Công văn 8881/UBND-CT năm 2014 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 8881/UBND-CT
Ngày ban hành 14/11/2014
Ngày có hiệu lực 14/11/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PH HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8881/UBND-CT
V/v tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Sở, ngành: Công Thương, Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng; Cảnh sát PC&CC;
- U
BND các quận, huyện, thị xã.

 

Triển khai thực hiện Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), thời gian qua các Sở ngành, quận huyện, thị xã đã có nhiều cố gắng trong quản lý hoạt động kinh doanh LPG, bước đầu đã có những kết quả nhất định, từng bước quản lý và kim soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn.

Tuy nhiên, một số các cơ sở có trạm nạp LPG vào chai, trạm cấp LPG tại các khu đô thị và các cửa hàng kinh doanh LPG chai chưa đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, chưa làm đầy đủ các hồ sơ, thủ tục để được cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Việc này dễ dẫn đến các sự cố không mong muốn, gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành của các cơ sở kinh doanh LPG chưa nghiêm túc, công tác kiểm tra thực hiện chưa triệt để, chưa thường xuyên, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.

Để đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh LPG thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, tăng cường công tác an toàn liên quan đến kinh doanh, sử dụng LPG trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là những tháng cuối năm 2014 và dịp Tết cổ truyền, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Công Thương:

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh doanh LPG trên địa bàn, chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng, UBND các quận huyện, thị xã thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh LPG của tất cả các cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn, xử lý nghiêm và kịp thời mọi hành vi vi phạm, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

- Chủ trì thực hiện kiểm tra về các điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ đối với các trạm nạp LPG vào chai, các trạm cấp LPG qua đường ống tại các khu đô thị, khu chung cư, các cơ sở tồn chứa, vận chuyển LPG, các cửa hàng kinh doanh LPG chai, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG trên địa bàn Thành phố đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đối với các cơ sở không duy trì đúng và đủ các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, không lập và phê duyệt báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định thì kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã cấp theo quy định;

- Chỉ đạo các bộ phận chức năng thuộc thẩm quyền nắm tình hình, kiểm tra phát hiện, kịp thời lập hồ sơ để xử lý các điểm pha chế, bán, sang chiết nạp LPG trái phép; đình chỉ ngay hoạt động của các phương tiện tồn chứa, vận chuyển LPG không đảm bảo điều kiện theo quy định;

- Lập phương án xử lý các cơ sở, cửa hàng kinh doanh LPG không đủ điều kiện. Xây dựng phương án di dời, chuyển đổi nội dung kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh LPG ra khỏi các khu tập trung đông dân cư, không thuận lợi cho công tác phòng cháy chữa cháy; báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/01/2015.

2. Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội:

- Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ tất cả các cơ sở kinh doanh, tồn chứa LPG. Rà soát các cơ sở kinh doanh LPG không đủ điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền. Thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất, xử lý kịp thời đối với tất cả các cơ sở kinh doanh LPG không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình kiểm tra, kết quả cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, kết quả nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh LPG và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

- Phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin kịp thời cho Sở Công Thương để thống nhất quản lý kỹ thuật an toàn đối với các cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức an toàn phòng chống cháy nổ trong kinh doanh, sử dụng LPG để nhân dân hiểu rõ, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh LPG, các chế tài xử lý, các quy trình quản lý, sử dụng an toàn LPG trong sản xuất và dân sinh.

3. Sở Xây dựng:

Cơ quan thường trực giúp UBND Thành phố về quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn, có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở và các thiết kế khác của các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà chung cư có hạng mục đường ống cấp gas, trạm nạp, trạm cấp LPG; Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

4. Sở Quy hoạch Kiến trúc:

Chịu trách nhiệm về quản lý Quy hoạch xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, có nhiệm vụ thẩm định đồ án quy hoạch của các dự án khu đô thị, nhà chung cư có hạng mục công trình đường ống dẫn gas, trạm nạp, trạm cấp LPG phù hợp với các Quy hoạch được duyệt.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

- Chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các phòng chức năng và lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố Hà Nội tiến hành rà soát, thống kê, tổ chức kiểm tra tất cả các trạm nạp, trạm cấp, các cửa hàng bán lẻ LPG trên địa bàn về các nội dung điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý triệt để các cơ sở kinh doanh không đảm bảo đủ các điều kiện về kinh doanh LPG theo quy định.

- Tổng hợp tình hình, báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện các nội dung rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh LPG gửi Sở Công Thương trước ngày 25/12/2014 và định kỳ hàng quý để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.

6. Các cơ sở kinh doanh LPG:

- Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, vệ sinh, an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Chịu trách nhiệm đối với các vi phạm về an toàn cháy nổ, vi phạm về đo lường chất lượng xảy ra trong quá trình phân phối LPG trong hệ thống của mình. Không cung ứng LPG cho các cơ sở, cửa hàng vi phạm hoặc chưa đủ điều kiện kinh doanh.

- Thực hiện lập báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phù hợp với quy mô, đặc điểm của cơ sở trình Sở Công Thương thẩm định, phê duyệt. Tổ chức diễn tập ứng cứu khẩn cấp theo kế hoạch được duyệt và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng điều tra, đánh giá khi có sự cố xảy ra.

- Có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan hữu quan khi được kiểm tra.

7. Tổ chức thực hiện:

- Giám đốc các Sở: Công Thương, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Chủ tịch UBND các quận/huyện, thị xã, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh LPG trên địa bàn Thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện các nội dung tại văn bản này, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/12/2014 để Sở Công Thương tổng hợp.

- Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo tại văn bản này từ các đơn vị liên quan, tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

[...]