Công văn 721/BHXH-CĐXH thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 721/BHXH-CĐXH
Ngày ban hành 30/06/2010
Ngày có hiệu lực 30/06/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội
Người ký Huỳnh Thị Mai Phương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
BẢO HIỂM XÃ HỘI
TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 721/BHXH-CĐXH
V/v: Thực hiện chế độ  phụ cấp thâm niên nghề.

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã;
- Các phòng nghiệp vụ.

 

Thực hiện Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ, Thông tư Liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính và công văn số 2280/BHXH-CSXH ngày 04/6/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành toà án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng các cấp. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn các phòng nghiệp vụ, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội huyện) triển khai thực hiện như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

Bao gồm cán bộ, công chức quy định tại điểm 1.1 khoản 1 công văn số 2280/BHXH-CSXH ngày 04/6/2010 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (trừ đối tượng dừng đóng BHXH đến 31/12/2008).

2. Trách nhiệm thực hiện:

2.1 Bảo hiểm xã hội huyện:

- Hướng dẫn và tổ chức thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị quản lý các đối tượng nêu tại khoản 1 trên theo địa bàn quản lý;

- Hướng dẫn và tổ chức truy thu số tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khoản phụ cấp thâm niên nghề đối với các đối tượng nêu tại khoản 1 trên; ghi bổ xung vào sổ BHXH (bao gồm cả người đã nghỉ việc mà được hưởng phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 01/2009);

- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ để chuyển về Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội điều chỉnh phụ cấp thâm niên nghề của các đối tượng: Hưu trí, TNLĐ-BNN hằng tháng, trợ cấp BHXH một lần, TNLĐ-BNN một lần, tuất một lần theo quy định, hồ sơ gồm: Sổ BHXH đã ghi điều chỉnh lại mức đóng gồm cả phụ cấp thâm niên nghề do người lao động xuất trình; hồ sơ hiện đang lưu trữ tại Bảo hiểm xã hội huyện (nếu có);

- Thực hiện chi trả số tiền chênh lệch theo phiếu điều chỉnh do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chuyển về đối với: trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần, TNLĐ-BNN một lần, tuất một lần;

- Lưu phiếu điều chỉnh do Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chuyển về cùng hồ sơ hưởng BHXH theo quy định;

- Thực hiện giải quyết chi ốm đau, thai sản cho người lao động thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 trên theo địa bàn quản lý, hướng dẫn người sử dụng lao động thực hiện việc chi trả phần chênh lệch trợ cấp ốm đau, thai sản sau khi sổ BHXH đã điều chỉnh lại mức đóng BHXH gồm cả phụ cấp thâm niên nghề, lập danh sách đề nghị thanh toán bổ xung kinh phí điều chỉnh (mẫu kèm theo) do tiền lương tính hưởng trợ cấp có thêm thâm niên nghề để thanh toán với Bảo hiểm xã hội huyện.

2.2 Phòng Thu:

- Hướng dẫn và tổ chức thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị quản lý các đối tượng nêu tại khoản 1 trên theo phân cấp quản lý;

- Hướng dẫn và tổ chức truy thu số tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khoản phụ cấp thâm niên nghề đối với các đối tượng nêu tại khoản 1 trên; ghi bổ xung vào sổ BHXH (bao gồm cả người đã nghỉ việc mà được hưởng phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 01/2009).

2.3 Phòng tiếp nhận quản lý hồ sơ:

- Tiếp nhận hồ sơ đề nghị điều chỉnh thâm niên nghề đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng do Bảo hiểm xã hội huyện hoặc người lao động trực tiếp chuyển đến để chuyển phòng Chế độ bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định, hồ sơ gồm: Sổ BHXH đã ghi điều chỉnh lại mức đóng gồm cả phụ cấp thâm niên nghề; hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và một lần (nếu có);

- Rút hồ sơ đang lưu trữ để làm căn cứ thực hiện điều chỉnh theo đề nghị của phòng Chế độ bảo hiểm xã hội;

- Thực hiện việc lưu trữ phiếu điều chỉnh vào hồ sơ hưởng chế độ BHXH của từng đối tượng, chuyển phiếu điều chỉnh đến Trung tâm lưu trữ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chuyển trả cho Bảo hiểm xã hội huyện và người lao động.

2.4 Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội:

- Rà soát hồ sơ đang quản lý theo danh sách chi trả (kể cả đối tượng hưởng hằng tháng do BHXH các tỉnh, thành phố khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ đã giải quyết chuyển đến) để xác định đối tượng được tính lại mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH;

- Thực hiện lập phiếu điều chỉnh cho từng loại đối tượng hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH một lần, TNLĐ-BNN hằng tháng và một lần, tuất một lần, số lượng cụ thể là: 04 bản với hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (thêm 01 bản cho người hưởng lương hưu có chênh lệch trợ cấp một lần khi nghỉ hưu); 03 bản với hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH một lần, tuất một lần, TNLĐ-BNN một lần;

- Thực hiện báo tăng vào danh sách chi trả đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (bao gồm cả phần chênh lệch lương hưu hằng tháng đến tháng trước liền kề của tháng báo tăng);

- Thực hiện giải quyết chi ốm đau, thai sản cho người lao động thuộc đối tượng nêu tại khoản 1 trên theo phân cấp quản lý, hướng dẫn người sử dụng lao động thực hiện việc chi trả phần chênh lệch trợ cấp ốm đau, thai sản sau khi sổ BHXH đã điều chỉnh lại mức đóng BHXH gồm cả phụ cấp thâm niên nghề, lập danh sách bổ xung kinh phí điều chỉnh do tiền lương tính hưởng trợ cấp có thêm thâm niên nghề để thanh toán với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Công văn này được thực hiện kể từ ngày ký, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội để xem xét giải quyết ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Giám đốc, các phó giám đốc BHXH Hà Nội (để chỉ đạo);
- BHXH Việt Nam (để b/c);
- Lưu CĐBHXH,VT.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Huỳnh Thị Mai Phương

[...]