Công văn 7400/BTNMT-TNN năm 2024 đề xuất sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
Số hiệu | 7400/BTNMT-TNN |
Ngày ban hành | 22/10/2024 |
Ngày có hiệu lực | 22/10/2024 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Người ký | Lê Minh Ngân |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7400/BTNMT-TNN |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; |
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành lần đầu tại Quyết định số 80/2007/QĐ-TTg ngày 01/6/2007, qua thời gian áp dụng thực tiễn Quy trình liên hồ chứa đã được điều chỉnh, sửa đổi và hiện đang được thực hiện theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy trình 740). Quy trình 740 đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành phối hợp vận hành các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng để tham gia chống lũ cho hạ du, cấp nước phục vụ sản xuất và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.
Quy trình 740 được tính toán, xây dựng và thiết lập các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phối hợp vận hành giữa các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng để bảo đảm an toàn chống lũ, dòng chảy tối thiểu, nhu cầu sử dụng nước cho hạ du và hiệu quả phát điện của các công trình hồ chứa thủy điện trên cơ sở các điều kiện hiện trạng, thông số kỹ thuật, tổng dung tích phòng lũ của các hồ trên lưu vực, các vấn đề liên quan đến an toàn công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa, phòng, chống thiên tai.
Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng có xu hướng bất thường, cực đoan, khó dự đoán, điển hình như đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã làm xuất hiện lũ lịch sử trên nhiều nhánh sông ở cả thượng lưu và hạ lưu vào thời kỳ lũ muộn. Vì vậy, đòi hỏi ngoài việc rà soát lại một số quy định của Quy trình 740 thì nội dung rất cấp thiết hiện nay là phải rà soát lại hiện trạng công tác xây dựng, triển khai các phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật thủy lợi, an toàn đập, hồ chứa nước và phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và các cơ sở hạ tầng ở hạ du lưu vực sông Hồng.
Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa. Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị quý Cơ quan như sau:
1. Trước mắt, nghiên cứu, đề xuất cụ thể các nội dung điều chỉnh, bổ sung Quy trình 740, đặc biệt đối với các nội dung liên quan đến:
a) Thời kỳ vận hành mùa lũ, mùa cạn và phân kỳ các thời kỳ vận hành trong mùa lũ;
b) Các tình huống bất thường, khẩn cấp để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du;
c) Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan;
d) Dung tích phòng lũ tương ứng với từng thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ, lũ muộn và đề xuất phương án vận hành linh hoạt (nếu có).
2. Để có đầy đủ cơ sở thông tin, dữ liệu để cập nhật toàn diện các điều kiện hiện trạng, các yêu cầu về đảm bảo an toàn công trình, yêu cầu phòng, chống lũ cho hạ du các hồ chứa, hạ du lưu vực sông Hồng phục vụ sửa đổi, bổ sung Quy trình 740 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, đặc biệt thông tin, dữ liệu về yêu cầu phòng, chống lũ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của quý Đơn vị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị quý Cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện như sau:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì hướng dẫn rà soát, xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là các Kịch bản vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập trên cơ sở cập nhật các hiện tượng bất thường, cực đoan, khó dự đoán, điển hình như đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua theo quy định của Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (Điều 25);
- Kiểm tra, rà soát lại công tác xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Hồng, hạ du các hồ chứa lớn, quan trọng phục vụ xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (Điều 27); kiểm tra và đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước, kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (Điều 17 và Điều 18);
- Đôn đốc các chủ hồ chứa thủy lợi chưa xây dựng quy trình vận hành đơn hồ, sớm triển khai việc xây dựng để bảo đảm vận hành các hồ, đập thủy lợi an toàn theo đúng quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (Điều 11) và quy định của Luật Tài nguyên nước 2023;
- Chủ trì nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường theo quy định tại khoản 8 Điều 50 của Luật Tài nguyên nước năm 2023;
- Nghiên cứu, cụ thể hóa các phương án tổ chức tính toán hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa đã được quy định của Quy trình 740. Đồng thời, rà soát công tác ban hành các lệnh vận hành để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho chủ hồ trong việc triển khai thực hiện lệnh.
b) Bộ Công Thương:
- Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện trên lưu vực theo quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP (Điều 17);
- Chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, các chủ hồ thủy điện thực hiện rà soát, cập nhật, tính toán các cực trị mưa, lũ lịch sử để tính toán, đề xuất phương án điều chỉnh quy trình như đề nghị nêu trên, đặc biệt là quy định liên quan đến Điều 11 “Vận hành đảm bảo an toàn công trình” của Quy trình 740. Đồng thời, nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực theo quy định của Luật Tài nguyên nước (Điều 38) và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (Điều 50).
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh các quy trình vận hành đơn hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc thẩm quyền; đồng thời xây dựng, phê duyệt và rà soát các bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có liên quan để xây dựng, cập nhật các phương án theo quy định.
d) Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hồng: thực hiện rà soát các quy trình vận hành đơn hồ, các phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trên cơ sở tính toán, cập nhật các số liệu khí tượng thủy văn, mưa, lũ lịch sử.
Riêng đối với hồ Thác Bà, đề nghị khẩn trương nghiên cứu tính toán lại các đặc trưng lũ thiết kế, lũ kiểm tra trên cơ sở cập nhật trận lũ lịch sử đã xảy ra do cơn bão số 3 vừa qua, trên cơ sở đó đánh giá lại mức độ đảm bảo an toàn công trình, nghiên cứu phương án bổ sung hạng mục công trình xả lũ để đảm bảo an toàn công trình và an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Văn bản kèm theo phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy trình 740 đề nghị gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục quản lý tài nguyên nước) trước ngày 31/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Chi tiết liên hệ: Bà Dương Thị Thúy, Cục Quản lý tài nguyên nước. Điện thoại: 0986.851.286. Email: duongthuy@monre.gov.vn).
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |