Công văn 7972/BTC-CST năm 2023 kiến nghị của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 7972/BTC-CST
Ngày ban hành 28/07/2023
Ngày có hiệu lực 28/07/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Bá Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7972/BTC-CST
V/v kiến nghị của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi: Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam
(Địa chỉ: 88 đường Trường Chinh, phường Phương Đình, quận Đống Đa, Hà Nội)

Bộ Tài chính nhận được công văn số 04/KN-VIPA ngày 16/5/2023 của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam về kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

a) Về kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 2495/TCHQ-ĐTCBL ngày 25/5/2023 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm tại cửa khẩu; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn, nhất là những nơi có đường mòn, lối mở, sông suối, địa bàn thuận lợi cho tập kết, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm; xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường,... và chính quyền các địa phương biên giới nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu gia súc, gia cầm. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung, tăng cường kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

b) Về kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước

Tại mục 1b công văn số 04/KN-VIPA nêu trên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng; đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng.

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý ngoại thương thì việc ban hành Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, việc xây dựng và áp dụng biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước đối với lĩnh vực gia cầm, sản phẩm gia cầm thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; không thuộc chức năng của Bộ Tài chính. Do vậy, đề nghị Hiệp hội liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về kiến nghị này, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Về việc rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất

a) Về đề xuất thay đổi đơn vị tính “lô hàng” đối với phí kiểm dịch thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt

Trước đây, mức thu phí kiểm dịch thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt,... là 100.000 đồng/container/lô hàng (theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016). Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đơn vị tính từ container/lô hàng thành lô hàng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sửa đơn vị tính phí như trên sẽ giảm cho doanh nghiệp khoảng 15% tiền phí phải nộp. Tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 101/2020/TT-BTC, trong đó sửa đơn vị tính đối với khoản phí trên từ container/lô hàng thành lô hàng (mức thu phí giữ nguyên ở mức 100.000 đồng/lô hàng).

Theo quy định tại Điều 20 Luật Phí và lệ phí thì các Bộ có trách nhiệm: “Kiến nghị với Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.”

Theo đó, liên quan đến đề nghị thay đổi đơn vị tính “lô hàng” đối với phí kiểm dịch thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, căn cứ quy định tại Điều 20 Luật phí, lệ phí nêu trên, đề nghị Hiệp hội có kiến nghị cụ thể với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực kiểm dịch động vật). Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu phương án sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí và tình hình thực tế.

b) Về đề xuất giảm mức thu phí kiểm soát giết mổ gia cầm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phí và lệ phí thì “Phí là khoản thu nhằm cơ bản bù đắp chi phí”. Mức thu phí kiểm soát giết mổ gia cầm 200 đồng/con được thực hiện kể từ ngày 01/01/2017, theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC. Thông tư số 101/2020/TT-BTC kế thừa mức thu này từ Thông tư số 285/2016/TT-BTC. Qua hơn 06 năm thực hiện, Bộ Tài chính vẫn duy trì ổn định mức thu phí nêu trên mặc dù chi phí giết mổ gia cầm trong giai đoạn này có xu hướng tăng.

Căn cứ quy định Điều 20 Luật Phí và lệ phí nêu trên, đề nghị Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư số 101/2020/TT-BTC và kiến nghị phương án sửa đổi Thông tư số 101/2020/TT-BTC phù hợp. Khi nhận được đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Phí và lệ phí và tình hình thực tế.

3. Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi

a) Về đề xuất miễn, giảm tiền thuê đất, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Các chính sách thu tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành tại các Nghị định (Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ) đã có quy định cụ thể về việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư với các mức ưu đãi tùy thuộc vào ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trong đó, danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Kiến nghị của Hiệp hội tại công văn số 04/KN-VIPA nêu trên liên quan đến quy định về miễn, giảm tiền thuê đất và hỗ trợ tập trung đất đai tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, xây dựng Nghị định này. Vì vậy, đề nghị Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam phản ánh về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung nội dung tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, trong quá trình soạn thảo, Bộ Tài chính sẽ có ý kiến tham gia theo chức năng, nhiệm vụ.

b) Về kiến nghị “Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với công nghệ thân thiện với môi trường, làm giảm thải các-bon được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm, tính từ thời điểm dự án hoàn thành đi vào hoạt động”, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Luật số 71 /2015/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định:

+ Tại khoản 2 Điều 1: Miễn thuế đối với “Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản”.

+ Tại khoản 7 Điều 1: “Áp dụng thuế suất 15% đối với: thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Căn cứ các quy định nêu trên, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được quy định tại Luật thuế TNDN và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Luật thuế TNDN hiện hành đã quy định miễn thuế và áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp chăn nuôi như đã nêu ở trên, không quy định miễn, giảm thuế TNDN cụ thể cho lĩnh vực chăn nuôi với công nghệ thân thiện với môi trường, làm giảm thải các-bon.

Hiện nay, thực hiện Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang thực hiện nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các luật thuế, trong đó có Luật thuế TNDN, để báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội để nghiên cứu trong quá trình sửa Luật thuế TNDN và trước mắt đề nghị Hiệp hội thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế TNDN hiện hành.

[...]