BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 7678/TCHQ-GSQL
V/v nhập khẩu hóa chất và tham gia ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định
số 113/2017/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2017
|
Kính
gửi: Bộ Công Thương.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp với đại
diện Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố và
doanh nghiệp liên quan đến việc cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp
theo Thông tư số 42/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013, xác nhận khai báo hóa chất
theo quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14/11/2011 của Bộ Công Thương
và dự kiến những vướng mắc phát sinh khi thực hiện Nghị định số 113/2017/NĐ-CP
ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Hóa chất (có hiệu lực 25/11/2017), Tổng cục Hải quan tổng hợp một số nội
dung kiến nghị, vướng mắc và trao đổi với Quý Bộ như sau:
1. Vướng mắc liên quan tiền chất
công nghiệp:
Theo quy định tại khoản
1 Điều 3 Thông tư số 42/2013/TT-BCT dẫn trên thì “Tiền chất trong lĩnh vực
công nghiệp là các hóa chất được sử dụng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến
trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm của các ngành công
nghiệp đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản
xuất chất ma túy”. Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xuất
khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay phát sinh trường
hợp nhập khẩu hỗn hợp dung dịch hóa chất có chứa tiền chất trong thành phần cấu
tạo với nồng độ, hàm lượng khác nhau (ví dụ: nguyên liệu gia công sản xuất giầy
như keo dán, nước xử lý có chứa aceton, methyl ethyl ketone). Theo quy định tại
Thông tư số 42/2013/TT-BCT thì phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với các hoạt động
sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, tồn trữ...tiền chất trong
lĩnh vực công nghiệp (gọi tắt là tiền chất công nghiệp), không đề cập đến mặt
hàng hỗn hợp dung dịch hóa chất có chứa tiền chất công nghiệp.
Thực tế khi nhập khẩu, có trường hợp
doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất, có trường hợp không được cấp.
Tại Thông tư số 42/2013/TT-BCT không quy định rõ mặt hàng hỗn hợp hóa chất có
chứa tiền chất có thuộc đối tượng phải xin giấy phép nhập khẩu tiền chất không?
Điều này gây khó khăn cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp khi thực hiện thủ
tục nhập khẩu.
* Cơ sở pháp lý:
- Luật phòng chống ma túy số
23/2000/HQ10 quy định: “Tiền chất là các hóa chất không thể thiếu được trong
quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính
phủ ban hành.”
- Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày
19/7/2013 ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất. Theo đó có 41 chất được
quy định là tiền chất thuộc Danh mục IV, bao gồm tiền chất công nghiệp và tiền
chất dùng trong y tế. Trong đó có 40 tiền chất có tên khoa học và mã hóa chất
(CAS). Chỉ có duy nhất 01 hỗn hợp chất là “Tinh dầu hay bất kỳ hỗn hợp nào có
chứa Safrole, Isosafrole” tại mục số 32 không có tên khoa học và mã CAS. Ngày
09/12/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2015/NĐ-CP bổ sung thêm 02 hợp
chất là tiền chất. Danh mục này không có thêm hỗn hợp nào là tiền chất.
- Thông tư số 42/2013/TT-BCT chi tiết
hóa Danh mục tiền chất của Chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương,
bổ sung thêm công thức hóa học và mã số HS. Tổng số có 32 tiền chất và duy nhất
có 01 hỗn hợp chất tại mục 11 là “Tinh dầu hay bất kỳ hỗn hợp nào có chứa
Safrole, Isosafrole” không có tên khoa học, công thức hóa học, mã CAS và mã HS.
Như vậy, Thông tư 42/2013/TT-BCT
không quy định phạm vi điều chỉnh đối với mặt hàng là hỗn hợp dung dịch có chứa
tiền chất (ngoại trừ hỗn hợp chất tại mục 11 là Tinh dầu hay bất kỳ hỗn hợp nào
có chứa Safrole, Isosafrole). Về mặt thực tế, hàng hóa dù có thành phần tiền chất
hoặc chứa tiền chất nhưng tên hàng và mã HS không được quy định trong danh mục
tiền chất thì không phải tiền chất, ví dụ: dưa chuột muối (có acid Acetic);
nho, chuối (có Acid Tartaric); sơn, véc ni (có Acetone); bình acquy (chứa acid
Sunfuric) và hàng nghìn mặt hàng tương tự.
Việc Bộ công thương nêu ví dụ 2 trong
mẫu đơn ban hành kèm Thông tư 42/2013/TT-BCT là: “Hỗn hợp dung dịch hóa chất
có tên thương mại là ..., có chứa Acetone” dẫn tới cách hiểu rằng hỗn hợp
hóa chất có chứa Acetone là tiền chất nên xuất nhập khẩu phải xin giấy phép.
Suy rộng ra bất kỳ hỗn hợp nào có chứa tiền chất cũng phải xin giấy phép xuất
nhập khẩu. Việc này là không phù hợp với quy định tại Luật phòng chống ma túy
và các danh mục tiền chất được ban hành theo các nghị định của Chính phủ nêu
trên.
* Kiến nghị:
Căn cứ Điều 26 Luật Hải
quan, Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của
Chính phủ, Điều 4 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015
của Bộ Tài chính việc phân loại hàng hóa để xác định tên gọi, mã số hàng hóa
theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam làm cơ sở tính thuế và áp
dụng chính sách quản lý mặt hàng tương ứng.
Như vậy, trường hợp hàng hóa là hỗn hợp
hóa chất có chứa tiền chất nhưng tên hàng và mã số HS không có trong Danh mục
tiền chất công nghiệp tại Thông tư 42/2013/TT-BCT thì cơ quan hải quan không có
cơ sở để yêu cầu xuất trình giấy phép nhập khẩu đối với mặt hàng đó.
Trường hợp hỗn hợp dung dịch hóa chất
có chứa tiền chất khi nhập khẩu thuộc đối tượng cấp Giấy phép nhập khẩu tiền chất
thì phải sửa Thông tư 42/2013/TT-BCT để đưa hỗn hợp có chứa tiền chất vào Danh mục
phải xin giấy phép. Tuy nhiên, nếu quy định hỗn hợp thì phát sinh hàng nghìn mặt
hàng dù có thành phần tiền chất hoặc chứa tiền chất nhưng tên hàng và mã HS
không được quy định trong danh mục tiền chất vẫn phải xin giấy phép nhập khẩu,
gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và không phù hợp với mục đích quản
lý.
2. Về xác nhận khai báo hóa chất:
Theo quy định tại điểm
c khoản 2 Điều 18 Nghị định 108/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị
định số 26/2011/NĐ-CP) thì: “Trước khi thông quan hóa chất, tổ chức, cá nhân
nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm thực hiện việc khai báo hóa chất với Bộ Công
thương” (Danh mục hóa chất phải khai báo theo Phụ lục V ban hành kèm theo
Nghị định). Thủ tục khai báo hóa chất thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số
40/2011/TT-BCT.
Thực tế khi doanh nghiệp nhập khẩu hợp
chất hoặc hỗn hợp hóa chất trong thành phần có chứa hóa chất thuộc Danh mục hóa
chất phải khai báo theo Phụ lục V nêu trên, nhưng theo một số văn bản trả lời của
Cục Hóa chất thì có trường hợp phải xác nhận khai báo hóa chất, có trường hợp lại
không phải khai báo. Điều này dẫn đến việc thực hiện không thống nhất, gây khó
khăn cho cơ quan hải quan khi giải quyết thủ tục nhập khẩu.
Đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ
thể trường hợp nhập khẩu hợp chất hoặc hỗn hợp hóa chất nhưng trong thành phần
có chứa hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo (Phụ lục V) thì có phải
khai báo hóa chất hay không?
3. Dự kiến những vướng mắc phát
sinh khi Nghị định số 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực (25/11/2017):
3.1. Về đối tượng áp dụng (Điều 2, Điều 3):
- Điều 2 Nghị định
quy định đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất;
tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Điều 3 Nghị định
quy định:
“1. Sản xuất hóa chất là hoạt động
tạo ra hóa chất thông qua các phản ứng hóa học, quá trình sinh hóa hoặc quá
trình hóa lý, vật lý như trích ly, cô đặc, pha loãng, phối trộn...
2. Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt
động buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường
nhằm mục đích sinh lời."
Như vậy, đối với trường hợp doanh
nghiệp nhập khẩu hóa chất thuộc các Phụ lục I, Phụ lục II về trực tiếp sử dụng,
sản xuất, không cung ứng trên thị trường nhằm mục đích sinh lời thì có thuộc đối
tượng áp dụng của Nghị định hay không?
3.2. Về nội dung chứng từ phải xuất
trình cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất
(Điều 3, Điều 9, Điều 15):
Điều 3 phần giải thích từ ngữ nêu: “Kinh doanh hóa chất bao gồm hoạt động
buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất để cung ứng hóa chất trên thị trường”.
Điều 9 nêu: “Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh
doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp”;
Điều 15 nêu: “Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất, kinh
doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”,
nhưng tại Điều này không quy định cụ thể có bao gồm hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu hay không?
Do vậy, đối với hóa chất trong phụ lục
I, II, khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp phải xuất trình chứng
từ gì? Có bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất hay
không? Nghị định không thể hiện cần phải xuất trình hoặc nộp chứng từ gì để được
thông quan hóa chất trong 02 phụ lục này dẫn tới khó khăn cho cơ quan hải quan
để nhận biết hỗn hợp hóa chất nhập khẩu có thuộc đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 8 và khoản 2 Điều 14 Nghị định này cũng như để nhận
biết có phải hóa chất độc hại hay không?.
3.3. Về miễn trừ cấp Giấy phép xuất
nhập khẩu tiền chất (Điều 13):
Theo quy định tại khoản
1 Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì: các trường hợp được miễn trừ cấp giấy
phép xuất khẩu nhập khẩu tiền chất gồm:
a) Hàng hóa chứa tiền chất công
nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng.
b) Hàng hóa chứa tiền chất công
nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.
Quy định trên dẫn đến những vấn đề bất
cập sau:
a) Về mặt pháp
lý:
Khái niệm tiền chất được định nghĩa
rõ tại khoản 4 Điều 2 Luật Phòng chống ma túy số 23/2000/HQ10.
Danh mục tiền chất được quy định tại các nghị định: 82/2013/NĐ-CP;
126/2015/NĐ-CP và tiền chất công nghiệp được quy định cụ thể tại Thông tư
42/2013/TT-BCT. Theo các văn bản trên, để nhận biết một tiền chất công nghiệp
có 6 tiêu chí gồm: tên chất, tên khoa học, mã CAS, công thức hóa học và mã HS.
Quy định như vậy là rõ ràng, minh bạch, dễ dàng thực hiện cho đối tượng quản lý
và người quản lý.
Khái niệm hàng hóa chứa tiền chất
không được định danh trong các văn bản pháp quy liên quan, trong thực tế có rất
nhiều mặt hàng chứa tiền chất, ví dụ:
- Axit Sulfuric
có trong bình ắc quy chì.
- Axit aminobenzoic thường có trong
các sản phẩm chống nắng.
- Safrol hay safrole từng được sử dụng
rộng rãi như là một loại phụ gia thực phẩm trong root beer, trà xá xị và nhiều
mặt hàng thông thường khác.
- Axit phenylacetic là một auxin (một
loại hoocmon thực vật) và được tìm thấy chủ yếu trong trái cây. Axit
phenylacetic được sử dụng trong một số loại nước hoa, vì nó có mùi mật ong.
- Axit acetic (Thực phẩm) dùng làm
dung môi hữu cơ, dược phẩm, cao su, sơn, thuốc nhuộm, thực phẩm, tẩy vải...
- Acetone được sử dụng trong các chất
tẩy rửa, dụng cụ làm sạch, dùng để pha keo epoxy 2 thành phần, sơn và vecni.
- Axit tartaric có trong nhiều loài
thực vật, đặc biệt là nho, chuối, trong rượu vang. Nó được thêm vào các loại thực
phẩm khác.
Các hàng hóa chứa tiền chất nêu trên
không thuộc danh mục quản lý bằng giấy phép nên theo quy định tại Điều 4 Nghị định 187/2013/NĐ-CP chỉ làm thủ tục bình thường tại
các Chi cục hải quan cửa khẩu.
Theo quy định tại Điều
16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP về phân loại hàng hóa thì: mỗi hàng hóa chỉ có một
mã số duy nhất làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Thực
hiện Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP sẽ dẫn đến một hàng
hóa có mã số tính thuế và mã số áp dụng chính sách quản lý khác nhau, ví dụ: mặt
hàng Sơn mã số thuế phân nhóm 3208, giấy phép quản lý theo mặt hàng Acetone
(là thành phần có trong sơn) phân nhóm 2914.
Điều 12 Nghị định
113/2017/NĐ-CP chỉ quy định hồ sơ, thủ tục xin phép xuất
nhập khẩu tiền chất, không có quy định đối với hàng hóa chứa tiền chất
và cơ quan cấp giấy phép là Bộ Công Thương, nhưng theo phân tích trên thì rất
nhiều hàng hóa chứa tiền chất không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Công Thương.
b) Về thực tế:
Do không có danh mục quản lý đối với hàng
hóa chứa tiền chất và đa số hàng hóa chứa tiền chất không thể nhận biết bằng
cảm quan hoặc các phương pháp thủ công đơn thuần nên sẽ dẫn đến việc yêu cầu
phân tích giám định tràn lan gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. Ví dụ để
xác định lượng Acid sunfuric có trong bình Ắc quy chì hoặc lượng Axit Acetic có
trong dưa chuột muối phải tiến hành giám định.
c) Đề xuất và kiến nghị:
Để việc quản lý tiền chất chặt chẽ,
có ý nghĩa thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp và đảm bảo công
tác quản lý nhà nước, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xem
xét có văn bản hướng dẫn trước thời điểm Nghị định số 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực
(25/11/2017) theo hướng:
- Hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất mà
phân loại vào mã số HS của tiền chất, có tên chất, tên khoa học, mã CAS, công
thức hóa học giống như mô tả tại Danh mục thì phải xin giấy phép nhập khẩu như
tiền chất.
- Hàng hóa chứa tiền chất nói chung
không phải xin giấy phép xuất nhập khẩu tiền chất.
3.4. Về quy định nhập khẩu hóa chất độc
(Điều 19)
Điều 19 Nghị định chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, chứng từ phải xuất
trình trong trường hợp nhập khẩu hóa chất độc. Dẫn tới khó khăn cho cơ quan hải
quan trong trường hợp xác định có phải hóa chất độc hay không để áp dụng chính
sách quản lý tương ứng.
3.5. Về quy định hóa chất phải khai
báo (Điều 25, 27, 28):
a) Điều 25:
Tại khoản 2 Điều 25
của Nghị định quy định “Hóa chất phải khai báo bao gồm các chất thuộc Danh mục
hóa chất phải khai báo và các hỗn hợp chứa các chất thuộc Danh mục hóa chất
phải khai báo được phân loại theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này là
hóa chất nguy hiểm trừ trường hợp được miễn trừ theo quy định tại Điều 28 Nghị
định này"
Trong thực tế, các công ty khai báo
hóa chất nhập khẩu cung cấp kèm theo bảng dữ liệu an toàn (safety data sheet)
do đối tác cung cấp, nhưng hầu hết các bảng này chỉ thể hiện một số thành phần
hóa chất cơ bản trong hỗn hợp chứ không thể hiện hết, ví dụ:
“Chất trợ nhuộm để tăng độ bền màu
- Direfix SD liq có thành phần là N-Cyanoguanidine, polymer with
N-(2-aminoethyl)-1,2-ethanediamine, sulfate (monomers are on EINECS) – số CAS
101339-61-9 - hàm lượng 50-60%”, phần còn lại chiếm
40-50% không được nêu ra.
Như vậy, theo quy định như trên và
không có quy định giới hạn hàm lượng hóa chất phải khai báo trong hỗn hợp là
bao nhiêu thì phải khai báo hóa chất là rất khó khăn cho cả cơ quan hải quan kiểm
tra và người khai hải quan khi thực hiện.
b) Điều 27:
Theo quy định tại Điều
27 của Nghị định, một trong những nội dung thông tin khai báo hóa chất nhập
khẩu là “hóa đơn mua, bán hóa chất”. Như vậy, việc khai báo hóa chất phải thực
hiện theo từng lần mua, bán.
Trong thực tế doanh nghiệp nhập khẩu
hóa chất có thể phân chia thành 02 mục đích cơ bản là:
- Nhập khẩu để phân phối trực tiếp
vào thị trường;
- Nhập khẩu để làm nguyên liệu, vật
tư sản xuất ra sản phẩm khác.
Đề xuất: Trước khi nhập khẩu doanh
nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, vật
tư, thực hiện theo đề xuất trên để doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh sản
xuất, giảm thủ tục hành chính phát sinh. Do vậy, đối với những doanh nghiệp nhập
khẩu với mục đích làm nguyên liệu, vật tư sản xuất ra sản phẩm khác thực hiện
khai báo hóa chất theo nhu cầu sử dụng theo một thời gian nhất định như 6
tháng, 1 năm ... không cần theo hóa đơn mua bán.
c) Điều 28:
c.1) Tại khoản 3 Điều
28 Nghị định có điều khoản miễn trừ cho “Hóa chất nhập khẩu dưới 10 kg/một
lần nhập khẩu”. Quy định này sẽ được hiểu như thế nào trong các trường hợp sau:
- Chỉ áp dụng cho 01 loại hóa chất/01
lần nhập khẩu (01 tờ khai) hay tổng số lượng hóa chất (của nhiều loại hóa chất)/01
lần nhập khẩu (01 tờ khai)?
Ví dụ: Tờ
khai có 02 dòng hàng, nhập khẩu 02 loại hóa chất thuộc diện phải khai báo hóa
chất: Hóa chất 01: 05kg, hóa chất 02: 06kg (tổng số lượng 11kg > 10kg, nhưng
số lượng từng loại hóa chất < 10kg) thì 02 loại hóa chất này có thuộc diện
được miễn khai báo hóa chất theo quy định tại Điều 28 Nghị định
113/2017/NĐ-CP hay không?
- Trường hợp nhập khẩu hỗn hợp chứa
chất phải khai báo hóa chất: Quy định trên được hiểu là áp dụng cho trọng lượng
chất phải khai báo hay áp dụng cho trọng lượng của hỗn hợp chứa chất phải khai
báo hóa chất?
Ví dụ: Hỗn
hợp chất là 11kg, trong đó thành phần chất phải khai báo hóa chất là 01kg thì
trường hợp này có thuộc diện miễn khai báo hóa chất theo quy định tại Điều 28 Nghị định 113/2017/NĐ-CP hay không?
c.2) Theo khoản 3 Điều
3 Thông tư số 06/2015/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông
tư số 40/2011/TT-BCT thì: "Không áp dụng xác nhận khai báo hóa
chất đối với các tổ chức, cá nhân mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam".
Tuy nhiên, theo Điều 28 Nghị định 113/2017/NĐ-CP thì tổ chức,
cá nhân mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam không thuộc trường hợp được miễn
trừ khai báo hóa chất.
Theo quy định tại khoản
3 Điều 9 Thông tư số 42/2013/TT-BCT thì: “tổ chức, cá nhân trong khu chế
xuất khi nhập khẩu tiền chất từ các doanh nghiệp nội địa phải có Giấy phép của
Bộ Công Thương. Tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu tiền chất từ nội địa vào doanh
nghiệp chế xuất nằm trong Khu chế xuất không phải xin Giấy phép của Bộ Công
Thương”.
Theo công văn số 1064a/HC-QLTC ngày
27/9/2017 của Cục Hóa chất thì "các đơn vị trong khu chế xuất, khu công
nghiệp khi nhập khẩu tiền chất và hỗn hợp hóa chất có chứa tiền chất thực hiện
việc xin giấy phép nhập khẩu...".
Theo công văn số 4925/BCT-HC ngày
19/5/2015 của Bộ Công Thương hướng dẫn các thủ tục hành chính tại Thông tư số
06/2015/TT-BCT đã bổ sung về việc xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu, trong
đó nêu rõ: “Áp dụng đối với tổ chức cá nhân nhập khẩu hóa chất thuộc danh mục
hóa chất phải khai báo từ nước ngoài vào Việt Nam. Không áp dụng khai báo hóa
chất đối với các tổ chức, cá nhân mua hóa chất trong lãnh thổ Việt Nam..."
Thực tế có phát sinh một số trường hợp:
(1) Doanh nghiệp chế xuất (DNCX) nhập khẩu hàng hóa từ nội địa hoặc từ kho ngoại
quan; (2) Doanh nghiệp nội địa nhận hàng của doanh nghiệp nội địa khác theo chỉ
định của thương nhân nước ngoài. Theo quy định thì các doanh nghiệp này phải
làm thủ tục hải quan theo loại hình XNK tại chỗ; trường hợp nhập khẩu từ kho
ngoại quan thì làm thủ tục theo loại hình tương ứng. Các trường hợp này, chủ
hàng hóa nội địa hoặc gửi kho ngoại quan đã được cấp Giấy xác nhận khai báo hóa
chất và Giấy phép nhập khẩu tiền chất.
Nếu thực hiện theo hướng dẫn tại các
văn bản trên của Bộ Công Thương, Cục Hóa chất thì các doanh nghiệp nội địa nhập
khẩu hàng hóa theo loại hình XNK tại chỗ hoặc doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu
hàng hóa từ nội địa hoặc từ kho ngoại quan đều phải xin giấy phép nhập khẩu, kể
cả trường hợp chủ hàng nội địa hoặc gửi kho ngoại quan đã được Bộ Công Thương cấp
giấy phép nhập khẩu tiền chất hoặc xác nhận khai báo hóa chất trước khi xuất khẩu
tại chỗ hoặc xuất bán cho doanh nghiệp chế xuất.
Tuy nhiên, xét về bản chất, đối với
loại hình này thì hàng hóa không được đưa ra đưa vào hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ
Việt Nam; việc giao nhận được thực hiện giữa hai doanh nghiệp nội địa với nhau
theo chỉ định của thương nhân nước ngoài hoặc giữa doanh nghiệp trong nước với
doanh nghiệp chế xuất. Mặt khác, lô hàng XNK tại chỗ hoặc gửi kho ngoại quan đều
đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất hoặc xác nhận khai báo
hóa chất.
Do vậy, theo quan điểm của Tổng cục Hải
quan: Đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa hoặc chủ hàng hóa gửi kho ngoại
quan đã được cấp giấy phép nhập khẩu tiền chất hoặc xác nhận khai báo hóa chất,
đề nghị cho phép các doanh nghiệp nội địa, DNCX nhập khẩu tại chỗ hoặc nhập khẩu
hàng hóa từ kho ngoại quan được sử dụng các chứng từ này để thực hiện thủ tục hải
quan; không yêu cầu doanh nghiệp nội địa, DNCX phải xin cấp phép hoặc thực hiện
khai báo khi làm thủ tục nhập khẩu (riêng đối với hàng hóa gửi kho ngoại quan,
Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 3242/BCT-HC ngày 13/4/2016 hướng dẫn).
Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu,
xem xét bổ sung trường hợp không phải khai báo hóa chất này vào Nghị định
113/2017/NĐ-CP, đồng thời cụ thể hóa nội dung này tại dự thảo Thông tư hướng dẫn.
3.6. Về thời hạn xác nhận khai báo
hóa chất nhập khẩu và hình thức xử lý vi phạm:
Theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP; việc
xác nhận do Cục Hóa chất “tự động phản hồi thông tin đến Cổng Thông tin Một cửa
quốc gia”, nhưng không quy định cụ thể thời hạn trả kết quả xác nhận là bao
nhiêu lâu, cơ quan hải quan và doanh nghiệp không có cơ sở theo dõi để giải quyết
thủ tục hải quan.
Tại Nghị định cũng quy định thông tin
khai báo hóa chất không chính xác thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu sẽ bị xử lý vi
phạm, tuy nhiên không rõ chế tài xử lý hiện đang được quy định tại văn bản pháp
lý nào?
3.7. Về nội dung hiệu lực thi hành (Điều 38):
Điều 38 của Nghị định không thay thế Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003
quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt
Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và Nghị định số
82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và
tiền chất.
Vậy đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn
đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất từ ngày 25/11/2017 thực hiện theo
quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP hay tiếp tục thực hiện quy định tại
Nghị định số 58/2003/NĐ-CP và Nghị định số 82/2013/NĐ-CP, Thông tư số 42/2013/TT-BTC
ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương quy định quản lý, kiểm soát tiền chất trong
lĩnh vực công nghiệp.
3.8. Về các Danh mục phụ lục đi kèm:
- Trong Phụ lục I là danh mục hóa chất
sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp là loại nhập khẩu
không cần giấy phép nhập khẩu, lại có 34 loại tiền chất công nghiệp từ mục số
thứ tự 785 đến 819 là loại hóa chất phải có giấy phép nhập khẩu. Việc để chung
tiền chất công nghiệp trong Danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện
mà không có hướng dẫn, giải thích thêm sẽ dẫn đến có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt
khác, hiện nay danh mục tiền chất ma túy cũng đã được Chính phủ ban hành tại Phụ
lục IV kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 có 41 loại, trong đó:
có 32 loại thuộc Bộ Công Thương quản lý và 9 loại thuộc Bộ Y tế quản lý.
- Để xác định một mặt hàng là hỗn hợp
của nhiều chất mà trong đó có hay không có chứa chất thuộc Danh mục tiền chất
công nghiệp nhóm 1 và nhóm 2 thuộc Phụ lục I và Danh mục hóa chất phải khai báo
thuộc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP để áp dụng chính
sách quản lý theo đúng quy định, công chức hải quan phải yêu cầu doanh nghiệp
khai báo cụ thể thành phần cấu tạo của hàng hóa, xuất trình tài liệu kỹ thuật để
kiểm tra hoặc lấy mẫu gửi đi phân tích phân loại. Do đó sẽ rất khó khăn cho
doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện, dễ gây phản ứng từ
phía doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh
nghiệp.
- Danh mục hóa chất cấm quy định tại Điều 18 được ban hành kèm theo Phụ lục III ban hành kèm theo
Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Danh mục này chỉ áp dụng đối với hàng hóa là các hóa
chất có tên hàng và mã số HS được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo
Nghị định 113/2017/NĐ-CP hay cũng áp dụng đối với hỗn hợp có chứa chất quy định
tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP?
- Tại Phụ lục V Danh mục hóa chất phải
khai báo có một số dòng hàng ghi tên hàng chung chung, không có mã số hàng hóa
để đối chiếu. Ví dụ: dòng thứ 153 “bột dustable chứa một sự kết hợp của benomyl
tại hoặc cao hơn 7%, carbofuran tại hoặc cao hơn 10% và thiram tại hoặc cao hơn
15%”, hoặc dòng hàng 194 “các hợp chất của Cr6+”, hoặc dòng thứ 195,
196,197....
- Đối với các lô hàng xuất nhập khẩu
hóa chất thuộc Phụ lục I, II, IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp có
phải xuất trình “Giấy phép đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều
kiện/ hạn chế sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp”, “Bản phê duyệt kế hoạch, biện
pháp phòng ngừa sự cố hóa chất” trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan
hay không?
4. Tham gia ý kiến đối với dự thảo
Thông tư hướng dẫn Luật Hóa chất và Nghị định 113/2017/NĐ-CP:
4.1. Khoản 1 Điều 8 dự thảo Thông tư
quy định:
“Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất
phải khai báo có trách nhiệm thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu trước khi
thông quan qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Hải quan 2014 thì tờ khai hải quan đã
đăng ký có giá trị làm thủ tục hải quan. Chính sách quản lý hàng hóa, chính
sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng tại thời điểm đăng
ký tờ khai hải quan. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh thời điểm
yêu cầu thực hiện xác nhận khai báo hóa chất từ “trước khi thông quan” thành “tại
thời điểm đăng ký tờ khai hải quan” để thống nhất với quy định hiện hành và cơ
quan hải quan có cơ sở để áp dụng chính sách quản lý mặt hàng tương ứng tại thời
điểm khai báo hải quan.
4.2. Khoản 2 Điều 8 quy định:
“Ngay sau khi tờ khai hải quan ở
trạng thái được thông quan, Hải quan phản hồi đến hệ thống của Bộ Công Thương
các thông tin mã số khai báo và các thông tin khác như Phụ lục 10 kèm theo
Thông tư này”.
Đề nghị bỏ khoản 2, Điều 8 và Phụ lục
10 quy định việc cơ quan hải quan phản hồi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống
của Bộ Công Thương sau khi tờ khai hải quan được thông quan với các lý do sau:
Đối với việc cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử, ngày 19/8/2016, Thủ
tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ban hành quy chế cung cấp, sử
dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử. Theo đó, việc thực hiện cung cấp thông
tin tờ khai hải quan cần đảm bảo thống nhất theo các quy định tại Quyết định số
33/2016/QĐ-TTg.
4.3. Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu,
bổ sung trường hợp miễn trừ khai báo hóa chất nhập khẩu và giấy phép nhập khẩu
tiền chất đối với hóa chất, tiền chất công nghiệp như đã nêu tại điểm 3 công
văn này.
Ngoài ra, tại thời điểm tham gia ý kiến
thành viên Chính phủ đối với việc ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP dẫn trên, Tổng
cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính kiến nghị “Bộ Công Thương xem xét lại
sự cần thiết của quy định về “xác nhận khai báo hóa chất”, đề nghị sửa đổi quy
định này theo hướng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết
19-2016/NQ-CP. Do vậy, đề nghị xem xét lại nội dung này, chuyển thời điểm
xác nhận khai báo hóa chất sang sau khi hàng hóa đã thông quan để giảm thời
gian thông quan hàng hóa nhập khẩu”. Đồng thời, từ những bất cập tại các
phân tích dẫn trên, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc, nghiên cứu
việc báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định 113/2017/NĐ-CP theo hướng thay đổi
phương thức quản lý, chuyển thời điểm xác nhận khai báo hóa chất sang sau khi
hàng hóa đã thông quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian
thông quan hàng hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2017
của Chính phủ; Tổng cục Hải quan sẽ cung cấp quyền truy cập, khai thác số liệu
liên quan đến việc nhập khẩu hóa chất để Bộ Công Thương có thể tra cứu và thanh,
kiểm tra khi cần thiết.
Trên đây là tổng hợp ý kiến vướng mắc
sau cuộc họp ngày 16/11/2017, Tổng cục Hải quan kính gửi Bộ Công Thương xem
xét, có ý kiến trả lời trước ngày Nghị định số 113/2017/NĐ-CP có hiệu lực
(25/11/2017) để Tổng cục Hải quan có cơ sở hướng dẫn hải quan địa phương thực
hiện thống nhất.
Trân trọng cám ơn sự hợp tác của Quý
Bộ./.
(Đầu mối liên hệ: Đ/c Trần Thùy
Anh, sđt 0914563368).
Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Vũ Thị Mai (để b/c);
- Bộ Công an, Bộ Y tế (để p/h);
- Cục Hải quan các tỉnh, TP (để biết);
- Lưu: VT, GSQL-Thùy Anh (3b).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Ngọc Anh
|