Công văn 6588/BGTVT-KHĐT bổ sung Quy hoạch phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 6588/BGTVT-KHĐT |
Ngày ban hành | 15/10/2007 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2007 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Trần Doãn Thọ |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6588/BGTVT-KHĐT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2007 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 13/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ năm 2007, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5974/BGTVT-KHĐT ngày 19/9/2007, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010; trong đó có báo cáo đề cập nội dung cập nhật, bổ sung, Điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam;
Tuy nhiên, trong thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu phát triển các khu công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nhận được một số công văn của các tỉnh, đề nghị cho phép bổ sung một số cảng vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; cụ thể như sau:
- UBND tỉnh Phú Yên, công văn số 1687/UBND-KTXD ngày 25/9/2007, đề nghị bổ sung quy hoạch cảng biển Bãi Gốc tại Hòa Tâm phục vụ công nghiệp hóa dầu do nhà đầu tư Singapore thực hiện;
- UBND tỉnh Bình Định, công văn số 1624/UBND-XD ngày 04/6/2007, đề nghị bổ sung quy hoạch cảng biển một bến cho tàu đến 50.000 tại hạ lưu bến 30.000 DWT hiện hữu;
- UBND tỉnh Bình Thuận, công văn số 1329/UBND-ĐTOH ngày 04/6/2007, đề nghị bổ sung cảng tổng hợp Kê Gà và cảng chuyên dùng Vĩnh Tân phục vụ các nhà máy điện và xuất khẩu khoáng sản;
- UBND tỉnh Nghệ An, công văn số 6226/UBND-CN ngày 28/9/2007, gửi kèm số 6153/UBND-CN ngày 25/9/2007, công văn số 2921/UBND-CN ngày 18/5/2007 đề nghị bổ sung quy hoạch cảng biển khu bến cảng chuyên dùng cho tàu đến 50.000 tại Đông Hồi, Quỳnh Lưu và cảng tiềm năng tại Hòn Ngư cho tàu trên 30.000 DWT;
- UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công văn số 4727/UBND-VP ngày 25/7/2007, đề nghị thỏa thuận KCN Cái Mép hạ, kèm cảng biển khu Cái Mép hạ lưu (khu tiềm năng) trong đó giao Công ty Cổ phần Dầu khí Vũng Tàu kết hợp với công ty nước ngoài nghiên cứu, triển khai;
- UBND tỉnh Tiền Giang, công văn số 5803/UBND-CN ngày 01/10/2007, đề nghị bổ sung quy hoạch hệ thống cảng biển, trong đó đề nghị giao Công ty TNHH một thành viên đầu tư PTCN phía Nam (Vinashin) và Công ty Cổ phần An Sơn nghiên cứu, triển khai đầu tư;
- UBND tỉnh Đồng Nai, công văn số 6856/UBND-CNN ngày 28/8/2007, đề nghị đầu tư cảng tổng hợp Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, trong đó đề nghị cho phép Công ty TNHH Vĩnh Hưng - Đồng Nai đầu tư cảng tổng hợp Phú Đông thay cho cảng chuyên dùng gỗ;
- Công văn số 2572/Tg1-KH ngày 11 tháng 10 năm 2007 của Cục tác chiến Bộ Quốc phòng, đề nghị phê duyệt chủ trương xây dựng cầu cảng tổng hợp tại Đình Vũ Tp. Hải Phòng, giới thiệu Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội nghiên cứu, triển khai dự án;
Kèm theo các công văn đề nghị của UBND các Tỉnh, Bộ nói trên là văn bản của các doanh nghiệp đề nghị cho phép đầu tư như:
- Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam xin đầu tư xây dựng cảng biển tại Vĩnh Tân - Bình Thuận, tại Đông Hồi - Nghệ An;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị được đầu tư cảng biển tại Vũng Áng Hà Tĩnh, tại Trà Vinh;
- Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đề nghị được đầu tư cảng biển tổng hợp tại Sông Chanh - Quảng Ninh;
- Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội tại Đình Vũ (khu đất quân đội quản lý) đầu tư 02 bến tổng hợp, container tại Đình Vũ;
- Công ty Cổ phần An Sơn đề nghị cho phép đầu tư Vàm Láng - Gò Công Đông - Tiền Giang;
- Công ty đóng tàu Hậu Giang thuộc Tập đoàn CN Tàu thủy Việt Nam, về việc xin phép xây dựng 01 tàu và 01 cầu tàu tại Hậu Giang;
- Công ty Cổ phần Dầu khí Vũng Tàu, đề nghị thỏa thuận đầu tư cảng khu công nghiệp Cái Mép hạ (khu 2);
- Công ty TNHH Vĩnh Hưng - Đồng Nai xin đầu tư cảng tổng hợp Phú Đông;
Thực hiện xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cảng biển, ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài cảng và một số cầu bến tại những vùng mà tại đó không kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư;
Những khu vực thuận lợi, cho phép xây dựng cảng biển cần được quy hoạch tạo Điều kiện cho các nhà đầu tư lựa chọn cơ hội đầu tư. Nhà đầu tư tự huy động các nguồn vốn hợp pháp, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, thời gian thu hồi vốn đầu tư. Nhà nước quản lý quy hoạch và thụ hưởng hiệu quả kinh tế do đầu tư, khai thác cảng biển tạo ra;
Do vậy:
- Đối với đề nghị của địa phương tại các văn bản trên, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ về chủ trương bổ sung các cảng biển trên vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam;
- Đối với các cảng trong quy hoạch tiềm năng, các nhà đầu tư đề nghị đầu tư sớm, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ đề nghị này của các nhà đầu tư.
Với lý do nêu trên, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Ngoài các cảng đã đề nghị bổ sung tại văn bản số 5974/BGTVT-KHĐT ngày 19/9/2007, nay xin phép bổ sung các cảng biển tại phụ lục kèm theo vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020; để địa phương chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai thực hiện dự án;
2. Hiện nay nhà nước đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam (Tổng sơ đồ VI), theo đó EVN có nhu cầu đầu tư những cảng chuyên dùng cho tàu đến 100.000DWT phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch nói trên, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ GTVT phối hợp với địa phương thỏa thuận cụ thể các cảng chuyên dùng, bổ sung quy hoạch cảng biển phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện nói riêng, cho các nhà máy, khu công nghiệp nói chung;