận rằng mục tiêu của Vòng Đàm phán Thương mại Đa biên Uruguay là nhằm "tự do hóa và mở rộng hơn nữa thương mại thế giới", " tăng cường vai trò của GATT" và " nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống GATT đối với việc phát triển môi trường kinh tế quốc tế";

Mong muốn tiếp tục thực hiện các mục tiêu của GATT 1994;

Thừa nhận rằng những quy tắc xuất xứ rõ ràng và dự đoán được trước và việc áp dụng chúng sẽ thúc đẩy dòng chảy thương mại quốc tế;

Mong muốn đảm bảo rằng các qui tắc xuất xứ tự chúng không tạo ra trở ngại không cần thiết với thương mại;

Mong muốn đảm bảo rằng các qui tắc xuất xứ không vô hiệu hóa hay ảnh hưởng đến các quyền của các Thành viên được quy định trong GATT 1994;

Thừa nhận mong muốn các luật, qui định và thực tiễn áp dụng qui tắc xuất xứ được minh bạch;

Mong muốn đảm bảo rằng các qui tắc xuất xứ phải được chuẩn bị và áp dụng một cách vô tư, công khai, có thể dự đoán trước được, nhất quán và trung lập;

Công nhận tính sẵn có của cơ chế tham vấn và thủ tục để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và công bằng các tranh chấp phát sinh trong phạm vi Hiệp định này;

Mong muốn làm hài hoà và làm rõ các qui tắc xuất xứ;

Bằng Hiệp định này, thoả thuận như sau:

Phần I

CÁC ĐỊNH NGHĨA VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 1: Qui tắc xuất xứ

1. Để thực hiện mục đích của các phần từ Phần I đến Phần IV của Hiệp định này, qui tắc xuất xứ được định nghĩa là những luật, qui định, quyết định hành chính chung do các Thành viên áp dụng để xác định nước xuất xứ của hàng hóa với điều kiện là qui tắc xuất xứ này không liên quan đến thoả thuận thương mại hoặc chế độ thương mại tự chủ có áp dụng ưu đãi thuế quan ngoài phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều I của GATT 1994.

2. Qui tắc xuất xứ nêu tại khoản 1 bao gồm tất cả các qui tắc xuất xứ được sử dụng trong các công cụ chính sách thương mại không ưu đãi như đối xử tối huệ quốc theo Điều I, II, III, XI và XIII của GATT 1994, thuế chống phá giá và thuế đối kháng theo Điều VI của GATT 1994, các biện pháp tự vệ theo Điều XIX của GATT 1994, yêu cầu ký hiệu xuất xứ theo Điều IX của GATT 1994 và tất cả các hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan áp dụng phân biệt đối xử. Các qui tắc xuất xứ này bao gồm cả qui tắc xuất xứ được sử dụng trong mua sắm chính phủ và số liệu thống kê thương mại[1].

Phần II

Điều 2: Các định chế trong thời gian quá độ

Cho đến khi hoàn thành chương trình hài hoà qui tắc xuất xứ qui định trong Phần IV, các Thành viên phải đảm bảo rằng:

(a) Khi ban hành quyết định hành chính để áp dụng chung cần phải định nghĩa rõ ràng các yêu cầu. Cụ thể là: 

(i) trường hợp các tiêu chí chuyển đổi hạng mục trên biểu thuế quan được áp dụng, một quy tắc như vậy hoặc bất kỳ ngoại lệ nào khác của quy tắc đó sẽ quy định rành mạch dòng thuế hoặc nhóm các dòng thuế (tương đương 4 số HS –ND) trên biểu thuế chịu sự điều chỉnh của qui tắc đó.

(ii) trong trường hợp áp dụng tiêu chí theo tỷ lệ phần trăm theo giá trị, cần phải qui định phương pháp tính phần trăm này trong qui tắc xuất xứ.

(iii) trong trường hợp tiêu chí về công đoạn chế tác hay gia công được áp dụng, công đoạn tạo nên xuất xứ của hàng hóa liên quan cần phải được qui định chính xác.

(b) bất kể biện pháp hay công cụ chính sách thương mại nào có liên hệ với chính sách đó, các quy tắc xuất xứ của chúng không được sử dụng để trực tiếp hay gián tiếp theo đuổi mục tiêu chính sách đó ; 

(c) qui tắc xuất xứ bản thân nó không được tạo ra các tác động hạn chế, bóp méo hay làm rối loạn thương mại quốc tế. Qui tắc xuất xứ không được đưa ra yêu cầu chặt chẽ trái lệ thường hoặc các điều kiện không liên quan đến sản xuất hoặc chế biến như là điều kiện tiên quyết để xác định nước xuất xứ. Tuy nhiên, các yếu tố chi phí không liên quan đến sản xuất hoặc chế biến có thể tính gộp vào để áp dụng tiêu chí tỷ lệ phần trăm theo giá trị phù hợp với điểm (a); 

(d) qui tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn qui tắc xuất xứ áp dụng để xác định xem một hàng hóa có phải là hàng nội địa hay không và không được phân biệt đối xử giữa các Thành viên khác, bất kể đến mối liên hệ giữa công ty mẹ, công ty con hay chi nhánh[2]

(e) qui tắc xuất xứ phải được quản lý nhất quán, thống nhất, vô tư và hợp lý; 

(f) qui tắc xuất xứ trong đó nêu những gì không tạo nên xuất xứ hàng hoá (tiêu chuẩn phủ định) cũng được phép coi như một phần của phân loại tiêu chuẩn khẳng định, hoặc trong một số trường hợp cá biệt khi các xác định các tiêu chuẩn khẳng định của xuất xứ là không cần thiết ; 

[...]