Công văn 927/TTg-CN năm 2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 927/TTg-CN |
Ngày ban hành | 06/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 06/07/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Trương Hòa Bình |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 927/TTg-CN |
Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2017 |
Kính gửi: |
- Đại biểu Quốc hội Trương Trọng
Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh; |
Ngày 08 tháng 6 năm 2017, Tổng Thư ký Quốc hội có Công văn số 837/TTKQH-GS đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản trả lời Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ xin trả lời như sau:
NỘI DUNG CHẤT VẤN 1
Thời gian qua việc cấp phép khai thác cát tràn lan, nạn hút cát trái phép, xuất khẩu cát với số lượng lớn kéo dài nhiều năm, đây là một trong những tác nhân gây xói lở bờ sông, bờ biển, làm sụp đổ nhà cửa, vườn tược của nhiều người dân trên cả nước.
Xin cho biết việc quy hoạch cấp phép và quản lý khai thác cát có những sai phạm gì? Chính phủ đã và sẽ xử lý ra sao, có những giải pháp gì để bảo vệ an toàn cho môi trường và đời sống người dân, đồng thời bảo đảm nhu cầu cát xây dựng?
TRẢ LỜI
Trên cơ sở Luật khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP), trong đó quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, phê duyệt và cấp phép khai thác cát khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có cát, sỏi và quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp, bao gồm cả cát, sỏi lòng sông; ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó bổ sung các hành vi cần xử phạt, tăng mức xử phạt đối với các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép lên 2-3 lần. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, theo đó đã chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có cát, sỏi lòng sông.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, công tác quản lý nhà nước và đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, hạn chế như chưa xử lý được hình sự, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe, việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm của các địa phương chưa thống nhất; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên toàn quốc, đây là hoạt động tội phạm tinh vi, khó đối phó, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ. Thực tế hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm trấn áp tội phạm nhưng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tinh vi, có nơi công khai, có tính chất lộng hành, chống lại người thi hành công vụ, đe dọa người dân và lãnh đạo chính quyền địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa mạnh dạn phân cấp cho địa phương, dư luận nghi ngờ có quan hệ lợi ích nhóm; các lực lượng chức năng buông lỏng quản lý, thiếu phối hợp chặt chẽ, một số quy định pháp luật còn bất cập. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng cát để san lấp và xây dựng hiện nay rất lớn, việc khai thác, kinh doanh cát đem lại nguồn thu cao; đồng thời, phạm vi các luồng tuyến sông rộng, thuận lợi cho việc vận chuyển tiêu thụ cát khắp các tỉnh, thành phố; quy định pháp luật về xử lý hình sự hành vi khai thác cát, sỏi trái phép chưa cụ thể, rõ ràng, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe đối với các vi phạm này; có dư luận về lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát sỏi trái phép.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên cát, sỏi và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thi hành chính sách pháp luật về khoáng sản và văn bản số 357/TB-VPCP ngày 06 tháng 11 năm 2015, số 161/TB-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2017.
Giải pháp thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề để đánh giá và đề ra các giải pháp toàn diện, căn cơ để giải quyết vấn đề này. Trước mắt, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải pháp sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép; điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, cầm đầu và nhóm lợi ích tham nhũng bao che; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan để khởi tố và xét xử điểm một số vụ án có liên quan hoạt động khai thác cát, sỏi.
2. Nghiên cứu xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật, hướng dẫn việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, trong đó phân cấp triệt để cho địa phương việc cấp phép khai thác cát và thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu sản phẩm cát; các Bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát.
3. Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
4. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên; nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ nhu cầu trong nước (san lấp bờ biển chống sạt lở, mở rộng đất liền, mở rộng đảo…).
5. Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của khai thác cát, sỏi trái phép, vận động doanh nghiệp và người dân chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm bao che, lợi ích nhóm, kể cả xử lý hình sự.
NỘI DUNG CHẤT VẤN 2
Xin Thủ tướng cho cử tri biết việc bồi thường, thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân 04 tỉnh miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra được thực hiện như thế nào?
Công tác kiểm tra giám sát Fomosa khắc phục 53 lỗi vi phạm bảo đảm không tái phạm và xảy ra sự cố khi vận hành, bảo đảm an toàn cho môi trường biển đã tiến hành ra sao?
TRẢ LỜI
1. Việc bồi thường, thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh:
Sự cố môi trường biển từ tháng 4/2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 04 tỉnh miền Trung.
Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các Bộ, ngành trung ương, các địa phương liên quan vào cuộc kịp thời, đồng bộ để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; chỉ đạo khôi phục sản xuất; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống; triển khai khẩn trương công tác kê khai và xác định thiệt hại đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ,
Để giúp người dân ổn định cuộc sống ngay khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp gạo và tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 0216 và Quyết định 1138/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 6 năm 2016) với tổng số kinh phí là 282,36 tỷ đồng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, các địa phương liên quan triển khai ngay công tác xác định, thống kê thiệt hại của người dân; ban hành Định mức bồi thường thiệt hại (Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2016 và Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017). Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng Ban.
Trên cơ sở kết quả thống kê thiệt hại, định mức xác định thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí 03 đợt với tổng số tiền 5.500 tỷ đồng cho 04 tỉnh để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Tính đến ngày 30/5/2017, công tác chi trả của 04 tỉnh đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tỷ lệ giải ngân chi trả đạt trung bình 84%. Căn cứ tiến độ này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí lần thứ 4 với số tiền 1.500 tỷ để các tỉnh tiếp tục chi trả nốt, phấn đấu đến hết tháng 6/2017 sẽ hoàn thành việc chi trả cho người dân.
Đến nay, nhìn chung tình hình an ninh trật tự xã hội tại 04 tỉnh miền Trung đã ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động du lịch tại 04 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, thậm chí tại một số thời điểm số lượng khách du lịch đến với 04 tỉnh tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi. Người dân, xã hội đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương.
Bên cạnh công tác chi trả tiền bồi thường, thiệt hại, về mặt lâu dài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.