Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Công văn 77/TCDS-KHTC hướng dẫn ghi chép ban đầu vào Sổ A0, ghi Phiếu thu tin và lập báo cáo thống kê chuyên ngành dân số và kế hoạch hóa gia đình do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ban hành

Số hiệu 77/TCDS-KHTC
Ngày ban hành 22/02/2012
Ngày có hiệu lực 22/02/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
Người ký Dương Quốc Trọng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
TỔNG CỤC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/TCDS-KHTC
V/v hướng dẫn ghi chép ban đầu vào Sổ A0, ghi Phiếu thu tin và lập báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2012

 

Kính gửi:

- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thành phố.

 

Để nâng cao chất lượng thông tin, số liệu của hệ thông tin thống kê chuyên ngành dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); triển khai thống nhất và có hiệu quả Quyết định số 437/QĐ-TCDS, ngày 16/11/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ về việc ban hành quy định tạm thời về mẫu Sổ ghi chép ban đầu, mẫu phiếu thu thập thông tin của cộng tác viên dân số (CTV dân số) và mẫu biểu báo cáo thống kê của kho dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế hướng dẫn ghi vào Sổ ghi chép ban đầu về DS-KHHGĐ, Phiếu thu thập thông tin của CTV dân số và lập báo cáo thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ của các cấp như sau:

Phần 1.

HƯỚNG DẪN GHI CHÉP BAN ĐẦU VỀ DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG

1. Sổ ghi chép ban đầu về DS-KHHGĐ (Sổ A0) phản ánh các thông tin cơ bản để nhận biết chung nhất của bản thân từng người trong hộ dân cư; các thông tin về kế hoạch hóa gia đình và các thông tin thay đổi về DS-KHHGĐ. Các thông tin của Sổ A0 là thông tin cơ sở của hệ thống thông tin thống kê chuyên ngành DS-KHHGĐ.

2. CVT dân số tại thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố, khóm, phum, sóc, mường (cấp thôn) có nhiệm vụ: Lưu trữ, bảo quản Sổ A0; theo dõi và cập nhật thường xuyên các thông tin phát sinh của từng người trong hộ dân cư; trích các thông tin từ Phiếu hộ dân cư của Sổ A0 để ghi thông tin vào Phiếu thu thập thông tin của CTV dân số (Phiếu thu tin) theo quy định và định kỳ hàng tháng gửi Phiếu thu tin lên Ban Dân số xã.

3. Cán bộ dân số xã, phường, thị trấn (cấp xã) có nhiệm vụ: Kiểm tra, giám sát hoạt động của CTV dân số; kiểm tra Sổ A0, thẩm định thông tin Phiếu hộ dân cư của Sổ A0 và Phiếu thu tin của các CTV dân số theo quy định; định kỳ hàng tháng tập hợp và gửi Phiếu thu tin lên Ban Dân số huyện (Trung tâm DS-KHHGĐ huyện).

4. Nguyên tắc ghi chép thông tin ban đầu vào Sổ A0 là phải đảm bảo đúng sự thật khách quan, không biết không điền thông tin vào Sổ A0. Khi ghi chép thông tin ban đầu vào Sổ A0 phải sử dụng đúng khái niệm và phạm vi hướng dẫn.

5. Phương thức ghi chép thông tin ban đầu vào Sổ A0 được thực hiện trực tiếp thông qua phỏng vấn từng thành viên trong hộ dân cư hoặc thông qua phỏng vấn người có trách nhiệm trong hộ dân cư, trong thôn, trong xã.

6. Những từ viết tắt là: Ban DS-KHHGĐ xã viết tắt là Ban Dân số xã; Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ cấp huyện, cấp tỉnh viết tắt là Ban Dân số huyện, tỉnh; cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã viết tắt là cán bộ dân số xã; cộng tác viên DS-KHHGĐ tại cấp thôn viết tắt là CTV dân số; kế hoạch hóa gia đình viết tắt là KHHGĐ; cán bộ y tế viết tắt là CBYT; trạm y tế xã viết tắt là TYT; biện pháp tránh thai viết tắt là BPTT; sàng lọc trước sinh viết tắt là SLTS; sàng lọc sơ sinh viết tắt là SLSS.

II. KHÁI NIỆM VÀ PHẠM VI THEO DÕI DS-KHHGĐ

1. Hộ dân cư

1.1. Khái niệm: Hộ dân cư bao gồm “hộ gia đình” và “hộ tập thể”.

- Hộ gia đình: bao gồm những người sống chung (ở chung và ăn chung), có quan hệ hôn nhân, ruột thịt hoặc nhận nuôi dưỡng; không phân biệt là đã hay chưa được ngành công an cho tách hoặc nhập hộ khẩu thường trú.

- Hộ tập thể: bao gồm nhiều người sống xa gia đình hoặc chưa có gia đình riêng ở chung với nhau trong một đơn vị nhà ở do cơ quan, xí nghiệp, trường học, các tổ chức xã hội quản lý, hoặc của tư nhân cho thuê sử dụng.

1.2. Phương pháp xác định hộ dân cư

- Mỗi hộ dân cư được xác định theo một đơn vị nhà ở (nóc nhà, căn hộ, tàu thuyền … để cư trú).

- Trường hợp trong một đơn vị nhà ở có bố mẹ, các con đã có gia đình riêng và các cháu cùng cư trú thì mỗi con đã có gia đình riêng, không ăn chung và có quyền nghĩa vụ riêng với xã hội được xác định là một hộ gia đình.

- Trường hợp một hộ gia đình có người giúp việc gia đình, người ở trọ và người không có quan hệ họ hàng, thường xuyên sinh sống trong một đơn vị nhà ở trên 6 tháng, thì họ được xác định là nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ. Nếu trong hộ gia đình có 3 người trở lên thuộc nhóm này, thì những người này được tách riêng thành một hộ tập thể tách biệt với hộ gia đình nêu trên.

- Trường hợp trong một đơn vị nhà ở (căn hộ) có nhiều người không có quan hệ họ hàng, thường xuyên sinh sống thì mỗi phòng ở trong căn hộ được xác định là một hộ tập thể. Trường hợp người chưa thành niên còn phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ nhưng thường xuyên cư trú ở đơn vị nhà ở khác với bố mẹ (hộ có nhiều nơi ở), thì quy ước số người này là thành viên hộ của bố mẹ và được theo dõi chung vào một hộ; không tách riêng hộ.

1.3. Phạm vi quản lý hộ dân cư:

- CTV dân số, cán bộ dân số xã quản lý hộ dân cư trên địa bàn của xã, trừ các địa bàn đặc thù do quân đội, công an, ngoại giao quản lý.

- Các hộ gia đình và hộ tập thể trên địa bàn đặc thù do quân đội, công an, ngoại giao quản lý được các Bộ chủ quản theo dõi và báo cáo riêng.

2. Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ dân cư

Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ dân cư là những người thực tế đã và đang sống ổn định tại hộ dân cư hoặc đã chuyển đến ở ổn định tại hộ dân cư, không phân biệt họ đã hay chưa được cơ quan công an cho đăng ký hộ khẩu thường trú.

Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ dân cư bao gồm cả số người tạm vắng, nhưng không bao gồm số người tạm trú.

[...]