Công văn 516/TTCP-V.I năm 2014 thanh tra tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 516/TTCP-V.I
Ngày ban hành 17/03/2014
Ngày có hiệu lực 17/03/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Ngô Văn Khánh
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 516/TTCP-V.I
V/v thanh tra về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn NSNN, TPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ;
- Chủ tịch UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện biện pháp tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ (Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ).

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 và Kế hoạch thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả trên phạm vi cả nước, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương thực hiện trong năm 2014 các nội dung sau:

1. Giao cơ quan thanh tra, các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ ( theo Đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ gửi kèm theo).

2. Báo cáo việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được quy định tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

3. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Chính phủ theo tiến độ nêu trong Đề cương hướng dẫn; Báo cáo kết quả thanh tra bản chính và file mềm gửi về Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành - Vụ I, Thanh tra Chính phủ (địa chỉ: Lô 29D đường Trần Thái Tông, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và địa chỉ mail: vu1.thanhtrachinhphu@gmail.com).

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị thông tin, báo cáo về Thanh tra Chính phủ (Vụ I) để phối hợp xử lý.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg CP Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Tổng Thanh tra Chính phủ (để b/c);
- Kiểm toán Nhà nước (để phối hợp);
- Các Phó Tổng TTCP;
- Lưu: VT; Vụ I; Vụ KH, TC-TH.

KT. TỔNG THANH TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA




Ngô Văn Khánh

 

ĐỀ CƯƠNG HƯỚNG DẪN

THANH TRA CHUYÊN ĐỀ DIỆN RỘNG VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XỬ LÝ NỢ ĐỌNG TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Văn bản số 516/TTCP-V.I ngày 17/3/2014 của Thanh tra Chính phủ)

PHẦN I: KHÁI QUÁT CHUNG

Việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, trong khi, vốn ngân sách nhà nước hiện nay và trong thời gian tới rất hạn hẹp do dự báo tình hình thu ngân sách tiếp tục khó khăn; vốn trái phiếu Chính phủ không thể phát hành tăng thêm nhiều để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, dư nợ công ở mức cho phép. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ (Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ); tại các chỉ tiêu này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thanh tra:

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc lập, thẩm định, phê duyệt và phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; trong đó, tập trung kiểm tra việc phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án có mức độ thay đổi tổng mức đầu tư lớn.

- Tổ chức việc công bố công khai các kết luận thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm túc công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật; đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Thanh tra là một trong những công cụ thiết yếu của quản lý nhà nước, qua thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật, góp phần ngăn ngừa và chống tham nhũng; phát hiện những thiếu sót, sơ hở trong quá trình ban hành cơ chế chính sách, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý, từ đó có những biện pháp chấn chỉnh quản lý.

Từ thực trạng và những căn cứ trên, việc tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Định hướng thanh tra năm 2014.

Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng theo Đề cương nêu tại Phần II.

PHẦN II: ĐỀ CƯƠNG THANH TRA CHUYÊN ĐỀ DIỆN RỘNG

I. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH THANH TRA

1. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích:

- Thanh tra để phát hiện nhũng sơ hở, yếu kém, vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức cá nhân khác trong việc thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua;

- Qua thanh tra kiến nghị điều chỉnh những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nhằm tăng cường quản lý đầu tư, xử lý và giảm nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013;

- Đề xuất với Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

[...]