Công văn 535/HQHCM-GSQL về nhập khẩu bao bì đựng thực phẩm theo loại hình PMD do Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 535/HQHCM-GSQL
Ngày ban hành 04/03/2011
Ngày có hiệu lực 04/03/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Hữu Nghiệp
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 535/HQHCM-GSQL
V/v nhập khẩu bao bì đựng thực phẩm theo loại hình PMD

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Giám sát quản lý

Trong thời gian qua, qua công tác kiểm tra, phối hợp giữa các đơn vị thuộc Cục, qua báo cáo Cục Hải quan TP.HCM nhận thấy hiện nay các cá nhân, tổ chức thường xuyên nhập khẩu bao bì đựng thực phẩm, đựng thức uống đã in nhãn hiệu, nước sản xuất, hạn sử dụng theo loại hình PMD nhưng không có sản phẩm đi kèm. Để Cục Giám sát quản lý có cơ sở nghiên cứu, xem xét và chỉ đạo, Cục Hải quan TP.HCM báo cáo trường hợp cụ thể như sau:

Tại Chi cục Hải quan Bưu Điện, Doanh nghiệp nhập khẩu theo loại hình không nhằm mục đích kinh doanh 1.250 cái hộp giấy bao bì, hộp đã in hình, in nhãn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hiệu Pine Power Gold do Hàn Quốc sản xuất, có ghi hạn sử dụng trên bao bì.

Theo báo cáo của Chi cục thì Doanh nghiệp nhập liên tục với số lượng 33 lô hàng đều là vỏ hộp đựng thực phẩm chức năng bằng giấy, điều này cho thấy có dấu hiệu không bình thường. Mặc dù Doanh nghiệp có công văn cam kết hàng hóa nhập khẩu chỉ để quảng cáo trưng bày, đồng thời doanh nghiệp cũng xuất trình bản sao “Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm” do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp cho sản phẩm thực phẩm chức năng Pine Power Gold Hàn Quốc sản xuất. Doanh nghiệp chỉ nhập bao bì mà không nhập thực phẩm chức năng. Để giải quyết thủ tục lô hàng này và các lô hàng trước đây. Cục Hải quan TP.HCM gặp vướng mắc về chính sách:

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ thì mặt hàng bao bì đựng thực phẩm không nhằm mục đích kinh doanh không thuộc danh mục cấm nhập khẩu, hoặc nhập khẩu có điều kiện;

Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 của Chính phủ hướng dẫn Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm thì mặt hàng “bao bì chứa đựng thực phẩm” không thuộc danh mục thực phẩm có nguy cơ cao và nếu nhập khẩu theo loại hình quà biếu thì không thuộc đối tượng điều chỉnh tại Nghị định này;

Căn cứ Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 05/03/3007 của Bộ Y tế hướng dẫn Nghị định 163/2004/NĐ-CP về việc ban hành danh mục phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm thì mặt hàng “bao bì chứa đựng thực phẩm bằng giấy, có lớp tiếp xúc trong cùng là chất liệu khác (trừ xenlulo) - mã số 48195000” là mặt hàng nhập khẩu phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Căn cứ các quy định trên đây thì bao bì đựng thực phẩm (nói chung) và bao bì đựng thực phẩm chức năng Pine Power Gold (nói riêng) nhập khẩu theo loại hình quà biếu không cần phải xuất trình “Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm” và cũng không cần phải “kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Nhằm tránh người nhập khẩu lợi dụng kẻ hở của chính sách, chia nhỏ các lô hàng và nhập theo loại hình PMD bao bì đựng thực phẩm không phải xin phép các cơ quan chức năng để làm hàng gian, hàng giả.

Cụ thể như trường hợp nhập 33 lô hàng bao bì tại Chi cục Hải quan Bưu Điện, theo nhận định của Cục Hải quan TP.HCM thì doanh nghiệp làm động tác xin “Công bố chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm chức năng Pine Power Gold do Hàn quốc sản xuất” và khi được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy phép, doanh nghiệp không nhập khẩu sản phẩm theo đúng giấy phép mà chỉ nhập bao bì, sau đó sản xuất thực phẩm chức năng tại Việt Nam (hoặc nhập khẩu trái phép), đóng gói bao bì bằng chính bao bì nhập khẩu và tung hàng ra thị trường với sản phẩm “thực phẩm chức năng Pine Power Gold do Hàn Quốc sản xuất” để đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt cơ quan chức năng bằng Công bố của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm nếu bị các lực lượng chức năng kiểm tra. Theo nhận định của Cục Hải quan TP.HCM thì đây là một thủ đoạn hết sức tinh vi của người nhập khẩu. Vì vậy quan điểm của Cục Hải quan TP.HCM đề nghị Cục Giám sát quản lý trong việc áp dụng chính sách đối với loại hình này như sau:

Đề nghị Cục Giám sát quản lý trao đổi với cơ quan quản lý chuyên ngành trong tình hình gian lận thương mại hiện nay của các đối tượng thì đối với các loại bì bao bì đựng thực phẩm đã in nhãn hiệu, xuất xứ, hạn sử dụng … (nói chung) và đối với trường hợp cụ thể bao bì thực phẩm chức năng (nói riêng) thì dù bất cứ đối tượng nào (nhập theo loại hình mậu dịch hay phi mậu dịch) đều phải liên hệ với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm để đề nghị cấp “Công bố chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm” và phải đăng ký “kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (không phân biệt bao bì đó gián tiếp hay trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm”.

Cục Hải quan TP.HCM báo cáo Cục Giám sát quản lý xem xét và sớm có ý kiến chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- LĐ Cục;
- Các đơn vị;
- Lưu: VT, GSQL, ĐH (5b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Nghiệp