Công văn 58/BTTTT-KHCN năm 2018 về hướng dẫn nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 58/BTTTT-KHCN
Ngày ban hành 11/01/2018
Ngày có hiệu lực 11/01/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Phan Tâm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Xây dựng - Đô thị

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/BTTTT-KHCN
V/v Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn các địa phương xây dựng đô thị thông minh đảm bảo đầu tư thiết thực, hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kết hợp với những nghiên cứu, triển khai thực tế của một số địa phương và doanh nghiệp.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ, Bộ Thông tin có nhiệm vụ Hướng dẫn các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển, cung cấp các dịch vụ thành ph thông minh.

Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành “Hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam”.

Trân trọng đề nghị Quý cơ quan nghiên cứu áp dụng, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị liên hệ Bộ Thông tin và Truyền thông để được hướng dẫn.

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng CP Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (email);
- Lưu: VT, KHCN (99).

KT. BỘ TRƯỞNG
TH TRƯỞNG




Phan Tâm

 

HƯỚNG DẪN

CÁC NGUYÊN TẮC ĐỊNH HƯỚNG VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRONG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH Ở VIỆT NAM
(kèm theo công văn số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

1. Khái quát chung về đô thị thông minh trên thế giới và Việt Nam

Năm 2017, dân số sinh sống trong các khu vực đô thị chiếm 54,7% tổng dân số toàn cầu, trong đó có 28 siêu đô thị (hơn 10 triệu dân). Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ sinh sống ở các đô thị. Xu thế đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép như ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực (nước sạch, đất đai, không gian, giao thông, năng lượng...). Do đó, cách thức xây dựng và quản lý đô thị theo cách truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị tìm kiếm những chiến lược, giải pháp đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai.

Những năm gần đây, công nghệ thông tin và truyền thông (gọi tắt là ICT) đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhiều công nghệ mới ra đời, tính phổ biến ngày càng cao, có chi phí thấp, tiêu tốn ít năng lượng, năng lực thu thập và xử lý dữ liệu lớn tăng nhanh... Do đó, nhiệm vụ quản lý đô thị, ứng dụng ICT đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sức ép của quá trình đô thị hóa gia tăng như các đổi mới sáng tạo trong hệ thống giao thông, quản lý nước sạch, năng lượng và chất thải... Xu hướng ứng dụng những tiến bộ ICT và các phương thức đổi mới sáng tạo khác được gọi chung là đô thị thông minh (hay thành phố thông minh). Đô thị thông minh hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường được gọi là đô thị thông minh phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới chưa có sự thống nhất rộng rãi về định nghĩa đô thị thông minh.

Năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới (ITU) định nghĩa: “Đô thị thông minh phát triển bền vững là đô thị đổi mới sáng tạo, sử dụng ICT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa và xã hội”.

Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia BSI của Anh định nghĩa (tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) đã dẫn chiếu định nghĩa này khi đề cập về thuật ngữ đô thị thông minh trong tiêu chuẩn ISO/IEC 30182:2017): “Đô thị thông minh là sự tích hợp hiệu quả các hệ thống vật lý, số và con người để xây dựng một môi trường sống tương lai thịnh vượng, toàn diện và bền vững cho người dân”.

Trong dự luật của Hoa Kỳ “Luật về Đô thị và Cộng đồng thông minh”, khái niệm đô thị thông minh được định nghĩa: “Đô thị thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một cộng đồng ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy; các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để:

- Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân;

- Tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự;

- Thúc đẩy phát triển kinh tế;

- Tạo ra một cộng đồng ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an toàn, an ninh, bền vững, có sức chống chịu, đáng sống và đáng làm việc”.

Xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới, cả ở các nước phát triển và đang phát triển. Cho dù có sự khác nhau về tầm nhìn và cách triển khai đô thị thông minh, nhưng tất cả đều thống nhất sử dụng các công nghệ ICT nhằm giải quyết tốt hơn các áp lực lên đô thị xung quanh 6 nội dung: kinh tế, quản lý nhà nước, giao thông, môi trường, cuộc sống và người dân.

Một số khó khăn chính trong xây dựng đô thị thông minh trên thế giới:

- Thiếu tầm nhìn rõ ràng về đô thị thông minh, triển khai dự án độc lập, manh mún.

- Thiếu nguồn tài chính. Các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong xây dựng đô thị thông minh còn đang được nghiên cứu, thử nghiệm.

- Thiếu sự tham gia của người dân.

- Khó nhân rộng các mô hình do sự khác biệt nhiều giữa các đô thị.

- Khó đánh giá đầy đủ những tác động xã hội của đô thị thông minh. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới như ITU, ISO vẫn đang trong quá trình xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện các tiêu chí/chỉ số đánh giá đô thị thông minh.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ