Công văn 5906/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5906/BYT-VPB1
Ngày ban hành 30/09/2024
Ngày có hiệu lực 30/09/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đào Hồng Lan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5906/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Hiện nay, tình trạng quá tải khám, chữa bệnh là phổ biến tại hầu hết các bệnh viện ở các tuyến, đặc biệt quá tải trầm trọng ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần có giải pháp để nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến huyện, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện tuyến huyện, không phải lên tuyến trên.

Công tác đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.

Bộ Y tế đã triển khai các chương trình luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường... Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán. Phát triển hệ thống y tế tư nhân cả về số lượng và quy mô, nhiều cơ sở có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch vụ tương đối cao. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ y tế về cơ sở làm việc. Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng các văn bản thu hút đội ngũ nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế góp phần hoàn thiện các chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.

Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế (trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương và đơn vị của Bộ Y tế) để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Ngày 08/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 202/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15; Bộ Y tế phê duyệt Quyết định số 172/QĐ-BYT ngày 22/01/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ. Theo đó, hiện nay Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo: (1) Nghị định về phụ cấp theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống; (3) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản; gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

2. Cử tri phản ánh mỗi khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện các cấp đều phải mua một cuốn sổ khám bệnh mới rất lãng phí, trong khi đó khi vào khám thì y, bác sĩ không ghi vào sổ khám bệnh mà sẽ in đơn thuốc, chỉ định ra từ máy tính. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế bỏ thủ tục này bởi hiện nay bệnh viện đã công nghệ hóa, in ra bằng máy tính.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 về việc ban hành Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID; Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 ban hành Hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và các văn bản có liên quan khác để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai sổ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID tại Thành phố Hà Nội; hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự kiến tổ chức Hội nghị triển khai Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID toàn quốc trong tháng 10. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện quy định để bỏ Sổ khám bệnh, thay bằng Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

3. Cử tri cho biết hiện nay theo quy định bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tuyến trên phải làm thủ tục chuyển tuyến gây ra khó khăn cho bệnh nhân, có những trường hợp điều trị tuyến trên đã ổn định cần tái khám theo dõi định kỳ, bệnh nhân vẫn phải làm giấy chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh, làm giấy chuyển tuyến bệnh viện cấp Trung ương, việc xin thủ tục chuyển tuyến còn phức tạp, nhất là bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần quan tâm, xem xét đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh.

Việc phân tuyến khám chữa bệnh hiện nay được xây dựng nhằm đảm bảo người bệnh được khám và điều trị tại các cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chuyên môn của từng tuyến. Tuyến cao hơn sẽ đảm nhiệm điều trị các bệnh lý nặng và phức tạp hơn. Khi người bệnh có tình trạng bệnh vượt quá khả năng của tuyến dưới, cơ sở y tế sẽ thực hiện thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. Ngược lại, khi người bệnh đã ổn định tại tuyến trên và cần theo dõi định kỳ, họ có thể được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

Hiện nay, thủ tục chuyển tuyến được thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế. Theo quy định, từ ngày 01/01/2016, người tham gia bảo hiểm y tế đã được thông tuyến huyện trong phạm vi toàn tỉnh và từ ngày 01/01/2021, đã được thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi khám chữa bệnh ở các cơ sở tuyến huyện và tuyến tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến.

Quy định về giấy chuyển tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và mất cân đối quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ quy định về giấy chuyển tuyến để góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng điều trị của các bệnh viện.

Để cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho người bệnh, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã có các giải pháp như đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị bằng kỹ thuật cao người bệnh có thể đi khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp trên mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với một số bệnh mạn tính, người bệnh sẽ được quản lý, theo dõi và cấp phát thuốc chuyên khoa như ở cấp cao hơn giúp người bệnh được điều trị thuận tiện mà không phải chuyển lên cấp cao hơn mà vẫn được hưởng quyền lợi. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang từng bước ứng dụng giấy chuyển tuyến điện tử, giấy hẹn khám lại điện tử để thuận tiện, kịp thời cho người bệnh.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: BH, KHTC, K2DT, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan