Dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 02/10/2023
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: …/…./QH15

 

DỰ THẢO LẦN 2

 

 

LUẬT

PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng không nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về nguyên tắc, chính sách, xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; công tác quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng không; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân đối với phòng không nhân dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phòng không nhân dân hoạt động của toàn dân mà nòng cốt là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa và thực hành đánh địch đột nhập, tiến công đường không.

2. Thế trận phòng không nhân dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, công trình phòng không và nguồn lực cần thiết trên từng địa bàn trong khu vực phòng thủ và phạm vi cả nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng không nhân dân.

3. Chướng ngại vật phòng không là công trình xây dựng, vật cản tự nhiên có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các trận địa phòng không, đài, vọng quan sát phòng không.

4. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.

5. Phương tiện bay siêu nhẹ là các loại Flycam, khí cầu, mô hình bay

a) Flycam là phương tiện bay có gắn camera được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video từ trên cao;

b) Khí cầu là thiết bị bay mà lực nâng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển;

c) Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn; các loại dù bay, diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

2. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương.

3. Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng không nhân dân.

4. Được chuẩn bị từ thời bình và triển khai thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền khi có biểu hiện địch đột nhập, tiến công đường không.

5. Xây dựng lực lượng phòng không nhân dân phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và nằm trong thế trận khu vực phòng thủ.

6. Tổ chức hoạt động phòng không nhân dân thực hiện theo hình thức kiêm nhiệm; bảo đảm hợp lý, kịp thời, hiệu quả, an toàn và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương.

 Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân

1. Thực hiện chính sách độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Xây dựng thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc cả trong nội địa, biên giới, trên biển, đảo; để phát hiện địch sớm, thông báo, báo động kịp thời, phòng tránh hiệu quả; đánh địch từ xa đến gần, trên các hướng.

[...]