Công văn 73398/CT-TKT5 năm 2020 về trả lại hàng hóa đã cung cấp do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 73398/CT-TKT5 |
Ngày ban hành | 07/08/2020 |
Ngày có hiệu lực | 07/08/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục thuế thành phố Hà Nội |
Người ký | Nguyễn Tiến Trường |
Lĩnh vực | Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73398/CT-TKT5 |
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty TNHH Tân Thế Kỷ
Địa chỉ: Tầng 8 tòa nhà Leadvisor Tower số 643 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ
Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội;
MST: 0100517578
Trả lời công văn số 14/2020-TTK và Công văn giải trình số 16/2020-TTK ngày 03/07/2020 của Công ty TNHH Tân Thế Kỷ hỏi về việc trả lại hàng giữa Công ty TNHH Sakura Hong Minh Việt Nam và Công ty TNHH Tân Thế Kỷ, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định:
+ Tại Khoản 3 Điều 20 quy định xử lý đối với hóa đơn đã lập:
“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”
- Căn cứ Điểm 2.8 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).”
- Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 4943/TCT-KK ngày 23/11/2015 của Tổng cục Thuế hướng dẫn một số vướng mắc về khai thuế và khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:
“Trường hợp người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế GTGT theo quy định. Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại một phần hay toàn bộ hàng hóa, điều chỉnh giá trị hàng hóa bán ra thì phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa hoặc lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định. Căn cứ hóa đơn trả lai hàng hoặc hóa đơn điều chỉnh bên bán thực hiện kê khai điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, bên mua điều chỉnh doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng hoặc phát sinh hóa đơn điều chỉnh.”
- Căn cứ điểm 1.5 khoản 1 điều 79 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về doanh thu bán hàng hóa cung cấp dịch vụ:
“1.5. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thuần mà doanh nghiệp thực hiện được trong kỳ kế toán có thể thấp hơn doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận ban đầu do các nguyên nhân: Doanh nghiệp chiết khấu thương mại, giảm giá hàng đã bán cho khách hàng hoặc hàng đã bán bị trả lại (do không đảm bảo điều kiện về quy cách, phẩm chất ghi trong hợp đồng kinh tế);
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
- Nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo.
- Trường hợp Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh.”
- Căn cứ khoản 1 điều 81 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn nguyên tắc các khoản giảm trừ doanh thu quy định:
“...b) Việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện như sau:
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
- Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).”
- Căn cứ điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 quy định về xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền nộp thừa như sau:
“Điều 60. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phật đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Trường hợp người nộp thuế đề nghị bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.”
Căn cứ các quy định nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
Trường hợp Công ty TNHH Tân Thế Kỷ (gọi tắt là Công ty) có cung cấp phần mềm kèm đĩa CD và xuất hóa đơn GTGT cho Công ty TNHH Sakura Hong Minh Việt Nam (gọi tắt là Bên mua) vào tháng 09/2018. Công ty đã hoàn thành việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ và lập hóa đơn, đã kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Tuy nhiên đến tháng 05/2020, Bên mua trả lại toàn bộ hàng hóa cho Công ty thì khi xuất hàng trả lại hàng, Bên mua lập hóa đơn giao cho Công ty. Trên hóa đơn, Bên mua ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng. Căn cứ hóa đơn trả lại hàng, Công ty thực hiện kê khai điều chỉnh doanh số bán và thuế GTGT đầu ra tại kỳ phát sinh hóa đơn trả hàng; Công ty không phải kê khai điều chỉnh đối với tờ khai thuế GTGT, quyết toán TNDN năm 2018.
Về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa (nếu có) của Công ty sẽ được thực hiện theo quy định tại điều 60 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH4 ngày 13/06/2019.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Thanh tra Kiểm tra số 5 để được giải đáp.