Công văn số 0977/TM-XTTM ngày 08/03/2004 của Bộ Thương mại về việc phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia 2004

Số hiệu 0977/TM-XTTM
Ngày ban hành 08/03/2004
Ngày có hiệu lực 08/03/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 0977/TM-XTTM
V/v phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia 2004

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2004

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 05/2002/NQ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2002 về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2002;

Căn cứ Thông tư số 86/2002/TT-BTC ngày 27 tháng 9 năm 2002 củ Bộ Tài chính hướng dẫn chi hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu;

Căn cứ Quy chế xây dựng và quản lý chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 0104/2003/QĐ-BTM ngày 24 tháng 1 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Thương mại;

Căn cứ kết quả đạt được thông qua các chương trình XTTM trọng điểm quốc gia năm 2003 và Căn cứ vào đề xuất các cơ quan, tổ chức (đủ điều kiện là đơn vị chủ trì chương trình) về các chương trình XTTM trọng điểm năm 2004, Bộ Tài chính xin báo cáo một số nội dung cụ thể sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XTTM TRỌNG ĐIỂM QUỐC GIA NĂM 2003:

Có 120 đề án đã thực hiện đạt 65% và 64 đề án không có khả năng thực hiện chiếm 35% trong tổng số 184 đề án được được phê duyệt (182 đề án phê duyệt theo QĐ số 0602 của Bộ TM và 02 đề án phê duyệt bổ sung), chi tiết cụ thể:

(i). Số lượng đề án:

- Tổng số đề án đã được duyệt: 184 đề án của 24 đơn vị chủ trì.

- Tổng số đề án đã thực hiện: 120 đề án của 23 đơn vị chủ trì.

- Tổng số đề án không thực hiện: 64 đề án (trong đó có 9 đề án của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã được phê duyệt, nhưng không thực hiện một đề án nào).

(ii) Tổng số tiền đã được nhà nước (Bộ Tài chính) cấp tạm ứng cho các chương trình mới đạt gần 28 tỷ đồng (chiếm gần 20% trong tổng số tiền dự kiến đề nghị nhà nước hỗ trợ cho các chương trình).

(iii) Một số khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện chương trình:

- Việc nộp đề án hầu hết các cơ quan chủ trì còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ phê duyệt đề án và khiến cho quỹ thời gian triển khai thực hiện của các cơ quan chủ trì bị rút ngắn.

- Bên cạnh đó, sau khi các đề án được duyệt, các cơ quan chủ trì chậm làm dự toán tài chính gửi Bộ Tài chính, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân, dẫn đến viện khi có tiền thì không thực hiện được chương trình do đã quá thời hạn triển khai (nhất là đối với các chương trình tham gia hội chợ triển lãm).

- Do tình hình dịch SARS nên một số chương trình tham gia hội chợ triển lãm và khảo sát thị trường nước ngoài đã phải huỷ bỏ.

- Năm 2003 là năm đầu tiên triển khai chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia trong khi năng lực của các cơ quan chủ trì chương trình còn hạn chế do đó có một số chương trình vượt quá khả năng triển khai của cơ quan chủ trì.

- Công tác dự trù, kế hoạch và tổ chức triển khai chương trình, ở một số nơi còn thiếu chuyên nghiệp và chưa được quan tâm thích đáng, dẫn đến việc tổ chức chương trình còn chưa tốt và bị động.

- Một số chương trình xây dựng cơ bản trong nước và nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu pháp lý của Việt Nam và nước sở tại nên chưa triển khai được (ví dụ việc lập kho ngoại quan tại Singapore chính quyền sở tại yêu cầu phải có báo cáo kiểm toán của 03 năm gần nhất nhưng cơ quan chủ trình không đáp ứng được do chưa có báo cáo kiểm toán của 03 năm).

(iv). Kết quả:

- Góp phần củng cố hệ thống các cơ quan xúc tiến thương mại trên toàn quốc, bao gồm cả các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Thông qua việc thực hiện chương trình, các cơ quan đã có điều kiện đẩy mạnh việc hợp tác và phối hợp với nhau, giảm bớt trùng lắp và tiết kiệm nguồn lực.

- Đổi mới nhận thức và nâng cao trình độ cho các cơ quan XTTM: nếu như trước đây hầu hết các cơ quan chủ trì chương trình còn có trình độ, năng lực hạn chế và nhất là quan điểm phục vụ doanh nghiệp chưa đúng thì sau khi triển khai chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia đã có điều kiện nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên quy mô tương đối lớn và cách làm bài bản hơn. Đặc biệt, nhận thức về việc “phục vụ” doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Các tổng Công ty và hiệp hội vốn trước đây chỉ quan tâm đến lợi ích của các doanh nghiệp thành viên thì trong việc thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia đã mở rộng đối tượng tham gia tới các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên toàn quốc. Ngay cả với một số chương trình không thực hiện được cũng là bài học về cách xây dựng và triển khai thực hiện cho các cơ quan chủ trì chương trình và là cơ hội để các cơ quan này nhìn nhận lại thực tế năng lực của mình để có các biện pháp khắc phục trong tương lai.

- Góp phần tích cực nâng cao năng lực và vị thế của các hiệp hội trong cộng đồng doanh nghiệp.

- Góp phần quảng bá hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Đặt nền móng ban đầu về cơ sở vật chất kỹ thuật xúc tiến thương mại phục vụ phát triển xuất khẩu lâu dài.

- Tạo dựng cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ban đầu cho các hiệp hội và doanh nghiệp trong việc ứng dụng thương mại điện tử để giao dịch kinh doanh thương mại với các đối tác và bạn hàng quốc tế.

- Nâng cao một bước trình độ, nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp cũng như cán bộ trong các cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương và Bộ/ngành. Nhiều thông tin và kiến thức và thị trường, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, nghiệp vụ xúc tiến thương mại và kể cả kiến thức chuyên ngành đã được phổ biến cho các doanh nghiệp.

- Các cơ quan chủ trì chương trình và doanh nghiệp được trực tiếp tìm hiểu về nhu cầu, sức mua và các đặc điểm của các thị trường trọng điểm cũng như đối thủ cạnh tranh tại thị trường đó. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tạo lập và mở rộng nhiều mối quan hệ với các đối tác nước ngoài (trong đó một số đã có giao dịch cụ thể). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở xây dựng và triển khai các kế hoạch/chương trình sản xuất - kinh doanh của mình một cách hợp lý hơn và sát với thị trường hơn.

[...]