Công văn 9565/BGTVT-CQLXD năm 2014 công việc nhằm nâng cao chất lượng thiết kế, thi công bê tông nhựa, khắc phục "hằn lún vệt bánh xe" trên các tuyến đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 9565/BGTVT-CQLXD
Ngày ban hành 06/08/2014
Ngày có hiệu lực 06/08/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Ngọc Đông
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9565/BGTVT-CQLXD
V/v: Một số công việc nhằm nâng cao chất lượng thiết kế, thi công BTN, khắc phục “hằn lún vệt bánh xe” trên các tuyến đường bộ.

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2014

 

Kính gửi:

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Các Sở GTVT các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Ban Quản lý dự án, VEC; Cửu Long CIPM;
- Các Tổng công ty 1, 4, 5, 6, 8, Thăng Long;
- Thanh tra Bộ GTVT;
- Vụ Khoa học công nghệ;
- Viện Khoa học & công nghệ Giao thông vận tải;
- Trường Đại học Giao thông vận tải;
- Các đơn vị Tư vấn chính (TEDI, TEDI South, Trường Sơn);
- Các nhà đầu tư BOT, BT;

Để có giải pháp, kế hoạch khắc phục tình trạng hiện tượng “hằn lún vệt bánh xe” (HLVBX) trên mặt đường bê tông nhựa sau khi đưa công trình vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có các văn bản số 6495/BGTVT-CQLXD ngày 04/6/2014, văn bản số 7654/BGTVT-CQLXD ngày 26/6/2014, văn bản số 7831/BGTVT-CQLXD ngày 01/7/2014 về các giải pháp và kế hoạch khắc phục HLVBX sau khi đưa công trình vào khai thác, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Trước mắt, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

1. Về công tác thiết kế mẫu thành phần bê tông nhựa:

a) Yêu cầu về các vật liệu đầu vào thiết kế hỗn hợp BTN:

Các vật liệu đầu vào phải được kiểm soát chặt chẽ (nhựa đường, đá dăm, cát, bột khoáng ...) về nguồn gốc xuất xứ, các chứng nhận, chứng chỉ về chất lượng của nhà sản xuất, các thông số kỹ thuật theo quy định của thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án.

- Nhựa đường sử dụng để chế tạo hỗn hợp bê tông nhựa phải được lựa chọn và tuân thủ các yêu cầu quy định tại TCVN 8819:2011, Quyết định số 858/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2014 của Bộ GTVT về “Hướng dẫn áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm tăng cường quản lý chất lượng thiết kế và thi công mặt đường bê tông nhựa nóng đối với các tuyến đường ô tô có quy mô giao thông lớn” (gọi tắt là Quyết định số 858/QĐ-BGTVT) và Chỉ thị số 13/CT-BGTVT ngày 08/8/2013 của Bộ GTVT “Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông”.

- Hàm lượng nhựa của hỗn hợp BTN nêu tại mục 4.1 của TCVN 8819: 2011 là “hàm lượng nhựa tham khảo”, hàm lượng nhựa sử dụng thực tế là hàm lượng nhựa tối ưu nhất xác định được trong quá trình thiết kế hỗn hợp BTN theo TCVN 8820: 2011.

- Cốt liệu thô (đá dăm) sử dụng trong hỗn hợp BTN phải thỏa mãn các yêu cầu quy định tại mục 5.1 của TCVN 8819:2011 và mục 3.3.2 của Quyết định số 858/QĐ-BGTVT. Đối với chỉ tiêu “Cường độ nén của đá gốc”, yêu cầu nhà thầu phải thí nghiệm dưới sự giám sát cửa TVGS hoặc đại diện Ban QLDA.

- Cốt liệu mịn sử dụng trong hỗn hợp BTN: Tăng cường sử dụng cát xay thay cho cát tự nhiên với các yêu cầu tại Bảng 6 của TCVN 8819:2011, tham khảo thành phần cấp phối theo Bảng 5 của Quyết định số 858/QĐ-BGTVT, cường độ đá gốc ≥ 80Mpa.

- Bột khoáng phải đạt các chỉ tiêu quy định tại mục 5.3 của TCVN 8819:2011, không sử dụng bột khoáng thu hồi từ trạm trộn.

b) Yêu cầu về công tác thiết kế hỗn hợp BTN:

Xác lập công thức chế tạo hỗn hợp BTN: Phải thực hiện đầy đủ công tác thiết kế thành phần hỗn hợp BTN theo quy định tại TCVN 8819:2011 và TCVN 8820: 2011 (Thiết kế sơ bộ, thiết kế hoàn chỉnh và xác lập công thức chế tạo hỗn hợp BTN). Dựa trên thiết kế hoàn chỉnh, tiến hành công tác rải thử BTN để xác định quy trình công nghệ thi công và sơ đồ lu. Trên cơ sở kết quả sau khi rải thử lớp BTN tiến hành các điều chỉnh (nếu cần thiết) để đưa ra công thức chế tạo hỗn hợp BTN là cơ sở cho toàn bộ công tác tiếp theo: sản xuất hỗn hợp BTN tại trạm trộn, thi công, kiểm tra giám sát chất lượng và nghiệm thu.

Quá trình thiết kế hỗn hợp BTN phải thí nghiệm hằn vệt bánh xe. Nếu không đạt yêu cầu về chỉ tiêu vệt hằn bánh xe theo quy định thì phải điều chỉnh thành phần hỗn hợp thiết kế, thay đổi mác nhựa hoặc thay loại đá khác đến khi đạt yêu cầu.

Nghiêm cấm bỏ qua hoặc thực hiện không nghiêm túc các nội dung của quá trình thiết kế hỗn hợp BTN.

2. Yêu cầu về máy móc, thiết bị thi công BTN:

Thiết bị quá thời gian 7 năm nếu không đảm bảo chất lượng thì không được phép sử dụng.

- Trạm trộn BTN:

+ Trạm trộn phải được trang bị máy tính và các thiết bị điều khiển bao gồm hệ thống cân đong, kiểm soát nhiệt độ, hệ thống cấp bột khoáng, hệ thống lọc bụi ... đảm bảo sự làm việc, kiểm soát tốt nhiệt độ, tỷ lệ phối trộn các loại vật liệu đá, cát, bột khoáng, nhựa, phụ gia (nếu có) theo thiết kế.

+ Tại mỗi trạm trộn phải có đầy đủ các thiết bị thí nghiệm để kiểm tra kịp thời chất lượng vật liệu, độ ẩm cốt liệu nhằm điều chỉnh khối lượng mỗi thành phần đá, cát ... từng mẻ trộn, và để kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của hỗn hợp BTN sản xuất ra tại trạm trộn, trong đó phải chế bị mẫu Marshall, để xác định khối lượng thể tích làm cơ sở xác định độ chặt lu lèn của lớp BTN tại lý trình thi công tương ứng.

- Máy rải BTN: Máy rải BTN phải có đầy đủ các bộ phận guồng xoắn, tấm là, các sensor, ... đảm bảo chất lượng, hoạt động tốt, ổn định mới được cho phép thi công.

- Máy lu và sơ đồ lu:

Thiết bị lu BTN gồm ít nhất lu bánh thép nhẹ 6-8 tấn, lu bánh thép nặng 10-12 tấn và lu bánh hơi có lốp nhẵn đi theo một máy rải. Yêu cầu về lu và sự phối hợp giữa các loại lu theo quy định tại mục 8.7 của TCVN 8819: 2011.

Sơ đồ lu lèn, tốc độ lu lèn, sự phối hợp các loại lu, số lần lu lèn qua một điểm của từng loại lu để đạt được độ chặt yêu cầu được xác định trên đoạn rải thử. Nếu sử dụng lu rung thì chỉ được dùng trong giai đoạn lu chặt (sau giai đoạn lu sơ bộ và trước giai đoạn lu cuối cùng), tốc độ lu nên trong khoảng 3-4,5km/h.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ hỗn hợp bê tông nhựa trong quá trình sản xuất tại trạm trộn, vận chuyển, bắt đầu lu lèn và kết thúc lu lèn theo quy định tại Bảng 9 của TCVN 8819:2011.

3. Yêu cầu về kiểm soát chất lượng BTN:

a) Ban Quản lý dự án:

- Củng cố lại hệ thống quản lý chất lượng dự án, giao Ban QLDA thành lập, duy trì hoạt động hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình triển khai dự án từ khâu thiết kế, giám sát, thi công. Phải lựa chọn các kỹ sư đúng chuyên môn, kỹ sư vật liệu, công nghệ, thi công, thí nghiệm,... thực hiện.

- Các Ban QLDA phải chịu trách nhiệm rà soát về nhân sự, thiết bị của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công BTN, kiên quyết không chấp thuận nếu không đáp ứng yêu cầu.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ