Công văn 5289/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2012-2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 5289/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 16/08/2012
Ngày có hiệu lực 16/08/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5289/BGDĐT-GDTrH
V/v: Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTrH năm học 2012-2013

 Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2012

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Căn cứ Chỉ thị số 2737/CT-BGDĐT ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2012-2013; Quyết định số 1866/QĐ-BGDĐT ngày 17/5/2012 về việc Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2012-2013 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học như sau:

A. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tập trung chỉ đạo đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học, tạo ra sự chuyển biến cơ bản về tổ chức hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường trung học. Chỉ đạo điểm mô hình trường trung học đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục.

2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành gắn với việc đổi mới giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.

3. Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền chủ động của các trường trung học về thực hiện kế hoạch giáo dục; nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục trường trung học, đặc biệt là nâng cao vai trò của các sở GDĐT, phòng GDĐT, trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trong việc thực hiện kỷ cương, nền nếp quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá, thi.

4. Tích cực triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên trung học; chú trọng bồi dưỡng năng lực giáo dục đạo đức, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm đánh giá; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán; chú trọng tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của tổ bộ môn; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc tổ chức, phối hợp giáo dục toàn diện quản lý học sinh.

5. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục THCS và triển khai Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua

1. Các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” bằng những nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp điều kiện từng địa phương, từng cơ sở trường học; gắn với việc đổi mới phương thức giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh tại mỗi địa phương, đơn vị, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về chất lượng giáo dục trung học.

2. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tổ chức tốt hoạt động “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới theo Công văn số 4935/BGDĐT-GDTrH ngày 01/8/2012 về việc hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học nhằm giúp học sinh làm quen với thầy cô giáo, bạn bè, điều kiện học tập và phương pháp dạy học trong nhà trường, tạo nên môi trường học tập thân thiện, tích cực và hiệu quả của học sinh, đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp.

3. Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giáo dục theo chủ điểm, giáo dục truyền thống, giáo dục ngoài giờ lên lớp; xây dựng nếp sống văn hóa, củng cố kỷ cương nền nếp, thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực hiệu quả; hướng dẫn tổ chức tham quan, học tập di sản, các cơ sở sản xuất.

4. Tiếp tục tổ chức tốt, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục – thể thao; hội thi tin học, hùng biện ngoại ngữ...; tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cho học sinh THCS ở một số tỉnh, thành phố; đổi mới phương thức tổ chức các cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay, Giải toán trên Internet, Olympic Tiếng Anh trên Internet, các hoạt động giao lưu,… theo hướng phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, đơn vị; tăng cường tính giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới.

Tiếp tục phối hợp với các đối tác thực hiện tốt các dự án khác như: Dự án Đối thoại Châu Á- Kết nối lớp học, Dự án Access English, Chương trình dạy học Intel;…

II. Thực hiện kế hoạch giáo dục

1. Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục:

1.1. Tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá thường xuyên chương trình, sách giáo khoa THCS, THPT; so sánh các nội dung giữa các môn học để tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung dạy học theo hướng tích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương.

1.2. Tăng cường phân cấp và hướng dẫn các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian 37 tuần thực học, trong đó: học kỳ I: 19 tuần, học kỳ II: 18 tuần, phù hợp với điều kiện của địa phương và từng trường trên cơ sở đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất cả nước, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành và kiểm tra định kì.

1.3. Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày: Căn cứ vào Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 về việc hướng dẫn học 2 buổi/ngày đối với các trường THCS, THPT, các Sở GDĐT cần chỉ đạo các trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, bố trí và huy động được kinh phí tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nội dung dạy học 2 buổi/ngày cần tập trung vào phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; giãn thời gian với các nội dung dài, khó dưới sự hướng dẫn của giáo viên; tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; hoạt động văn nghệ, thể thao phù hợp đối tượng học sinh.

Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường nội trú cần tổ chức dạy học 2 buổi/ngày triệt để hơn, ngoài các nội dung dạy học đã nêu trên cần tập trung vào việc tăng cường dạy tiếng Việt, kỹ năng sống... cho các em.

1.4. Tổ chức dạy học ngoại ngữ

a) Môn tiếng Anh:

+ Các trường đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và quản lí được lựa chọn tham gia thí điểm dạy tiếng Anh lớp 6 theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

+ Đối với các trường khác: Tiếp tục thực hiện như hướng dẫn năm học 2010-2011 về dạy học ngoại ngữ trong trường THCS, THPT; tích cực chuẩn bị điều kiện để có thể sớm chuyển sang dạy theo chương trình mới.

+ Các trường có đủ điều kiện về giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” cho học sinh lớp 10, năm học 2013-2014.

b) Đối với môn tiếng Pháp: Triển khai thực hiện Quyết định 4113/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2009 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc phê duyệt Kế hoạch giáo dục áp dụng cho Chương trình song ngữ tiếng Pháp và môn tiếng Pháp ngoại ngữ 2 và Công văn số 3034/BGDĐT-GDTrH ngày 01/6/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc Hướng dẫn thực hiện Chương trình song ngữ tiếng Pháp.

c) Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện dạy thí điểm tiếng Nhật, tiếng Đức: Thực hiện dạy học theo kế hoạch của các dự án thí điểm.

[...]