Công văn 470/LĐTBXH-QHLĐTL năm 2023 về rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 470/LĐTBXH-QHLĐTL
Ngày ban hành 21/02/2023
Ngày có hiệu lực 21/02/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 470/LĐTBXH-QHLĐTL
V/v rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ngày 12 tháng 6 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 01 tháng 07 năm 2022. Để có căn cứ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong thời gian tới theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức nắm tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, trong đó:

a) Đối với lương tối thiểu theo tháng, đề nghị rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức lương tối thiểu, trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP (nhất là thỏa thuận về trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu); đánh giá khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mức lương tối thiểu và trả lương cho người lao động.

b) Đối với lương tối thiểu theo giờ, đề nghị đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các doanh nghiệp sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương tối thiểu theo giờ; khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực/ngành nghề thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phổ biến của các công việc trên; đánh giá thuận lợi, khó khăn và tác động của doanh nghiệp, người lao động sau khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu theo giờ.

2. Rà soát, đánh giá việc điều chỉnh phân vùng hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh phân vùng thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp trao đổi bằng văn bản với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp tỉnh, các Hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, báo cáo để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến gửi về Bộ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ghi nhận những đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi đã thực hiện theo quy trình nêu trên để báo cáo Chính phủ.

3. Cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, cung - cầu lao động trên địa bàn trong Quý I năm 2023 (đặc biệt là sau Tết Âm lịch); dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới; đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện và gửi báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 4 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, Cục
QHLĐTL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Thanh