Công văn số 7459/NHNN-KTTC về việc hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư chứng khoán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 7459/NHNN-KTTC
Ngày ban hành 30/08/2006
Ngày có hiệu lực 30/08/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Thị Thanh Hương
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Chứng khoán

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------

Số: 7459/NHNN-KTTC
V/v Hướng dẫn hạch toán nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư chứng khoán

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2006

 

Kính gửi: Các tổ chức tín dụng

- Căn cứ quyết định 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/04/2004 của Thống đốc NHNN ban hành hệ thống tài khoản các tổ chức tín dụng và các quyết định sửa đổi, bổ sung có liên quan;
- Căn cứ Hệ thống Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn chuẩn mực của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Quyết định 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính về chế độ Kế toán doanh nghiệp;

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh và đầu tư chứng khoán (nghiệp vụ mua bán hẳn chứng khoán) như sau:

A/ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN PHÂN BIỆT KHI THỰC HIỆN KẾ TOÁN NGHIỆP VỤ KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN (MUA BÁN HẲN)

1. Công văn này hướng dẫn hạch toán, kế toán nghiệp vụ mua/bán hẳn đối với các khoản thuộc chứng khoán nợ, chứng khoán vốn thoả mãn các tiêu chuẩn tại điểm 2 mục này, và chứng khoán khác thuộc nhóm chứng khoán kinh doanh.

2. Tiêu chuẩn đối với chứng khoán Vốn hạch toán vào tài khoản 14 hoặc tài khoản 15:

- Chứng khoán Vốn hạch toán trên tài khoản 14 là chứng khoán được TCTD mua với chiến lược kinh doanh, mua để bán trong thời gian ngắn nhằm hưởng chênh lệch giá, không có mục đích kiểm soát doanh nghiệp.

- Chứng khoán Vốn hạch toán trên tài khoản 15 là chứng khoán Vốn thoả mãn các điều kiện:

* Có số lượng đầu tư vào một doanh nghiệp dưới 20% quyền biểu quyết

* Được niêm yết trên thị trường chứng khoán

* TCTD đầu tư với mục tiêu dài hạn và có thể bán khi có lợi, không có mục đích kiểm soát doanh nghiệp.

Trường hợp TCTD đầu tư vào chứng khoán Vốn với số lượng đầu tư dưới 20% quyền biểu quyết và chứng khoán này chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán được hạch toán vào tài khoản 344, 348 - Đầu tư dài hạn khác không thuộc phạm vi hướng dẫn của Công văn này.

B/ GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

1. Chứng khoán Nợ: là loại chứng khoán mà bên phát hành phải thực hiện những cam kết mang tính ràng buộc đối với người nắm giữ chứng khoán theo những điều kiện cụ thể về thời hạn thanh toán, số tiền gốc, lãi suất...(trái phiếu, kỳ phiếu...)

2. Chứng khoán Vốn: là loại chứng khoán xác lập quyền chủ sở hữu của người nắm giữ chứng khoán đối với một doanh nghiệp. Theo đó, chứng khoán Vốn thể hiện một phần tài sản trong tổng số tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thực hiện tất cả các nghĩa vụ nợ (ví dụ như: cổ phiếu thường)

3. Chứng khoán khác: là chứng khoán có tính chất hỗn hợp của chứng khoán Nợ và chứng khoán Vốn hoặc chứng khoán không đảm bảo đầy đủ tính chất của Chứng khoán Nợ/ của chứng khoán Vốn, không được phân loại vào một trong hai nhóm trên.

4. Chứng khoán kinh doanh có thể là chứng khoán nợ, chứng khoán vốn, hoặc các chứng khoán khác là các chứng khoán được Ngân hàng mua hẳn và dự định bán ra trong thời gian ngắn nhằm mục đích thu lợi từ việc hưởng chênh lệch giá.

5. Chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn là chứng khoán nợ được Ngân hàng mua hẳn với mục đích đầu tư để hưởng lãi suất. Khi phân loại chứng khoán vào nhóm chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn (ngày được thanh toán), Ngân hàng phải chắc chắn về khả năng giữ đến ngày đáo hạn của chứng khoán. Chứng khoán đã được phân loại vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn sẽ không được bán hẳn trước thời điểm đáo hạn hoặc chuyển sang chứng khoán kinh doanh hay chứng khoán sẵn sàng để bán.

6. Chứng khoán sẵn sàng để bán có thể là chứng khoán nợ hoặc chứng khoán vốn được Ngân hàng nắm giữ với mục đích đầu tư và sẵn sàng bán, không thuộc loại chứng khoán mua vào bán ra thường xuyên nhưng có thể bán bất cứ lúc nào xét thấy có lợi.

7. Giá gốc bao gồm giá mua cộng (+) các chi phí mua trực tiếp (nếu có).

8. Giá mua là giá Ngân hàng phải trả để có được chứng khoán. Giá này không bao gồm Lãi nhận trước.

9. Giá bán là số tiền Ngân hàng nhận được khi bán chứng khoán. Giá này chưa bao gồm chi phí giao dịch (nếu có).

10. Chi phí mua/bán bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua/bán chứng khoán như chi phí giao dịch...

11. Thời gian đầu tư (áp dụng đối với chứng khoán Nợ sẵn sàng để bán hoặc giữ đến khi đáo hạn): là khoảng thời gian được tính từ ngày mua đến ngày đáo hạn của chứng khoán.

12. Lãi nhận trước (áp dụng đối với chứng khoán được phát hành theo phương thức chiết khấu): là phần lãi đã được tổ chức phát hành thanh toán tính trên cơ sở thời gian đầu tư của TCTD, mệnh giá và mức lãi suất của chứng khoán.

13. Lãi trả sau là lãi của chứng khoán thuộc chứng khoán nợ được tổ chức phát hành trả tại thời điểm sau thời điểm phát hành. Lãi trả sau có thể được thanh toán theo định kỳ hoặc thanh toán một lần cùng tiền gốc vào ngày đáo hạn của chứng khoán.

14. Lãi dồn tích trước khi mua là lãi cộng dồn chưa được thanh toán của chứng khoán nợ trả lãi sau phát sinh trong giai đoạn trước khi Ngân hàng mua chứng khoán.

15. Giá trị phụ trội là giá trị chênh lệch dương giữa giá gốc với giá trị của khoản tiền gồm mệnh giá cộng (+) lãi dồn tích trước khi mua (đối với chứng khoán Nợ trả lãi sau) hoặc trừ (-) lãi nhận trước chờ phân bổ (đối với chứng khoán Nợ trả lãi trước). Giá trị phụ trội chỉ phát sinh khi mua loại chứng khoán nợ thuộc nhóm chứng khoán sẵn sàng để bán và nhóm chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.

[...]