Đề án 01-ĐA/ĐĐHND nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020

Số hiệu 01-ĐA/ĐĐHND
Ngày ban hành 13/11/2009
Ngày có hiệu lực 13/11/2009
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Hội Nông dân Việt Nam
Người ký Nguyễn Quốc Cường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
ĐẢNG ĐOÀN HỘI NÔNG DÂN
VIỆT NAM
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 01-ĐA/ĐĐHND

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2009

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2010-2020

SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Ngay từ khi ra đời (03/2/1930), Đảng ta đã có chủ trương tiến hành xây dựng các tổ chức cách mạng của quần chúng. Ngày 14-10-1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đã quyết định thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (nay là Hội Nông dân Việt Nam) nhằm tập hợp giai cấp nông dân trong cuộc đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trải qua các thời kỳ cách mạng, tổ chức Hội với những tên gọi khác nhau, đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi giai cấp nông dân - một lực lượng đông đảo và hùng hậu trong khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức đi theo con đường của cách mạng Việt Nam mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; xứng đáng là người đại diện cho lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân, cầu nối vững chắc giữa giai cấp nông dân với Đảng, chỗ dựa tin cậy của chính quyền nhân dân ở nông thôn; góp phần to lớn vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam đã có bước phát triển mới về mọi mặt trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào nông dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đất nước đang bước vào giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới có tác động rất lớn, nhiều mặt tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội; vừa tạo ra thời cơ to lớn, vừa đặt ra những thách thức lớn lao đối với sự phát triển toàn diện của đất nước, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những đòi hỏi đối với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang trở lên gay gắt. Không chỉ các sản phẩm xuất khẩu mà cả các sản phẩm nông sản tiêu thụ trong nước cũng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm nhập khẩu. Các vấn đề chênh lệch trong phát triển cũng như thu nhập, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn; vấn đề thừa lao động, thiếu việc làm; vấn đề đô thị hóa và những bất cập trong chính sách thu hồi đất đai; vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn… cũng ngày càng bức xúc. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn).

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã xác định: “Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Tuy nhiên, hiện nay các cấp Hội Nông dân Việt Nam còn có nhiều bất cập cả về tổ chức bộ máy, cán bộ cũng như nội dung và phương thức hoạt động. Hệ thống tổ chức còn thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ còn hạn chế về chất lượng và nhất là chưa có qui định thống nhất và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về tổ chức, bộ máy, biên chế cho cấp tỉnh và huyện. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8B (khóa VI) nêu quan điểm: “Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân”, nhưng do Hội chưa tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động và nhất là chưa có được cơ chế, chính sách trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cho nên cả nội dung và phương thức hoạt động vẫn chung chung, hình thức. Tình trạng tuyên truyền, vận động “chay” còn rất phổ biến, chưa đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của hội viên, nông dân về vốn; vật tư, máy móc, thiết bị; khoa học kỹ thuật; thị trường tiêu thụ sản phẩm… để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, cán bộ, nội dung và phương thức hoạt động, đáp ứng chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân” và “Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị giao (Công văn 6419-CV/VPTW ngày 24/12/2008 của Văn phòng Trung ương Đảng), Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ XÂY DỰNG GIAI CẤP NÔNG DÂN VIỆT NAM

I - THỰC TRẠNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Từ sau Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc lần thứ nhất (tháng 3/1988), Hội đã phát động “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu” trong hội viên, nông dân cả nước. Phong trào đã thu hút, tập hợp, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, đã có hàng triệu hộ đăng ký phấn đấu và hàng triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Để thúc đẩy phong trào phát triển, Hội Nông dân các cấp đã chủ động liên kết, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền, các đoàn thể địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân thông qua các hoạt động cụ thể sau:

1. Hỗ trợ nông dân vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh

Nhu cầu có vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu là một đòi hỏi chính đáng và trở nên bức xúc của nông dân. Để đáp ứng nguyện vọng của nông dân, trong những năm vừa qua các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung có các biện pháp hỗ trợ giải quyết vốn cho nông dân.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ năm 1996 đến nay, Quỹ được xây dựng ở 4 cấp Hội gồm: Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, Quỹ Hỗ trợ nông dân ở 52 tỉnh, 370 huyện, 420 xã. Đến nay, nguồn vốn của Quỹ trong toàn hệ thống đạt 509 tỷ đồng. Trong 10 năm, Quỹ đã hỗ trợ trên 1,5 triệu lượt hộ vay vốn, doanh số cho vay đạt 1,6 nghìn tỷ đồng.

Năm 1999, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Nghị quyết liên tịch số 2308 giúp nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản thông qua các tổ vay vốn do Hội thành lập. Doanh số cho vay qua tổ trong 10 năm (1999-2009) đạt 40 nghìn tỷ đồng với trên 7 triệu lượt hộ vay.

Năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội được thành lập, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp và cùng ký văn bản số 235/VB-LT ngày 15/4/2003 để tổ chức thực hiện ủy thác cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn. Đến nay, Hội đã nhận ủy thác số tiền dư nợ trên 20,8 nghìn tỷ đồng với 2,4 triệu lượt hộ vay.

Hội đã tích cực, chủ động tham gia Chương trình vay vốn Quốc gia hỗ trợ việc làm (Chương trình 120), từ năm 2000 - 2008, số vốn kế hoạch và vốn đến hạn thu hồi cho quay vòng là 102 tỷ đồng, giải quyết cho 29.000 lao động có việc làm. Vốn cho vay được bảo toàn và phát triển tốt.

Hội đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các Chương trình, dự án Quốc gia như: khuyến nông, khuyến ngư; phát triển ngành nghề nông thôn; nước sạch, vệ sinh môi trường v.v… với số tiền 3.281,37 tỷ đồng xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân.

Thông qua hoạt động đối ngoại, Hội Nông dân Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các nước, tranh thủ được nguồn vốn đầu tư, tài trợ từ các dự án 12,6 triệu USD (tương đương 192 tỷ VNĐ) để tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân ứng dụng vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao KHKT và xây dựng thương hiệu nông sản v.v…

Đồng thời, Hội Nông dân các cấp đã vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ nhau tại cộng đồng về vật tư, giống, vốn… để phát triển sản xuất, kinh doanh trị giá trên 2.000 tỷ đồng (giai đoạn 2000 - 2008).

2. Phối hợp với các doanh nghiệp giúp nông dân mua vật tư, máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm

Trong những năm qua, Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón như Công ty super phốtphát và Hoá chất Lâm Thao, Công ty phân bón Bình Điền, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển… cung ứng hàng chục vạn tấn phân bón cho nông dân (trả sau chu kỳ sản xuất) đảm bảo chất lượng, giá cả, tạo điều kiện cho các hộ nông dân thiếu vốn sản xuất kịp thời vụ. Hội đã phối hợp với các công ty của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam bán cho nông dân theo phương thức trả chậm, trả góp, tạo điều kiện cho nông dân đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

3. Phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, các nhà khoa học tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống

Các cấp Hội đã tích cực tổ chức tham gia công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư. Năm năm qua (2003-2008), Hội Nông dân đã mở được gần 300 nghìn lớp tập huấn kỹ thuật cho hội viên và nông dân.

Tổ chức ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân tham quan và học tập. Thành lập các Câu lạc bộ nông dân nhằm thu hút, tập hợp nông dân để các hộ sản xuất kinh doanh giỏi phổ biến kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất, giúp đỡ các hộ nghèo; là nơi trao đổi, cung cấp thông tin về sản xuất, thị trường, … giúp nông dân định hướng sản xuất.

Thực hiện các dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn ở một số xã đặc biệt khó khăn” theo cách “cầm tay chỉ việc”.

4. Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã ở nông thôn

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ