Hiệp định số 112/LPQT về hợp tác Kinh tế, Văn hoá, Khoa học Kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào

Số hiệu 112/LPQT
Ngày ban hành 14/01/2003
Ngày có hiệu lực 09/01/2003
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Nguyễn Tấn Dũng,Thoong-Lun Xi-Xu-Lít
Lĩnh vực Đầu tư,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

HIỆP ĐỊNH 

SỐ 112/LPQT NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ HỢP TÁC KINH TẾ, VĂN HOÁ, KHOA HỌC KỸ THUẬT GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

(Có hiệu lực từ ngày 09 tháng 01 năm 2003)

Quá triệt tinh thần và nội dung cuộc Hội đàm giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng nhân dân cách mạng Lào ngày 08 tháng 01 năm 2003;

Căn cứ Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào thời kỳ 2001 - 2005, ký ngày 06 tháng 02 năm 2001, tại Hà Nội;

Nhằm phát triển và mở rộng mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi là "hai Bên").

Hai Bên thoả thuận nội dung, chương trình hợp tác giữa hai nước năm 2003 như sau:

Điều 1.

1.1. Theo đề nghị của Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giúp Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong năm 2003 khoản viện trợ không hoàn lại là 120 tỷ đồng Việt Nam (Một trăm hai mươi tỷ đồng). Số tiền này nằm trong khoản viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào được ghi trong Hiệp định hợp tác 5 năm 2001 - 2005 đã được hai Bên ký kết ngày 06 tháng 02 năm 2001 tại Hà Nội.

1.2. Khoản viện trợ nêu trên được dành để đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, xây dựng các cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thuỷ lợi và một số chương trình kinh tế - xã hội khác của Lào được ghi trong Phụ lục số 1 của Hiệp định.

1.3. Phía Việt Nam tiếp tục cung cấp các khoản tín dụng dài hạn ưu đãi để hỗ trợ phía Lào thực hiện các chương trình dự án có liên quan đến hợp tác hai Bên. Các dự án này sẽ được hai Bên xác định cụ thể trong các thoả thuận riêng.

Điều 2.

2.1. Năm 2003, Việt Nam cấp 550 học bổng đào tạo cán bộ, học sinh Lào các bậc đại học, sau đại học dài hạn chính quy tập trung, tại chức, thực tập sinh, bồi dưỡng ngắn hạn (cả quốc phòng và an ninh) và từ 5 đến 10 học bổng cho con em Việt kiều tại Lào học tập tại Việt Nam; Phía Lào nhận cấp 20 - 25 học bổng cho cán bộ, học sinh Việt Nam sang học tập dài hạn chính quy tập trung và bồi dưỡng ngắn hạn tiếng Lào tại các trường đại học của Lào theo Phụ lục số 2 của Hiệp định. Hai bên nhất trí dành tỷ lệ hợp lý trong số học bổng trên đào tạo cho các địa phương của Lào.

Cán bộ, học sinh được tuyển chọn và học tập ở mỗi Bên áp dụng theo Nghị định thư về Hợp tác đào tạo giữa hai nước ký ngày 15 tháng 01 năm 2002 tại Viêng Chăn.

2.2. Khuyến khích các cơ sở đào tạo hai nước hợp tác trực tiếp, cử và tiếp nhận chuyên gia giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện việc đào tạo theo chế độ tự túc. Tiếp tục giao Bộ Giáo dục hai Bên làm đầu mối quản lý chuyên gia giảng dạy tiếng Việt cho một số trường của con em Việt kiều tại Lào theo thoả thuận.

2.3. Phía Việt Nam tiếp tục giúp xây dựng Trung tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, kế hoạch Viêng Chăn. Hai Bên nghiên cứu chuẩn bị một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản để thực hiện yêu cầu đào tạo tại chỗ của Lào. Theo yêu cầu của phía Lào, hai Bên nhất trí giao cho các cơ quan liên quan xác định nhu cầu nâng cấp Học viện chính trị, hành chính quốc gia Lào tại Thà Ngòn (Viêng Chăn) để đưa vào kế hoạch năm tới. Giao cho hai Bộ Giáo dục hai Bên hợp tác đầu tư xây dựng trường năng khiếu dự bị đại học cho học sinh dân tộc tại Viêng Chăn và hai trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh tại Xiêng Khoảng và Hủa Phăn.

Điều 3.

3.1. Trên cơ sở đề nghị của phía Lào, phía Việt Nam sẵn sàng đáp ứng chuyên gia giúp Lào trên các lĩnh vực thích hợp và giao các Bộ, ngành, địa phương hai Bên thoả thuận về số lượng, yêu cầu chuyên môn, ngành nghề và tổ chức thực hiện.

Hai Bên nhất trí giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội của Lào phối hợp sửa đổi, bổ sung bản "Thoả thuận về việc cử và tiếp nhận chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại Lào" ký ngày 07 tháng 4 năm 1994 tại Viêng Chăn cho phù hợp với tình hình mới.

3.2. Hai Bên phối hợp thực hiện tốt Hiệp định hợp tác lao động, Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định hợp tác lao động, "Thoả thuận Viêng Chăn 2002" và các thoả thuận có liên quan khác đã ký kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi sử dụng lao động giữa hai nước.

Điều 4.

4.1. Hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ lợi;

Việt Nam tiếp tục giúp xây dựng hệ thống thuỷ lợi Tha-phạ-noỏng-phông và hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống thuỷ lợi Đông-phô-xi; Trên cơ sở các dự án Quy hoạch phát triển nông nghiệp, thuỷ lợi các cánh đồng lớn của Lào đã được phê duyệt, hai Bên nhất trí giao ngành nông nghiệp hai nước lựa chọn một số mục tiêu, dự án phát triển lương thực, thuỷ lợi cụ thể trên mỗi cánh đồng để đưa vào Hiệp định hàng năm theo yêu cầu của phía Lào, đặc biệt là đối với các tỉnh dọc biên giới là căn cứ cách mạng trước đây.

Hai Bên tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp hai nước hợp tác nghiên cứu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và dịch vụ khuyến nông và giống cây, con áp dụng ở Lào trên tinh thần tôn trọng pháp luật của mỗi nước và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Phía Việt Nam sẵn sàng hợp tác điều tra, khảo sát tài nguyên đất rừng và các loại lâm sản, động vật rừng bằng nguồn vốn của Lào hoặc của các tổ chức quốc tế giúp Lào, kể cả của Chính phủ Việt Nam.

4.2. Lĩnh vực thương mại:

Nhằm tăng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước, theo đề nghị của phía Lào, Việt Nam sẽ xem xét dành một khoản tín dụng bằng hàng hoá của Việt Nam xuất sang Lào. Năm 2003, hai bên nhất trí danh mục, số lượng và giá trị hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam vào Lào và từ Lào vào Việt Nam được giảm 50% thuế nhập khẩu ghi tại Phụ lục số 3 của Hiệp định. Trong đó, dành ưu tiên cho các doanh nghiệp đang đầu tư vào các cửa hàng giới thiệu và kinh doanh hàng hóa ở mỗi Bên.

Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành liên quan hai Bên nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ hai nước việc Việt Nam hợp tác với Lào sản xuất hàng hoá tại Lào để tranh thủ các ưu đãi dành cho hàng hoá của Lào xuất sang nước thứ ba.

Hai Bên thoả thuận kịp thời thông báo cho nhau các chủ trương, chính sách được ban hành của mỗi Bên để tạo điều kiện chủ động cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai Bên. Cam kết cùng nhau thực hiện tốt "Thoả thuận Viêng Chăn 2002", định kỳ kiểm tra và thông báo cho nhau kết quả thực hiện các nội dung của Thoả thuận này.

Hai Bên giao cho ngành thương mại hai nước phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức và quản lý tốt các chợ biên giới theo các Hiệp định và Thoả thuận đã được ký kết. Có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ