Công văn 4715/BNN-KH năm 2022 rà soát các dự án đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn kém hiệu quả chuyển sang hỗ trợ tăng cường nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4715/BNN-KH
Ngày ban hành 21/07/2022
Ngày có hiệu lực 21/07/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4715/BNN-KH
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam, do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 101): Đề nghị rà soát các dự án đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn kém hiệu quả chuyển sang hỗ trợ tăng cường nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; đồng thời có văn bản chỉ đạo cụ thể hơn trong xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau: Đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương lớn, xuyên suốt được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó có cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất. Cụ thể như sau:

1. Thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo Nghị quyết 26/2012/QH13 của Quốc hội; các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình mục tiêu; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, số 89/2015/NĐ-CP và số 17/2018/NĐ-CP về phát triển thủy sản; Quyết định số 98/2018/NĐ-CP về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...). Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua thực hiện các dự án hưởng hỗ trợ, ưu đãi từ các chính sách theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; phát triển khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo các Quyết định: số 1859/QĐ-TTg ngày 17/12/2012, số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018...

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện Kế hoạch đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư công phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1440/QĐ-BNN-KH ngày 27/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT), Bộ Nông nghiệp và PTNT đa rà soát kỹ, đánh giá hiệu quả, quyết định chủ trương đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án được giao quản lý theo quy định của pháp luật đầu tư công. Nhờ thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020 Bộ thực hiện 296 dự án, trong đó vốn Ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ 256 dự án, vốn ODA 40 dự án), thời gian qua hệ thống hạ tầng nông lâm thủy sản được ưu tiên đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa1.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc không có nguồn lực để thực hiện; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân nông thôn (5 năm sau chỉ tăng 1,9 lần so với 5 năm trước; trong khi yêu cầu của Nghị quyết là tối thiểu tăng gấp 2 lần).

Đối với việc hỗ trợ tăng cường nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 11, Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN.

2. Nhờ hệ thống cơ chế, chính sách được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ2, và hướng dẫn kịp thời của Bộ Nông nghiệp và PTNT3, thời gian qua hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản đã mang lại hiệu quả rõ rệt; nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nông dân và các tác nhân khác trong chuỗi. Đây được coi là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Đến nay đã xây dựng và phát triển trên 1.640 mô hình chuỗi; trong đó có trên 150 hợp tác xã, 300 công ty tham gia.

Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất gắn với phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn, tập trung, quy mô lớn, phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn 14 tỉnh với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng, thủy sản (tôm). Trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 bố trí 440 tỷ đồng NSNN (trong tổng mức vốn huy động của Đề án trên 2.200 tỷ đồng, bao gồm cả sự đóng góp của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) hỗ trợ hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ liên kết; ưu tiên hỗ trợ hạ tầng logistics, kho bãi, silo tập trung nguyên liệu, cho các HTX phục vụ sơ chế, chế biến, phân loại, bảo quản nông sản, thúc đẩy liên kết và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, hợp tác công - tư.

Tuy nhiên, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ ở nhiều địa phương còn chậm...

3. Thời gian tới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Trong đó tập trung các nội dung sau:

(1) Hoàn thiện chính sách huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực chất và thiết thực hơn, tạo động lực mới cho phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư... Đồng thời, đổi mới cơ cấu và cơ chế đầu tư công phù hợp và phục vụ trực tiếp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Tăng đầu tư NSNN giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020. Tăng cường chính sách hỗ trợ gián tiếp cho nông dân theo hướng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị.

(2) Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả và các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Nhân rộng các mô hình sản xuất mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án nâng cao vai trò vị thế của hợp tác xã trong các chuỗi và vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam; trân trọng cám ơn cử tri tỉnh Hà Nam đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam để trả lời cử tri./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- Văn phòng Bộ (Phòng TH);
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 



1 Các công trình thủy lợi đã tăng dung tích hồ chứa thêm 1,4 tỷ m3; diện tích tưới trực tiếp tăng thêm 80,5 nghìn ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho 1,1 triệu ha; củng cố, tu bổ 1.320 km đê; 5.482 hồ chứa vừa và nhỏ được đảm bảo an toàn. Công suất neo đậu tránh trú bão tăng thêm 3.700 tàu, công suất cảng cá tăng thêm 620 lượt tàu/ngày, diện tích NTTS tập trung tăng thêm 8.820 ha.

2 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 về Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025...

3 Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 4163/QĐ-BNN-KTHT về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Kế hoạch số 6390/KH-BNN-KTHT ngày 17/8/2018 về Kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã, liên hiệp HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp.

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ