Công văn 8157/BTC-QLN năm 2014 đề xuất cơ chế tài chính Chương trình đô thị miền núi phía Bắc vốn vay Ngân hàng Thế giới do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 8157/BTC-QLN
Ngày ban hành 19/06/2014
Ngày có hiệu lực 19/06/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Hiếu
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8157/BTC-QLN
V/v đề xuất cơ chế tài chính Chương trình đô thị miền núi phía Bắc vốn vay WB.

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 189/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 phê duyệt danh mục «Chương trình đô thị miền núi phía Bắc» và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiến nghị cụ thể cơ chế tài chính trong nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. Thông tin chung về Chương trình:

1. Chương trình đô thị miền núi phía Bắc (Chương trình) được thực hiện tại Bộ Xây dựng và 7 tỉnh tham gia (Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái).

Mục tiêu chính của Chương trình là cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường và nâng cao mức sống cho người dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các thành phố, thị xã thuộc 07 tỉnh miền núi nói trên; tăng cường năng lực cấp Trung ương để hoạch định và phát triển các chính sách phát triển đô thị quốc gia, nâng cao năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý đô thị cho chính quyền các địa phương.

Chương trình được WB thiết kế theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả (P4R), tương tự Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng vốn vay WB (khoản tín dụng số 5176-VN), theo đó điều kiện để WB giải ngân vốn vay dựa trên các chỉ số và kết quả thực hiện Chương trình hàng năm, được quy định cụ thể trong Hiệp định tài trợ. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với phương thức giải ngân thanh toán dựa trên chi phí đầu vào theo phương thức tài trợ dự án truyền thống, do đó đòi hỏi phía Việt Nam phải xây dựng một cơ chế giải ngân và thanh toán thích hợp dựa trên kết quả, thay cho cơ chế thanh toán dựa trên chi phí đầu vào.

2. Nguồn vốn đầu tư và các hợp phần của Chương trình:

a) Tổng vốn đầu tư Chương trình dự kiến là 301,856 triệu USD, trong đó:

- Vốn vay WB: 250 triệu USD (86,9 %);

- Vốn đối ứng: 51,856 triệu USD. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Ngân sách Trung ương sẽ bố trí 46,67 triệu USD vốn đầu tư, trong đó hỗ trợ cho 7 địa phương là 44,87 triệu USD, ngân sách địa phương chỉ bố trí 5,18 triệu USD (tương đương 10% tổng vốn đối ứng).

b) Các hợp phần của Chương trình:

- Hợp phần 1 - Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đô thị tham gia Chương trình: bao gồm 230 triệu USD vốn vay và 50,056 triệu USD vốn đối ứng. Nguồn kinh phí này được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, lập kế hoạch và các chi phí quản lý liên quan.

- Hợp phần 2 - Hỗ trợ thực hiện Chương trình và xây dựng chính sách quốc gia: bao gồm 20 triệu USD vốn vay và 1,80 triệu USD vốn đối ứng. Nguồn kinh phí này dự kiến phân bổ cho các nội dung sau:

+ Cấu phần 1: Hỗ trợ kỹ thuật cho các đô thị: 11 triệu USD (10 triệu USD vốn vay, 1 triệu USD vốn đối ứng): Bộ Xây dựng thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho cấp Trung ương và cấp tỉnh.

+ Cấu phần 2: Xác minh kết quả và giám sát Chương trình: 3,30 triệu USD (3 triệu USD vốn vay, 0,3 triệu USD vốn đối ứng): do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, phần xác minh độc lập các kết quả của Chương trình và việc tuân thủ các thủ tục, hành động thống nhất với WB, lập báo cáo gửi WB và thông báo cho Bộ Xây dựng. Báo cáo này là một tiêu chí điều kiện để WB xem xét, giải ngân cho Chương trình.

+ Cấu phần 3: Xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia: 5,50 triệu USD (5 triệu USD vốn vay, 0,5 triệu USD vốn đối ứng). Bộ Xây dựng nghiên cứu, hình thành các hướng dẫn về quy hoạch đô thị, quản lý tổng hợp thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị, trang bị bộ công cụ đánh giá, giám sát, thiết lập mạng lưới cơ sở dữ liệu đô thị phục vụ quản lý Nhà nước; hoàn thiện khung thể chế mô hình P4R trong đầu tư xây dựng phát triển đô thị.

+ Vốn dự phòng; 2 triệu USD vốn vay WB.

3. Các cơ quan tham gia Chương trình:

- Tại cấp Trung ương: Bộ Xây dựng có vai trò đầu mối điều phối, phối hợp giám sát, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật về chuyên môn cho các địa phương thực hiện Chương trình; Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ xác minh độc lập các kết quả của Chương trình và việc tuân thủ các thủ tục, hành động thống nhất với WB gửi nhà tài trợ.

- Tại các địa phương: Ủy ban Nhân dân các tỉnh tham gia Chương trình là cơ quan chủ quản, Ủy ban Nhân dân các đô thị là chủ đầu tư đối với các tiểu dự án của địa phương.

4. Thời gian thực hiện: 6 năm (từ 2015 - 2020).

II. Phương thức giải ngân và cơ chế tài chính áp dụng cho Chương trình:

1. Quy định về điều kiện giải ngân Khoản tín dụng của WB:

Trên cơ sở tham khảo cơ chế tài chính cho Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 149/CPCP-QHQT ngày 5/01/2013 của Văn phòng Chính phủ và quy định tại Hiệp định tài trợ này, Bộ Tài chính xây dựng phương thức giải ngân và cơ chế tài chính áp dụng đối với Chương trình đô thị miền núi phía Bắc như sau:

a) Trong 6 năm từ 2015 đến 2020, WB sẽ giải ngân khoản tín dụng theo mức xác định cho mỗi năm, trên cơ sở các kết quả mà Việt Nam đạt được theo các chỉ số giải ngân hàng năm được thỏa thuận tại Hiệp định Tài trợ. Kiểm toán Nhà nước sẽ xác minh các kết quả giải ngân và lập Báo cáo xác nhận kết quả thực hiện các chỉ số giải ngân gửi Bộ Xây dựng và WB, làm cơ sở cho WB xem xét và thực hiện giải ngân số tiền tương ứng cho phía Việt Nam.

b) Để thực hiện khối lượng công việc đáp ứng các chỉ số giải ngân hàng năm, WB có thể tạm ứng tối đa tương đương 25% trị giá Khoản tín dụng (62,5 triệu USD). Sau khi các chỉ số giải ngân tương ứng với số vốn tạm ứng đã đạt được, khoản tạm ứng này sẽ được khấu trừ (thu hồi) vào tổng số vốn cần giải ngân cho chỉ số giải ngân đó.

c) Sau ngày kết thúc hiệu lực Hiệp định tài trợ, nếu số tiền vay đã rút vượt quá tổng chi phí thực hiện Chương trình, thì Việt Nam phải trả lại cho WB số vốn vay chênh lệch chưa sử dụng.

2. Quy trình lập Kế hoạch giải ngân vốn hàng năm:

[...]