Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 6295/LĐ-TBXH-XH về việc hướng dẫn thực hiện một số điều khoản của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ và Quyết định 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND thành phố do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 6295/LĐ-TBXH-XH
Ngày ban hành 17/12/2007
Ngày có hiệu lực 17/12/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Văn Xê
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
   
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 6295/LĐ-TBXH-XH
V/v hướng dẫn thực hiện một số điều khoản của Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ và Quyết định 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND TP.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

Kính gửi: UBND quận, huyện

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 5866/VP-VX ngày 31/8/2007; Liên Sở Lao động-TB&XH – Sở Tài chính và Sở Y tế tổ chức hướng dẫn cho UBND, Phòng Lao động-TB&XH quận, huyện và các sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan vào ngày 5/10/2007 (hướng dẫn số 4895/S-LĐTBXH-TC-YT) để thực hiện Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ; thông tư 09/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2007 của Bộ Lao động-TB&XH về chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội; và Quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND Thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách xã hội của TP HCM; Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, cơ sở, nhiều quận, huyện đang gặp một số vướng mắc, cụ thể như về thời hiệu thực hiện trợ cấp; về chuyển đối tượng từ Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 9/3/2000 của Chính phủ sang thực hiện theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP; về cách thức truy lĩnh trợ cấp …

Sau khi báo cáo xin ý kiến của Bộ Lao động-TB&XH (Vụ bảo trợ xã hội), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung một số nội dung cụ thể như sau:

I. CÁC NHÓM ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TẠI ĐIỀU 4 NGHỊ ĐỊNH 67/2007/NĐ-CP:

1. Về mức và cách tính trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng do phường xã quản lý:

1.1. Các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng do phường – xã quản lý: áp dụng mức trợ cấp theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP; riêng nhóm đối tượng hưởng mức trợ cấp 120.000đ/người/tháng (quy định tại khoản 1, 2, 3 và 9 của điều 4) được hưởng mức trợ cấp 150.000đ/người/tháng theo quyết định số 122/2007/QĐ-UB ngày 21/9/2007 của UBND Thành phố về điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách xã hội của TP; thời gian được hưởng tính từ ngày 1/8/2007.

1.2. Đối tượng quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 67/2007/NĐ-CP nếu đang được hưởng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11: thì vẫn được hưởng trợ cấp của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.

1.3. Đối tượng được hưởng trợ cấp tại khoản 7 điều 4 thì không được hưởng trợ cấp tại khoản 1 điều 4 (Chỉ nhận 01 mức trợ cấp và chọn mức có hệ số cao hơn)

1.4. Đối tượng quy định tại khoản 9 điều 4 “Người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi, …”.

Cần phân biệt cho rõ: Đối tượng được hưởng trợ cấp ở đây là “Người đơn thân”, không phải trợ cấp cho trẻ. Do đó, người đơn thân có nuôi 2 trẻ thì cũng hưởng một suất trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP.

2. Về quy định tại khoản 1 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP

2.1. Chỉ áp dụng tiêu chuẩn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 của TP.HCM) đối với nhóm trẻ em nhiễm HIV/AIDS

2.2. Trường hợp đối tượng là Trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang chấp hành tại Cơ sở giáo dục theo Nghị định 76/2003/NĐ-CP  ngày 27/6/2003 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc Cơ sở chữa bệnh (cai nghiện ma túy và thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội) không còn người nuôi dưỡng cũng được vận dụng xem xét giải quyết chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội.

2.3. Riêng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi do cha mẹ bỏ đi không nuôi dưỡng và không còn ở địa phương (không còn sinh sống tại TP. HCM và cha mẹ không liên lạc, chăm sóc, nuôi dưỡng con trong thời gian từ 2 năm trở lên), trường hợp này UBND phường xã chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận và công khai xét duyệt theo quy trình để trình UBND quận, huyện, xem xét quyết định.

3. Về quy định tại khoản 2 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP

Nghị định 67/2007/NĐ-CP quy định người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên có chồng hoặc vợ nhưng già yếu, không có con cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ nghèo thì được trợ cấp. Tuy nhiên, trong thực tế, có thể vận dụng các trường hợp sau:

3.1. Hai vợ chồng là người cao tuổi, đều già yếu, không con cháu, người thân thích để nương tựa thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2 của thành phố): mỗi người được hưởng một suất trợ cấp xã hội theo quy định.

3.2. Người cao tuổi tuy còn con cháu, người thân thích nhưng những người này không đủ khả năng để nuôi dưỡng (dưới 16 tuổi hoặc trên 60 tuổi) hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại; hoặc chấp hành tập trung tại cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục; hoặc bị tàn tật nặng không khả năng lao động, bị tâm thần mãn tính thì cũng được xem xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.

3.3. Người cao tuổi, cô đơn, già yếu đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 07/2000/NĐ-CP, tuy không đưa vào danh sách hộ nghèo của Thành phố (không có danh sách, mã số) nhưng thành phố vẫn xác định đây là thuộc diện hộ nghèo nên được lập danh sách và xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định.

4. Về quy định tại khoản 3 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP:

4.1. Người từ 85 tuổi trở lên đang được trợ cấp khó khăn của Thành phố (do thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, nhưng không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mất sức theo quy định tại thông tư 21/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 25/9/2000, khi hết tuổi lao động mà đời sống có nhiều khó khăn) vẫn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

4.2. Người từ 85 tuổi trở lên, đến thành phố ở với con cháu trong thời gian dài, không chuyển hộ khẩu vẫn được quận, huyện xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP với điều kiện: đối tượng phải có giấy xác nhận của UBND phường, xã nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú (tỉnh, thành phố khác) là chưa thực hiện chế độ trợ cấp cho người từ 85 tuổi trở lên theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP (mẫu số 10/LĐTBXH).

4.3. Về thủ tục xét trợ cấp người từ 85 tuổi trở lên: theo quy định tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP nhưng không phải làm lý lịch.

5. Về quy định tại khoản 4 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP, giải thích làm rõ về người tàn tật nặng:

5.1. Người tàn tật nặng không có khả năng lao động được quy định là người từ đủ 15 tuổi trở lên.

5.2. Người tàn tật nặng không có khả năng tự phục vụ không quy định độ tuổi.

5.3. “Người tàn tật nặng không có khả năng lao động, hoặc không có khả năng tự phục vụ”, không có nguồn thu nhập và không có nơi nương tựa đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 07/2000/NĐ-CP vẫn được lập danh sách và xét hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định của Nghị định 67/2007/NĐ-CP.

5. Về quy định tại khoản 5 điều 4, Nghị định 67/2007/NĐ-CP:

[...]