Công văn 5704/TCHQ-GSLQ về liên quan đến kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 5704/TCHQ-GSLQ
Ngày ban hành 22/11/2006
Ngày có hiệu lực 22/11/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Đặng Hạnh Thu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5704/TCHQ-GSQL
V/v liên quan đến kiểm tra VSATTP.

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2006

 

Kính gửi: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời công văn số 3628/HQTP-NV ngày 01/11/2006 của Cục Hải quan TP.HCM về một số vấn đề liên quan đến kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Quyết định 1370/BYT-QĐ ngày 17/7/1997 của Bộ Y tế quy định về kiểm tra chất lượng đối với thực phẩm nhưng tại Quyết định 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 không có danh mục thực phẩm phải kiểm tra chất lượng?

- Tại Quyết định 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 không có danh mục thực phẩm phải kiểm tra chất lượng vì nội dung này đã được điều chỉnh tại Nghị định 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ.

- Tại công văn 4876/TCHQ-GSQL ngày 16/10/2006, Tổng cục đã hướng dẫn trong điều kiện Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn Nghị định 163/2004/NĐ-CP thì Quyết định 1370/BYT-QĐ trên vẫn còn hiệu lực thực thi một số nội dung của Nghị định 163/2004/NĐ-CP.

- Quyết định 1370/BYT-QĐ của Bộ Y tế được ban hành từ năm 1997, do đó về mặt từ ngữ có nhiều điểm không thống nhất với các văn bản pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây. Cụ thể, Quyết định 1370/BYT-QĐ quy định "kiểm tra chất lượng thực phẩm", nhưng cần hiểu là "kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm" theo quy định tại Nghị định 163/2004/NĐ-CP.

2. Điều 12 Nghị định 163/2004/NĐ-CP chưa được Bộ Y tế triển khai, do đó cần căn cứ vào Phụ lục Quyết định 1370/BYT-QĐ để xác định tổ chức được chỉ định kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (các viện thuộc Bộ Y tế và các Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 1, 2 và 3). Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là cơ quan kỹ thuật, kiểm tra.

3. Thực tế tại TP.HCM, doanh nghiệp đăng ký kiểm tra chất lượng với Trung tâm 3, được Trung tâm 3 xác nhận hàng hoá không thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng và doanh nghiệp cho rằng giá trị chứng thư của Trung tâm 3 và chứng thư của Viện vệ sinh y tế công cộng TP.HCM là như nhau do đó không thực hiện đăng ký kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm?

- Việc xác định đối tượng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu doanh nghiệp đăng ký kiểm tra trước khi làm thủ tục hải quan thuộc trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu. Các đơn vị căn cứ Điều 7 Nghị định 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ để xác định đối tượng hàng hoá phải kiểm tra, trong điều kiện Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn. Nếu hàng hoá thuộc đối tượng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kiểm tra mới được làm thủ tục. Đơn vị nào làm sai, đơn vị đó chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hậu quả.

- Về giá trị pháp lý của chứng thư giám định: Các tổ chức được chỉ định kiểm tra (theo Quyết định 1370/BYT-QĐ) nếu đã kiểm tra và cấp chứng thư giám định thì lô hàng đó được công nhận về mặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chứng thư đã cấp. Trường hợp tổ chức kiểm tra không kiểm tra mà chỉ xác nhận lô hàng không thuộc đối tượng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì văn bản xác nhận đó không được coi là chứng thư giám định, và không có giá trị pháp lý trong việc xác định đối tượng hàng hoá không phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (chỉ để tham khảo). Chức năng này thuộc cơ quan hải quan như đã nêu trên đây, hoặc nếu quy định hiện hành không rõ thì Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) là cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.

4. Hiện tại Cục Hải quan TP.HCM đang thực hiện đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng thì tạm giải phóng hàng khi có giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, ký thông quan khi có kết quả kiểm tra chất lượng; đối với hàng phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì ký thông quan ngay khi có giấy đăng ký kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm là đúng với quy định hiện hành về 2 lĩnh vực quản lý này.

5. Điều 8 Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ chưa được các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện. Hiện tại vẫn thực hiện cơ chế đăng ký trước, kiểm tra sau đối với các hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá xuất nhập khẩu.

6. Hiện có một số doanh nghiệp chế xuất không thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm do Trung tâm 3 đã xác nhận thực phẩm nhập khẩu, không phải kiểm tra chất lượng:

- Liên quan đến vấn đề này, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM và Công ty TNHH Rượu Thực phẩm đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đề nghị miễn kiểm tra đối với nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, Tổng cục đã có văn bản trao đổi với Bộ Y tế (có gửi cho Hải quan TP.HCM để biết).

- Trong thời gian Bộ Y tế chưa có văn bản giải quyết thì các Chi cục Hải quan làm thủ tục vẫn phải thực hiện đúng quy định hiện hành về kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu. Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM là đơn vị có chức năng chính tiếp nhận đăng ký và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá thực phẩm nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan TP.HCM biết và thực hiện./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Hạnh Thu