Công văn 4698/TCHQ-GSQL năm 2023 hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 4698/TCHQ-GSQL |
Ngày ban hành | 11/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Nguyễn Văn Thọ |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4698/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2023 |
Kính gửi: Bộ Công Thương.
Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và hoạt động mua bán của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam. Để có cơ sở giải quyết các vướng mắc và báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Công Thương về việc thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam mua hàng của doanh nghiệp nội địa sau đó bán hoặc giao hàng cho doanh nghiệp nội địa khác (hàng hóa được giao nhận trực tiếp giữa 02 doanh nghiệp nội địa) như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 181 Luật Thương mại 2005 thì “bên đặt gia công được bán, tiêu hủy, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật”.
Căn cứ quy định tại Điều 182 Luật Thương mại 2005 thì “bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo ủy quyền của bên đặt gia công”.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 182 Luật Thương mại 2005, điểm c khoản 2 Điều 42 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định quyền của bên nhận gia công được “cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá”.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ bao gồm:
“a) Hàng hóa đặt gia công tại Việt Nam và được tổ chức, cá nhân nước ngoài đặt gia công bán cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;
b) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
Căn cứ quy định tại Điều 43 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP thì:
“Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp, cụ thể như sau:
1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.
2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.”
Đối chiếu quy định tại Điều 4 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 của Chính phủ và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2012/TT-BCT ngày 27/9/2012 của Bộ Công Thương thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền cấp quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu khi thực hiện mua hàng hóa để xuất khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu với thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh các loại hàng hóa đó theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Luật Thương mại 2005, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP và khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP phát sinh trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động mua hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam này để bán hoặc giao hàng hóa đó cho doanh nghiệp Việt Nam khác (hàng hóa nằm trong lãnh thổ Việt Nam khi các bên thực hiện các hoạt động mua bán, giao nhận) thì có được hiểu là đang thực hiện quyền kinh doanh quy định tại Điều 4 Nghị định số 90/2007/NĐ-CP dẫn trên hay không.
Để thống nhất thực hiện, Tổng cục Hải quan đề nghị Quý Bộ cho biết ý kiến đối với vướng mắc nêu trên. Cụ thể, theo các cam kết quốc tế và pháp luật thương mại, quản lý ngoại thương thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam có được mua hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam này để bán hoặc giao hàng hóa đó cho doanh nghiệp Việt Nam khác hay không? Nếu được thì thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện gì?
Tổng cục Hải quan trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ và xin nhận lại ý kiến phản hồi trước ngày 20/9/2023 để hướng dẫn các đơn vị thực hiện thống nhất và báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cho phù hợp./.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |