Công văn số 8071/UBND-CNN đính kèm phương án khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 07 (số 295/PA-PCLB ngày 22/11/2007 của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão thành phố) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 8071/UBND-CNN
Ngày ban hành 22/11/2007
Ngày có hiệu lực 22/11/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 8071/UBND-CNN

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2007

 

CÔNG VĂN

ĐÍNH KÈM PHƯƠNG ÁN KHẨN CẤP ỨNG PHÓ VỚI CƠN BÃO SỐ 07 (SỐ 295/PA-PCLB NGÀY 22-11-2007 CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ)

Thực hiện Công điện số 1784/CĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 1791/CĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 07 (bão Hagibis) gây ra, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện ngay một số việc cấp bách sau:

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện ngay Phương án khẩn cấp ứng phó với cơn bão số 07 (số 295/PA-PCLB ngày 22-11-2007 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố).

2. Các sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn đình chỉ các cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung cao độ chỉ đạo và kiểm tra công tác phòng, tránh, ứng phó cơn bão số 07.

3. Các cơ quan đơn vị và quận huyện phải bố trí cán bộ lãnh đạo trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận thông tin và xử lý mọi tình huống khi bão đổ bộ vào, kể cả các phương tiện ứng cứu.

4. Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Đài Truyền hình thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng, thông tin kịp thời và liên tục tình hình diễn biến cơn bão số 07 và các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ - ngành Trung ương và thành phố để các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, ứng phó đạt hiệu quả, an toàn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ vào khu vực Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.

5. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố thành lập đoàn công tác và phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo và cùng địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp này. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình bão, lũ để chỉ đạo các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình cho Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

PHƯƠNG ÁN

SỐ 295/PA-PCLB, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2007CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO THÀNH PHỐ

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 22-11-2007, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc, 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Bình Thuận khoảng 430 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 13 giờ ngày 23-11-2007 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc, 111,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Bình Thuận khoảng 350 km về phía Đông Đông Nam. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 13 giờ ngày 24-11-2007 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc, 111,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 320 km về phía Đông Đông Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển các tỉnh từ Khánh Hoà đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 150 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 300 km.

Qua tham khảo thêm dự báo của một số Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc tế, nhiều khả năng bão số 7 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là khả năng xảy ra tổ hợp bất lợi, gồm: xả lũ với lưu lượng lớn của các hồ chứa thượng nguồn; mưa to trên diện rộng do ảnh hưởng của bão, triều cường gây ngập úng trên địa bàn thành phố (đỉnh triều tại trạm Phú An có thể lên trên 1,50 m), nhất là tại quận 12, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Thạnh, quận 6, quận 8...

Thực hiện Công điện số 1784/CĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ  và chỉ đạo hỏa tốc của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 8060/UBND-CNN ngày 21 tháng 11 năm 2007. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 07 (bão Hagibis) gây ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Thủ trưởng các sở - ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tại đơn vị và địa phương. Trực ban liên tục 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng đi của bão; khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, thủy triều dâng cao và xả lũ để ứng cứu kịp thời khi cần thiết, triển khai ngay một số công việc khẩn cấp ứng phó cơn bão số 07 sau đây:

I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRƯỚC BÃO:

1. Các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn:

a. Tổ chức trực ban lãnh đạo và các cơ quan tham mưu, thực hiện 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra; phối hợp các lực lượng ứng phó tại chỗ và chi viện của cấp trên để khẩn trương bố trí trực tiếp đến các địa bàn xung yếu cùng với địa phương chỉ đạo đối phó kịp thời và có hiệu quả. Triển khai ngay các phương án, kế hoạch phòng, chống bão - tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Khi bị ảnh hưởng của bão, lực lượng vũ trang, cứu hộ - cứu nạn trực tiếp cùng các địa phương và nhân dân tại chỗ để khắc phục hậu quả trong thời gian nhanh nhất.

b. Tháo dỡ các biển quảng cáo, áp phích không an toàn, hư hỏng có nguy cơ gãy đổ, đề phòng gió lớn gây sự cố, tai nạn.

c. Kiểm tra kho tàng, hàng hóa, máy móc, thiết bị để di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai ngay các phương án, kế hoạch cứu hộ - cứu nạn, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chuẩn bị quân trang, quân dụng; huy động, bố trí cán bộ chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ; sử dụng các trang thiết bị như tàu, thuyền, ô tô, thiết bị thông tin, nhà bạt, phao - áo phao cứu sinh và các trang thiết bị chuyên dụng khác để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ, đặc biệt công tác kiểm tra trên biển và công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vùng ven biển Cần Giờ. Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công an thành phố trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu sập trên đất liền; đồng thời sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện việc bắn pháo hiệu báo bão theo quy định; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai ngay các phương án, kế hoạch cứu hộ - cứu nạn trên sông, trên biển; kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn tàu thuyền không cho ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản, tàu khách ngang cửa biển, cửa sông. Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền ra khơi; kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, đầu mối xuất bến trên từng xã – thị trấn, tại các khu neo đậu, tuyệt đối không để ngư dân trốn ra khơi trong thời gian xảy ra bão.

4. Công an thành phố chuẩn bị các lực lượng cơ động; chỉ đạo bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và các công trình trọng điểm; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố trong công tác tìm kiếm, cứu nạn.

[...]