Công văn 5255/BNN-CBTTNS năm 2022 về giải pháp kiềm chế giá các loại vật tư nông nghiệp, bình ổn giá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 5255/BNN-CBTTNS |
Ngày ban hành | 11/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 11/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Lê Minh Hoan |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
BỘ NÔNG NGHIỆP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5255/BNN-CBTTNS |
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022. Nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 20)
Cử tri tiếp tục kiến nghị có giải pháp kiềm chế giá các loại vật tư nông nghiệp, bình ổn giá, có chính sách trợ giá lúa, xúc tiến thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, giúp người nông dân an tâm sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:
Nhằm kiềm chế giá các loại vật tư nông nghiệp, bình ổn giá các mặt hàng nông sản thiết yếu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân an tâm sản xuất. Cụ thể như sau:
1. Đối với vật tư nông nghiệp
- Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất: (i) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; chỉ đạo các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp; (ii) Phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu (về nguồn hàng, ưu tiên về giá, chất lượng, vận chuyển, lưu thông) nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm tái đàn, phục hồi sản xuất;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
2. Về thúc đẩy tiêu thụ nông sản
- Minh bạch thông tin thị trường: Trong thời gian tới, triển khai hiệu quả “Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản” trên phạm vi các địa phương, Hiệp hội trong cả nước để làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu nông sản, qua đó đưa ra các kịch bản tiêu thụ, giải pháp cần thiết để điều tiết cung cầu đối với từng nhóm hàng và từng khu vực trong mọi tình huống khác nhau.
- Tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, khai thác tối đa các kênh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian: (i) Phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có sản lượng lớn, thu hoạch tập trung; (ii) Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản các địa phương tham gia các hoạt động trực tuyến (hội chợ, tuần lễ quảng bá, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm); (iii) Phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương.
- Tập trung vào các hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc (thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)…
- Tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp, hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch, tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết và theo tín hiệu thị trường để vừa đảm bảo nguồn cung ổn định, không bị đứt gãy, vừa hạn chế sự tồn đọng, giúp người nông dân an tâm đầu tư sản xuất, có thu nhập ổn định và có lãi; Chủ động theo dõi sát tình hình và cung cấp thông tin định kỳ/đột xuất cho Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính p hủ, Tổ Điều hành Thị trường trong nước để thông tin, dự báo và khuyến cáo về sản xuất và thị trường các mặt hàng nông sản, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; cập nhật các khuyến nghị của thị trường nhập khẩu để các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đạt chuẩn theo đúng quy định của thị trường các nước.
Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và các Bộ ngành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh Long An: (i) Chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành; có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp, tổ chức sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm với sản phẩm đặc trưng của địa phương; (ii) Chủ động tổ chức kết nối nông dân, hợp tác xã sản xuất với doanh nghiệp thu mua chế biến, xuất khẩu và phân phối nông sản.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri tỉnh Long An; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Long An đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |