Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 8962/BCT-VP về sơ kết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2023 của Bộ Công Thương

Số hiệu 8962/BCT-VP
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Phan Thị Thắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 8962/BCT-VP
V/v sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2023 của Bộ Công Thương

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Bộ Công an

Trả lời văn bản số 3732/BCA-ANCTNB ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Bộ Công an về việc sơ kết công tác bảo vệ bí mật nhà nước năm 2023, Bộ Công Thương báo cáo như sau:

I. Tình hình

Căn cứ Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, thời gian qua Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2020 về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại, đồng thời ban hành Quyết định số 2142/QĐ-BCT ngày 13 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) của Bộ Công Thương và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác bảo vệ BMNN trong phạm vi quản lý. Sau hơn 2 năm triển khai, công tác bảo vệ BMNN tại Bộ Công Thương ngày càng đi vào nề nếp, có chất lượng; các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ BMNN.

II. Kết quả thực hiện công tác bảo vệ BMNN 

1. Công tác đã thực hiện

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tổ chức tập huấn các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN:

+ Bộ Công Thương đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai kịp thời các văn bản về công tác bảo vệ bí mật nhà nước cho các đơn vị, công chức, người lao động thuộc Bộ. Tháng 9/2023, Bộ đã tổ chức lớp tập huấn công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ BMNN cho hơn 200 cán bộ, công chức bộ các đơn vị thuộc Bộ, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác bảo vệ BMNN. Tháng 11/2023, Tổng Cục Quản lý Thị trường cũng tổ chức lớp tập huấn để phổ biến, quán triệt nội dung trên tới 63 Cục Quản lý thị trường trên cả nước.

+ Công tác khác liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước: Ngày 19/5/2023, Ban Tổ chức trung ương ban hành Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW về khung tiêu chí xác định cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật, trong đó yêu cầu: Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương ban hành danh mục cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật tại địa phương, cơ quan, đơn vị; định kỳ rà soát, bổ sung, sửa đổi phù hợp. Trên cơ sở Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW, Bộ đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến ban hành danh mục cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật của Bộ Công Thương trong năm 2023.

+ Tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, người lao động về công tác văn thư, lưu trữ và bảo vệ BMNN, trong năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1926/QĐ-BCT ngày 27/7/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công tác Lưu trữ; công văn số 3190/BCT-VP ngày 25/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc thực hiện công tác lập và nộp lưu hồ sơ; công văn gửi các đơn vị quán triệt Thông tư số 10/2022/TT-BNV ngày 19/12/2022 của Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu; và công văn số 7019/BCT-TCCB ngày 09/10/2023 gửi các đơn vị hành chính thuộc Bộ về việc thực hiện quy định những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến BMNN.

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện các biểu mẫu quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ BMNN: Bộ Công Thương và các đơn vị đã trang bị hệ thống sổ đăng ký, chuyển giao bí mật nhà nước theo đúng mẫu quy định; trang bị đủ số lượng dấu mật theo quy định tại Điều 2 Thông tư.

- Công tác tự kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN: Bộ Công Thương đã thường xuyên lồng ghép nội dung bảo vệ BMNN trong các đoàn kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, báo cáo Lãnh đạo Bộ tăng cường việc chỉ đạo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN tại các đơn vị.

- Công tác phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN, trong đó: số vụ, số đối tượng bị khởi tố, truy tố, xét xử: không vụ; số vụ, số tổ chức, cá nhân bị xử lý hành chính (mức phạt tiền/số tiền): không vụ; số vụ, số tổ chức, cá nhân bị kỷ luật do vi phạm pháp luật về bảo vệ BMNN: không vụ; số vụ đang tiếp tục điều tra, truy xét, xét minh: không vụ.

- Kết quả thực hiện “Điều khoản chuyển tiếp” quy định tại Điều 28 Luật Bảo vệ BMNN: tiếp theo các các văn bản ban hành cuối năm 2022 gửi các đơn vị thuộc Bộ về triển khai thực hiện điều khoản chuyển tiếp Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong năm 2023, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện. “Điều khoản chuyển tiếp” theo đúng quy định Luật Bảo vệ BMNN.

- Căn cứ yêu cầu tại Kết luận số 43/KL-BCA-ANCTNB ngày 07/12/2020 của Bộ Công an kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp Luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với Bộ Công Thương, Kết luận số 21/KL-BCA ngày 12/11/2021 của Bộ Công an kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng đối với Bộ Công Thương; Thông báo số 1688/TB-X05-P8 ngày 27/6/2022 kết quả thực hiện Kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng đối với Bộ Công Thương, tháng 11/2022, Bộ Công Thương đã phê duyệt và triển khai Đề án "Phân loại tài liệu bí mật nhà nước; trang bị phần mềm Windows bản quyền cho các máy tính trạm tại cơ quan Bộ Công Thương". Bộ đã mua sắm, cung cấp dịch vụ trang bị phần mềm Windows bản quyền cho hơn 200 các máy tính trạm của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo cấp Vụ và các đơn vị thường xuyên làm việc, tiếp xúc với các thông tin thuộc bí mật nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Công Thương, bảo đảm an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

2. Nhận xét, đánh giá

2.1. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN

- Công tác bảo vệ BMNN tại Bộ Công Thương ngày càng thực chất, đi vào nề nếp có hiệu quả; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN trong cán bộ, công chức ngày càng tốt hơn.

- Việc soạn thảo, phát hành tài liệu, sao, chụp tài liệu, vật chứa BMNN tại Bộ Công Thương được thực hiện theo đúng Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ và Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Công Thương.

- Không truyền đưa BMNN trên không gian mạng; văn bản mật đi, đến tại Bộ Công Thương được lập thành sổ theo dõi, quản lý riêng, mọi trường hợp giao nhận tài liệu bí mật nhà nước giữa các khâu đều phải vào sổ, ký nhận. Việc giao nhận tài liệu Mật được thực hiện trực tiếp tại nơi có tài liệu Mật, tất cả các văn bản mật từ các cơ quan gửi tới Bộ Công Thương được vào sổ riêng, được cho số riêng và chuyển giao tới người có trách nhiệm xử lý theo quy định.

- Việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung BMNN tại Bộ Công Thương được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ BMNN, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP và Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Công Thương.

- Bộ Công Thương đang thực hiện việc giải mật, tăng giảm, giảm độ mật tài liệu BMNN theo quy định tại điều khoản chuyển tiếp Điều 28 Luật Bảo vệ BMNN.

- Thống kê, lưu trữ, bảo quản tài liệu BMNN: Hồ sơ, tài liệu, vật chứa BMNN khi chuyển sang Lưu trữ Bộ được thống kê, chỉnh lý, sắp xếp, đánh số tờ, lập Mục lục và được lưu giữ riêng trong tủ có khóa chắc chắn theo đúng quy định. Việc khai thác những hồ sơ, tài liệu Mật được quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ được ghi rõ trong “Nội quy khai thác hồ sơ tài liệu của Bộ Công Thương”.

- Năm 2023, Bộ Công Thương chưa tiến hành việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước.

2.2. Ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm

- Ưu điểm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành, đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác vào bảo vệ BMNN. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương, công tác bảo vệ BMNN tại Bộ Công Thương ngày càng đi vào nề nếp, thực chất và có hiệu quả hơn; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ BMNN của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao.

- Hạn chế: Kinh phí dành cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước còn hạn chế; việc thực hiện điều khoản chuyển tiếp còn chậm so với quy định; các văn bản hướng dẫn chuyên môn về kinh phí phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước, chế độ phụ cấp cho công chức làm chuyên trách, kiêm nhiệm công tác bảo vệ BMNN chưa chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Hiện nay vẫn còn tình trạng các văn bản gửi đến được đóng dấu độ mật nhưng thông tin của văn bản lại không thuộc trường hợp là thông tin BMNN theo quy định. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ BMNN chưa có quy định về việc xử lý đối với trường hợp này.

[...]