Công văn 5138/BGDĐT-GDĐH báo cáo công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 5138/BGDĐT-GDĐH
Ngày ban hành 07/10/2022
Ngày có hiệu lực 07/10/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Kim Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5138/BGDĐT-GDĐH
V/v báo cáo công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trân trọng báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học (ĐH) và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (CĐ) năm 2022 như sau:

1. Về công tác chuẩn bị triển khai thực hiện

a) Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản[1]: Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu, Quy chế tuyển sinh, Kế hoạch tuyển sinh, Công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh và các Công văn đôn đốc triển khai thực hiện.

b) Quy chế tuyển sinh năm 2022 có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật sau:

- Thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ sau khi đã thi tốt nghiệp THPT và thời gian đăng ký kết thúc khi thí sinh đã được thông báo kết quả phúc khảo điểm thi THPT (năm 2021 đăng ký xét tuyển vào đại học thực hiện cùng thời điểm với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT);[2]

- Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển của tất cả phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung (Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia - gọi chung là Hệ thống), bao gồm cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển sớm đã được cơ sở đào tạo (CSĐT) thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT);[3]

- Việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, nộp lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống;[4]

- Các CSĐT tổ chức xét tuyển sớm, tải danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) lên hệ thống để xử lý nguyện vọng chung giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển;

- Từ năm 2023 áp dụng chính sách giảm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao (từ 22,5 điểm trở lên khi quy đổi theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn) nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, CĐ.

c) Tuyên truyền, phổ biến Quy chế tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện về công nghệ thông tin để triển khai công tác tuyển sinh

- Bộ GDĐT cùng các CSĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh năm 2021, rút kinh nghiệm về các vướng mắc trong tuyển sinh năm 2021 và các năm trước, thống nhất điều chỉnh, bổ sung Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn ban hành năm 2022; tổ chức tập huấn về Quy chế tuyển sinh, Hệ thống phần mềm tuyển sinh; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và các CSĐT để truyền thông và giải đáp các băn khoăn cho thí sinh; trước các đợt đăng ký xét tuyển, xử lý nguyện vọng, thí sinh và CSĐT đều được thực hành trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (như làm chính thức);

- Bộ GDĐT tổ chức nâng cấp, hoàn thiện và vận hành Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung; kết nối hệ thống của Bộ GDĐT với Cổng dịch vụ công Quốc gia qua nền tảng thanh toán trực tuyến (do Văn phòng Chính phủ quản lý), thống nhất về quy trình thực hiện đối với CSĐT;

- CSĐT nhập dữ liệu thông tin về tuyển sinh và các điều kiện sơ tuyển vào Hệ thống;

- CSĐT tải dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh phục vụ cho xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển.

2. Về việc thanh toán lệ phí xét tuyển theo hình thức trực tuyến

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ GDĐT tổ chức xây dựng, kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến nguyện vọng xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT trên Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia được kết nối với 15 đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính viễn thông (làm đầu mối) trong việc thu lệ phí xét tuyển do các CSĐT trên cả nước ủy quyền; các CSĐT, các sở GDĐT xây dựng và thống nhất quy chế phối hợp hỗ trợ trong công tác tuyển sinh về việc rà soát cơ sở dữ liệu của thí sinh: đối tượng, khu vực ưu tiên, cơ sở dữ liệu ngành, xử lý nguyện vọng xét tuyển.

Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện thanh toán số, với số lượng thí sinh đông (trên 400.000) và phần lớn chưa được làm quen với phương thức thanh toán trực tuyến vì vậy các CSĐT, sở GDĐT, trường phổ thông, Bộ GDĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn để tạo thuận lợi tốt nhất có thể cho thí sinh thực hiện quy định này.

Việc nộp lệ phí tại thời điểm sau khi thí sinh đã chốt việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển để đảm bảo quyền lợi thí sinh (sau khi thí sinh có nhu cầu điều chỉnh tăng hoặc giảm số nguyện vọng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu).

Việc kéo dài dài thời gian và phân tải theo địa phương để thí sinh nộp lệ phí trực tuyến do quá tải của nền tảng thanh toán trực tuyến, Bộ GDĐT đã thông báo kịp thời, rộng rãi về vấn đề này và tổ chức hỗ trợ cho thí sinh, đảm bảo quá trình thanh toán thông suốt, việc điều chỉnh này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh hoàn toàn không gây khó khăn cho thí sinh, đồng thời không ảnh hưởng đến kế hoạch xét tuyển theo kế hoạch chung đã ban hành.

Với các thí sinh chưa nộp lệ phí (không phân biệt lý do), đã được nhắc nhở, đôn đốc tiếp tục hoàn thành việc nộp lệ phí trên hệ thống, kết quả có trên 97% tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đã hoàn thành việc nộp lệ phí trực tuyến theo quy định.

Số kinh phí thu từ thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT về tài khoản của 02 CSĐT đại diện thu nhận theo ủy quyền của các CSĐT trên cả nước sẽ được chi trả về cho các đơn vị liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ đã được quy định tại quy chế phối giữa các CSĐT và các địa phương, trong đó chủ yếu chi trả cho các địa phương để phục vụ địa phương thực hiện các nhiệm vụ: tư vấn, hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển; rà soát cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên (khu vực ưu tiên của trường THPT, danh mục xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn); rà soát thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển; kiểm tra, rà soát, xác nhận khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên cho thí sinh; kiểm tra và thông báo cho thí sinh các nguyện vọng không hợp lệ; giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại của thí sinh; đôn đốc, hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí tuyển sinh đúng thời hạn; cập nhật, rà soát kết quả học tập cấp THPT được đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành; hướng dẫn thí sinh xác nhận nhập học, v.v; tiếp đến là chuyển trả về các CSĐT phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức xét tuyển; chuyển trả về Cục Công nghệ thông tin (Bộ GDĐT) phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ: nâng cấp và vận hành hệ thống, thuê máy chủ lưu dữ liệu tuyển sinh các năm, thuê đường truyền phục vụ công tác hỗ trợ tuyển sinh chung, v.v.

3. Đánh giá quá trình triển khai và kết quả

a) Đánh giá chung

Việc xác nhận nhập học tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 1 năm 2022 đã kết thúc vào ngày 30/9. Điểm mới đột phá năm nay đó là hệ thống công nghệ, thực hiện tất cả quy trình tuyển sinh trên môi trường số (có kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia). Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 06/QĐ-TTg[5] (phần tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã được triển khai trước đó trong tháng 4, tháng 5/2022).

Đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã rất thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả đúng như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch.

Các em thí sinh là những người được hưởng lợi nhất: được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các CSĐT công bố; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn, nộp lệ phí xét tuyển theo số nguyện vọng đăng kí, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất.

Các CSĐT được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm lớn, đồng nghĩa với việc các CSĐT tuyển sát hơn với số chỉ tiêu đã công bố. Hơn nữa, nhìn một cách logic, cơ hội lựa chọn và cơ hội trúng tuyển của thí sinh càng cao thì các CSĐT cũng sẽ tuyển được nhiều thí sinh phù hợp nhất.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ