Công văn 2280/BHXH-CSXH hướng dẫn chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với người tham gia bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 2280/BHXH-CSXH
Ngày ban hành 04/06/2010
Ngày có hiệu lực 04/06/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Đỗ Thị Xuân Phương
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2280/BHXH-CSXH
V/v hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với người tham gia BHXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân - Bộ Công an;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

 

Thực hiện Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 76/2009/NĐ-CP) và Thông tư Liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính (sau đây viết tắt là Thông tư Liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC), công văn số 37-HD/BTCTW ngày 25/01/2010 của Ban Tổ chức Trung ương (sau đây viết tắt là công văn số 37-HD/BTCTW) về thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng các cấp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số điểm để thực hiện như sau:

1. Về đối tượng áp dụng, thời điểm đóng và tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề: 

1.1. Đối tượng áp dụng: Bao gồm cán bộ, công chức quy định tại Điều 1 Thông tư Liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC khoản 1 công văn số 37-HD/BTCTW.

1.2. Thời điểm đóng và hưởng phụ cấp thâm niên nghề:

Mức tiền phụ cấp thâm niên nghề của các đối tượng thuộc diện áp dụng nêu tại điểm 1.1 trên dùng để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) kể từ ngày 01/01/2009 trở đi.

Tiền lương đóng BHXH gồm cả phụ cấp thâm niên nghề của các tháng đã được ghi trong sổ BHXH (bao gồm cả trường hợp truy thu đã ghi điều chỉnh mức đóng trong sổ BHXH) là căn cứ tính hưởng các chế độ BHXH theo quy định đối với người hưởng chế độ BHXH kể từ ngày 01/01/2009 trở đi.

Ví dụ 1: Ông A nghỉ ốm từ ngày 5/01/2009 đến ngày 20/01/2009 hưởng trợ cấp ốm đau, tiền lương tính hưởng trợ cấp của ông A là tiền lương đóng BHXH của tháng 12/2008 (tiền lương đóng BHXH không có phụ cấp thâm niên nghề). Nếu ông A nghỉ ốm từ ngày 5/02/2009 đến ngày 20/02/2009 thì tiền lương tính hưởng trợ cấp của ông A là tiền lương đóng BHXH của tháng 01/2009 (tiền lương đóng BHXH gồm cả phụ cấp thâm niên nghề).

Ví dụ 2: Ông B bị tai nạn lao động ngày 15/10/2008 và ngày 25/04/2009 điều trị xong, ra viện. Ông B được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng từ tháng 4/2009, tiền lương tính hưởng khoản trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH là tiền lương đóng BHXH của tháng 9/2008 (tiền lương đóng BHXH không có phụ cấp thâm niên nghề). Nếu ông B bị tai nạn lao động ngày 5/3/2009, ngày 8/9/2009 điều trị xong, ra viện và được hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng từ tháng 9/2009 thì tiền lương tính hưởng khoản trợ cấp theo số năm đã đóng BHXH là tiền lương đóng BHXH của tháng 02/2009 (tiền lương đóng BHXH gồm cả phụ cấp thâm niên nghề).

Ví dụ 3: Ông C sinh tháng 8/1949, nguyên là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, có thời gian công tác tính thâm niên nghề đến khi nghỉ hưu là 34 năm 02 tháng, hưởng chế độ hưu trí từ tháng 9/2009, có diễn biến tiền lương 5 năm cuối: Từ tháng 9/2004 đến tháng 8/2007 hưởng lương hệ số 5,13 và phụ cấp chức vụ là 0,4; Từ tháng 9/2007 đến tháng 8/2009 hưởng lương hệ số 5,41 và phụ cấp chức vụ là 0,4; trong đó từ tháng 01/2009 đến tháng 8/2009 được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, đã truy thu đóng BHXH và ghi điều chỉnh mức đóng trong Sổ BHXH. Lương hưu hàng tháng của ông C tại thời điểm tháng 9/2009 được tính lại như sau:

- Từ tháng 9/2004 đến tháng 8/2007:

(5,13 + 0,4) x 650.000 đồng x 36 tháng = 129.402.000 đ

- Từ tháng 9/2007 đến tháng 12/2008:

(5,41 + 0,4) x 650.000 đồng x 16 tháng = 60.624.000 đ

- Từ tháng 1/2009 đến tháng 8/2009 đóng BHXH gồm có thâm niên nghề là 34%:

(5,41 + 0,4) x 650.000 đồng x 1,34 x 8 tháng = 40.484.080 đ

Lương hưu của ông C tại thời điểm tháng 9/2009 sau khi đã tính thâm niên nghề là:

(129.402.000 đ + 60.624.000 đ + 40.484.080 đ)/60 tháng x 75% = 2.878.876 đồng/tháng

Ví dụ 4: Bà D, là Kiểm lâm viên, có thời gian công tác tính thâm niên nghề là 10 năm 08 tháng, sinh con nghỉ hưởng chế độ thai sản từ ngày 12/4/2009, có tiền lương 6 tháng trước khi sinh con từ tháng 10/2008 đến tháng 3/2009 hệ số 3,33 (tháng 01/2009 đến tháng 3/2009 được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, đã truy thu đóng BHXH và ghi điều chỉnh mức đóng trong Sổ BHXH). Trợ cấp thai sản hàng tháng của bà D được tính tại thời điểm tháng 4/2009 như sau:

- Từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2008:

3,33 x 540.000 đồng x 3 tháng = 5.394.600 đ

- Từ tháng 1/2009 đến tháng 3/2009 đóng BHXH gồm có thâm niên nghề là 10%:

3,33 x 540.000 đồng x 1,1 x 3 tháng = 5.934.600 đ

Trợ cấp thai sản hàng tháng của bà D được tính tại thời điểm tháng 4/2009 sau khi đã tính thâm niên nghề là:

(5.394.600 đ + 5.934.600 đ)/6 tháng x 100% = 1.888.110 đồng/tháng.

1.3. Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra đảng các cấp, nhưng đã nghỉ hưu hoặc hưởng các chế độ BHXH trước ngày 31/12/2008 do không thuộc đối tượng áp dụng tính hưởng thâm niên nghề nên lương hưu, trợ cấp BHXH hưởng theo mức ghi trong quyết định. Đối với cán bộ, công chức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH từ tháng 01/2009 trở đi mà tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng chế độ BHXH là toàn bộ các tháng trước tháng 01/2009 thì khi tính hưởng chế độ BHXH không gồm khoản phụ cấp thâm niên nghề.

2. Tổ chức thực hiện:

[...]