Công văn 4979/VPCP-KSTT năm 2018 về chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 4979/VPCP-KSTT |
Ngày ban hành | 28/05/2018 |
Ngày có hiệu lực | 28/05/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Tùng |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 4979/VPCP-KSTT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 5 năm 2018 |
Kính gửi: |
Các Bộ: Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an; Quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 4798/BC-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2018 về chuẩn hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong triển khai áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Các Bộ, ngành:
- Hoàn thành việc ban hành, công bố, công khai Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng (nhóm 2) bảo đảm thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; cắt giảm tối đa tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, mỗi mặt hàng đều phải được gắn một mã số HS; công khai tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như căn cứ pháp lý thực hiện kiểm tra.
- Rà soát, sửa đổi các thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đáp ứng tiêu chí quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), hoàn thành trong Quý I năm 2019, trong đó, các thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải bảo đảm:
+ Quy định rõ quy trình kiểm tra trước thông quan và sau thông quan trên cơ sở Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; sản phẩm, hàng hóa kiểm tra trước thông quan phải là sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ cao, trực tiếp ảnh hưởng đến dịch bệnh, truyền nhiễm, sức khỏe người dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục và môi trường.
+ Quy định rõ trình tự, thời gian, các bước thực hiện đối với từng thủ tục gắn với trách nhiệm của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, với các cơ quan, tổ chức tham gia vào quy trình kiểm tra; xác định rõ các trường hợp cơ quan kiểm tra phải lấy mẫu hàng hóa để thử nghiệm, kiểm tra, thời gian lấy mẫu, tỷ lệ lấy mẫu, cách thức lấy mẫu, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia lấy mẫu, gửi kết quả thử nghiệm.
+ Quy định rõ cách thức thực hiện, yêu cầu về thành phần hồ sơ, đơn giản tối đa quy định về thành phần hồ sơ; công khai cách thức nộp các khoản phí, lệ phí (nếu có) theo phương thức điện tử phù hợp với cách thức thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
+ Quy định rõ các điều kiện, tiêu chí miễn kiểm tra, giảm kiểm tra hay kiểm tra chặt làm cơ sở đánh giá mức độ rủi ro, phân luồng hàng hóa, áp dụng phương thức kiểm tra phù hợp đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan cho hàng hóa có mức độ rủi ro thấp.
+ Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với các trường hợp chưa thể ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân, giải pháp, lộ trình thực hiện sau khi đã có đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan trước ngày 31 tháng 12 năm 2018.
+ Thực hiện nguyên tắc phân định trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa xuất, nhập khẩu theo sản phẩm, hàng hóa thay vì theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, đảm bảo không chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, phải quy định rõ trách nhiệm phối hợp, thời gian phối hợp, đảm bảo chỉ cấp một kết quả cho doanh nghiệp đối với một mặt hàng, một lô hàng.
- Sớm đưa tất cả các thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành vào áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đáp ứng tiến độ tại Quyết định 2185/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, huy động các tổ chức đánh giá sự phù hợp tham gia áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia trong quá trình giải quyết thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Công bố đầy đủ, chính xác, đúng quy định các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý và công khai đầy đủ, chính xác thủ tục hành chính đã công bố trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông: tiến hành các thủ tục cần thiết để bãi bỏ thủ tục “Cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện”; phối hợp với Bộ Tài chính dừng ngay việc triển khai thủ tục này trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước.
3. Bộ Y tế: tiến hành các thủ tục theo quy định để bãi bỏ hiệu lực của Thông tư số 30/2015/TT-BYT, báo cáo cấp có thẩm quyền việc sửa đổi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong Quý III năm 2018 đảm bảo quy định thống nhất, rõ ràng, minh bạch thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, phân biệt rõ các trường hợp cụ thể cần phải có giấy phép nhập khẩu.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: rà soát các mặt hàng thuộc diện cấp phép, quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành khác nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng, phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện quy trình, thủ tục cấp phép nhập khẩu các mặt hàng các Bộ, ngành có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2018.
5. Bộ Tài chính:
- Công bố, công khai đầy đủ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam gắn với mã HS trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện chức năng của Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ, lưu trữ, trao đổi thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
- Thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo công khai thống nhất, cập nhật thường xuyên, đúng quy định, tiết kiệm nguồn nhân lực cập nhật thủ tục hành chính, đồng thời giúp doanh nghiệp có đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ: rà soát, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đẩy nhanh việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai và giải pháp thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2018.
7. Văn phòng Chính phủ:
- Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện đúng các quy định về công bố, công khai thủ tục hành chính; thực hiện kiểm soát chất lượng thủ tục hành chính do các Bộ công bố và công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong thực hiện rà soát, sửa đổi các quy định thủ tục cấp phép, kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu và ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
(Bản chụp văn bản số 4798/BC-VPCP ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ gửi kèm theo để thực hiện)
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |