Công văn số 239/TTg-NN của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm

Số hiệu 239/TTg-NN
Ngày ban hành 10/02/2006
Ngày có hiệu lực 10/02/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 239/TTG-NN
V/v: Tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2006 

 

Kính gửi:

 - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
 - Ủy ban nhân dân các tỉnh. thành phố trực thuộc Trung ương;
 - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm;
 - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp SARS và cúm ở người

 

Đến nay, dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người đã được khống chế trên phạm vi cả nước, gần 2 tháng không xuất hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm và gần 3 tháng không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người. Đạt được kết quả này là do sự nỗ lực rất lớn của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đang, chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, mầm bệnh cúm gia cầm vẫn đang tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là ở các địa phương đã xảy ra dịch; việc nuôi mới gia cầm, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm đã dần trở lại bình thường nhưng nhiều nới chủ quan, không kiểm soát chặt chẽ, không kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong khi đó dịch cúm gia cầm và cúm A ở người trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, dịch tiếp tục xuất hiện ở một số nước và có thêm các trường hợp bị nhiễm và tử vong do virut cúm A(H5N1).

Để chủ động phòng, chống, kiên quyết không để dịch tái phát, bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, tính mạng của nhân dân, khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm bền vững, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các địa phương và các Bộ, ngành chức năng không được chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1) ở người, trong đó đặc biệt lưu ý:

- Thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về tình hình diễn biến, nguy cơ dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới để mọi người chủ động và tích cực tham gia phòng, chống dịch theo Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và cơ quan chuyên môn về thú y, y tế.

- Thường xuyên tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, kiên quyết không để dịch tái bùng phát.

- Phát hiện và xử lý kịp thời bệnh dịch từ cơ sở, kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, vận chuyển lưu thông, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và duy trì thực hiện các biện pháp phù hợp, có hiệu quả trong thời gian vừa qua.

- Không nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý từ các nước đang có dịch.

2. ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện việc quy hoạch và tổ chức lại ngành chăn nuôi gia cầm gắn với giết mổ theo hướng tập trung công nghiệp; không chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong các khu đô thị, dân cư tập trung đông; cơ sở giết mổ, chế biến phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

3. Bộ Thương mại phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức lại hệ thống tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm, trước hết sản phẩm gia cầm tại các siêu thị, chợ trong các thành phố, thị xã phải có bao gói, nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ vầ được kiểm soát về vệ sinh thú y.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương có kế hoạch khôi phục phát triển đàn gia cầm, giống gia cầm đưa ra sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống phải được kiểm tra dịch bệnh và tiêm phòng văcxin.

Sớm hoàn thành tổng kết công tác tiêm phòng năm 2005, triển khai kế hoạch tiêm phòng năm 2006 với các giải pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao. Tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ, có trách nhiệm thực hiện tiêm phòng bắt buộc đối với bệnh dịch này. Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất giống phải tiến hành tiêm phòng triệt để cho gia cầm bố mẹ và con giống mới ấp nở.

Chỉ đạo nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm văcxin cúm gia cầm sản xuất trong nước, đồng thời tiếp tục thử nghiệm các loại văcxin mới để nhập khẩu. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch, trước hết là tiếp nhận và giải ngân nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời chuẩn bị tốt nội dung cho Hội nghị phòng, chống dịch cúm gia cầm của Bộ trưởng các nước APEC tổ chức tại nước ta vào quý II năm 2006.

5. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc mua sắm trang thiết bị và thuốc phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch, có phương án đối phó kịp thời khi có trường hợp nhiễm vi rrút cúm A (H5N1).

6. Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương kiểm tra sử dụng kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm vã hỗ trợ khôi phục phát triển chăn nuôi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phỉ và hướng dẫn sử dụng kinh phí phòng chống dịch năm 2006.

7. Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện phòng, chống dịch và hỗ trợ khôi phục phát triển chăn nuôi gia cầm sau khi hết dịch, không để xảy ra thất thóat tiêu cực.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo giải quyết khó khăn cụ thể cho các hộ chăn nuôi gia cầm có vay vốn bị thiệt hại nặng do dịch và cho vay mới để khôi phục phát triển chăn nuôi sau khi hết dịch.

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Nguyễn Tấn Dũng

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ