Công văn 479/BTP-PBGDPL về thực hiện trong năm 2020 Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 479/BTP-PBGDPL
Ngày ban hành 17/02/2020
Ngày có hiệu lực 17/02/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Phan Chí Hiếu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 479/BTP-PBGDPL
V/v thực hiện trong năm 2020 Đ án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” (viết tắt là Đề án), Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020 tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc biên soạn, biên dịch, phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; các tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của địa phương.

2. Tổ chức tập huấn phương pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp huyện.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện: (i) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên, vận động, thuyết phục đội ngũ luật sư, luật gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; tiến hành bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên đối với những tổ hòa giải còn thiếu hòa giải viên hoặc có hòa giải viên hoạt động mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; (ii) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp hòa giải do Bộ Tư pháp ban hành.

4. Căn cứ tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, thực hiện các hoạt động sau tại các đơn vị cấp xã được địa phương lựa chọn chỉ đạo điểm: (i) Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ (tổ chức các lớp tập huấn, cấp phát tài liệu; tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm...) cho hòa giải viên; hỗ trợ nguồn lực thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp giá trị tài sản lớn, tranh chấp đất đai và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; (ii) Hỗ trợ, huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên; (iii) Các hoạt động khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; (iv) Xây dựng báo cáo đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo điểm năm 2020 tại địa phương.

5. Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, khen thưởng những hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở điển hình xuất sắc, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hòa giải ở cơ sở.

6. Bố trí kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án trong năm 2020 từ nguồn Ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn huy động hợp pháp khác theo tinh thần xã hội hóa; báo cáo kết thực hiện Đề án (có thể lồng ghép trong báo cáo công tác tư pháp năm 2020) gửi về Bộ Tư pháp.

7. Đối với các hoạt động thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp tổ chức tại địa phương (tập huấn, kiểm tra, thực hiện chỉ đạo điểm của Trung ương...), đề nghị chỉ đạo sở, ban, ngành có liên quan phối hợp, hỗ trợ thực hiện.

Trên đây là hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc thực hiện trong năm 2020 Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số điện thoại 024.62739471) để cùng phối hợp tháo gỡ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (để phối hợp);
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội (để phối hợp);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để tham mưu thực hiện);
- Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu