Công văn 8288/VPCP-KTTH năm 2022 về chuẩn bị tham luận Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 8288/VPCP-KTTH |
Ngày ban hành | 09/12/2022 |
Ngày có hiệu lực | 09/12/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Mai Thị Thu Vân |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8288/VPCP-KTTH |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc
phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng,
Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông,
Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục
và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Ngoại giao; |
Theo dự kiến Chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh Quảng Ninh vào đầu tháng 01 năm 2023.
Để Hội nghị được tổ chức thành công và có ý nghĩa thiết thực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ, địa phương chuẩn bị kỹ báo cáo và nội dung tham luận để trình bày tại Hội nghị (thời gian trình bày không quá 7 phút/đại biểu), gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đồng gửi Văn phòng Chính phủ) trước ngày 20 tháng 12 năm 2022, cụ thể:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tài liệu triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Hồng.
- Bộ Giao thông vận tải: Phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế.
- Bộ Xây dựng: Giải pháp phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch vùng đồng bằng sông Hồng để trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Giải pháp phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng.
- Bộ Quốc phòng: Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế quốc phòng trên địa bàn vùng đồng bằng sông Hồng bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Bộ Công an: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dữ liệu quản lý dân cư và bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng.
- Bộ Công Thương: Hoàn thiện thể chế nhằm phát triển các ngành công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bằng sông Hồng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
- Bộ Y tế: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới đầu tư các trung tâm chuyên sâu kỹ thuật cao vùng đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và quốc tế.
- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Giải pháp phát triển thị trường lao động gắn kết nhu cầu lao động của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Giải pháp đẩy mạnh việc chuyển đổi số của vùng đồng bằng sông Hồng hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế vùng
- Bộ Ngoại giao: Định hướng công tác đối ngoại của vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh mới của kinh tế thế giới mới.
- Thành phố Hà Nội: Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
- Thành phố Hải Phòng: Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
- Tỉnh Quảng Ninh: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế.
- Tỉnh Hải Dương: Giải pháp nhằm xây dựng Hải Dương trở thành trung tâm công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng (logictics, tiếp vận,...) của vùng đồng bằng sông Hồng.
- Tỉnh Hưng Yên: Giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng.
- Tỉnh Vĩnh Phúc: Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đảm bảo ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Tỉnh Bắc Ninh: Giải pháp thu hút lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề chuyên môn cao nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp.
- Tỉnh Hà Nam: Giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới.
- Tỉnh Nam Định: Giải pháp thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.