Điều lệ về tiêu chuẩn cung cấp về hành chính phí năm 1957 do Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu Khôngsố
Ngày ban hành 18/06/1957
Ngày có hiệu lực 03/07/1957
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: KHÔNGSỐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 1957 

 

ĐIỀU LỆ

TIÊU CHUẨN CUNG CẤP VỀ HÀNH CHÍNH PHÍ NĂM 1957

Phần thứ nhất:

I. – Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH

Tiêu chuẩn chi tiêu là mức chi tiêu tối đa về một công việc nhất định, mức chi tiêu này được ấn định căn cứ vào nhu cầu công tác và hoàn cảnh kinh tế tài chính, dựa theo phương châm triệt để tiết kiệm chi tiêu về hành chính, chống tư tưởng cung cấp đơn thuần, tư tưởng ỷ lại vào công quỹ, cái gì cũng đòi hỏi Nhà nước giải quyết đồng thời cũng chống tư tưởng bình quân, máy móc.

Tiêu chuẩn chi tiêu có ý nghĩa về hai mặt:

1) Đảm bảo sinh hoạt và điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên, đảm bảo nhu cầu cần thiết cho công tác của các ngành, các cấp trong phạm vi khả năng tài chính Nhà nước và khả năng cung cấp vật tư của nền kinh tế đang thời kỳ khôi phục.

2) Thống nhất chế độ chi tiêu, hạn chế các việc chi tiêu quá đáng, tránh lãng phí, giảm bớt những khoản chi về hành chính không cần thiết để tích luỹ vốn cho Nhà nước, giúp cho việc quản lý dự toán được chặt chẽ để góp phần giữ vững thăng bằng thu chi Nhà nước thăng bằng tiền mặt, bình ổn vật giá và đề cao tinh thần tiết kiệm, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân, nhân viên.

II. – PHƯƠNG PHÁP QUY ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CÁC TIÊU CHUẨN

1) Tất cả các tiêu chuẩn đều định bằng tiền.

Tình hình kinh tế tài chính của ta hiện nay còn gặp khó khăn, giá cả chưa bình ổn được về tất cả các loại hàng: số hàng trong nước sản xuất ra cũng như hàng nhập khẩu ở ngoài vào chỉ có hạn, nhưng nhu cầu của nhân dân và cơ quan Nhà nước thì nhiều cho nên tình hình vật giá luôn luôn căng thẳng. Nếu vật giá lên mà ta bị động chạy theo vật giá thì chẳng những thằng bằng thu chi tài chính mà còn đẩy giá hàng tăng thêm, gây thêm nhiều khó khăn mới cho ta. Cho nên, gặp trường hợp giá cả tăng, chúng ta cần chủ động đối phó bằng cách: giữ vững tiêu chuẩn, cố gắng thu xếp chi tiêu trong phạm vi mức tiền đã ấn định, tuyệt đối không vượt.

Năm 1957 tình hình kinh tế tài chính có nhiều khó khăn. Để góp phần ổn định tình hình, cần triệt để tiết kiệm chi tiêu về hành chính.

2) Trừ một số tiêu chuẩn có thể ấn định thống nhất cho các cấp, các tiêu chuẩn khác sẽ quy định tùy theo tình hình khác nhau giữa các cấp (trung ương, khu, tỉnh), giữa các vùng (miền ngược, miền xuôi, xa, gần thành thị hay nông thôn).

3) Năm 1957, tiêu chuẩn hành chính phí thường xuyên gộp thành 3 loại:

- Loại thứ nhất: Lương và phụ cấp con.

- Loại thứ hai: Chi cho công việc, gồm có;

- Văn phòng phí

- Bưu phí

- Công tác phí

- Loại thứ ba: Chi cho tập thể, gồm có:

- Y dược phí

- Báo

- Điện nước, vệ sinh, dầu thấp.

- Mua sắm lặt vặt...

4) Đầu năm khi quy định chi tiêu về mỗi tiêu chuẩn thuộc loại thứ hai và thứ ba nói trên, Bộ Trung ương sẽ quy định tiêu chuẩn cho cấp khu, và tiêu chuẩn bình quân chung, cho các tỉnh trong khu. Ủy ban Hành chính Liên khu khi lập ngân sách có trách nhiệm điều hòa tiêu chuẩn giữa các tỉnh để định mức tiêu chuẩn cho từng tỉnh trong Liên khu tùy theo tình hình, đặc điểm và yêu cầu công tác của mỗi tỉnh nhưng tổng số kinh phí sau khi đã điều hòa không được quá tổng số kinh phí do Trung ương ấn định (tính theo số biên chế và tiêu chuẩn bình quân của các tỉnh trong khu). Sau khi điều hòa định mức cho các tỉnh, các Liên khu sẽ báo cáo kết quả về Bộ Tài chính.

Công việc điều hòa để định mức tiêu chuẩn giữa các tỉnh trong Liên khu tiến hành dưới sự lãnh đạo của Chính quyền cấp khu và chỉ làm một lần vào đầu năm, trước khi lập dự toán chính thức (năm 1957 thì định khi sửa lại dự toán).

Trong việc quản lý tiêu chuẩn, mỗi cấp chính quyền sẽ áp dụng phương pháp điều hòa tiêu chuẩn cùng một loại giữa các ngành đồng cấp, để cho sát với nhu cầu công tác của mỗi ngành tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu, đồng thời bảo đảm được thăng bằng thu chi dự toán.

Đặc biệt năm sau sẽ gọp nhiều tiêu chuẩn cùng một tính chất vào một loại và có thể điều hòa giữa các tiêu chuẩn cùng một loại. Chủ trương trên nhằm mục đích mở rộng quyền hạn và đề cao tinh thần trách nhiệm của địa phương, của các cấp, vừa tiết kiệm chi tiêu cho công quỹ, khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo công tác cho các ngành.

[...]