Công văn hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về chống buôn lậu theo Nghị quyết số 85/CP-m ngày 11/7/1997 của Chính phủ

Số hiệu 4695/TM/QLTT
Ngày ban hành 24/10/1997
Ngày có hiệu lực 24/10/1997
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Đỗ Như Đính
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán,Vi phạm hành chính,Trách nhiệm hình sự,Giao thông - Vận tải

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4695/TM/QLTT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 4695/TM/QLTT NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH VỀ CHỐNG BUÔN LẬU THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 85/CP-M NGÀY 11-7-1997 CỦA CHÍNH PHỦ

 

Thi hành Nghị quyết 85/CP-m ngày 11-7-1997 của Chính phủ về chống buôn lậu và Chỉ thị số 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ, liên Bộ Thương mại - Nội vụ - Tài chính - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/1997/TTLT-BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21-10-1997 hướng dẫn thực hiện việc chống buôn lậu và phối hợp lực lượng chống buôn lậu.

Để thực hiện các chủ trương và biện pháp chống buôn lậu theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch nói trên, Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch về chống buôn lậu trong ngành Thương mại như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Đấu tranh chống buôn lậu để giữ vững kỷ cương, phép nước, lập lại trật tự trong hoạt động thương mại là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của Nhà nước ta. Trước mắt, từ nay cho đến hết quý I/1998, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thương mại, các Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành ngay việc tổng kiểm tra để chống các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là các hoạt động buôn lậu có tổ chức. Đợt tổng kiểm tra này nhằm đặt mục đích yêu cầu sau:

1. Ngăn chặn ngay và có hiệu quả hàng hoá nhập lậu qua biên giới vào nước ta, kiểm tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với hàng hoá nhập lậu đang lưu thông ở thị trường nội địa, góp phần lành mạnh hoá thị trường, bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

2. Góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh, trước hết là việc chấp hành chế độ đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, chế độ sổ sách, chứng từ hoá đơn, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

3. Thực hiện việc tổng kiểm tra một cách có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, không gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

4. Các đơn vị kinh doanh ngành Thương mại không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu, không kinh doanh hàng nhập lậu trên thị trường.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC VỤ, CỤC CHỨC NĂNG VÀ CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG NGÀNH

Bộ Thương mại yêu cầu các Vụ, Cục, Ban thuộc Bộ, các Sở Thương mại, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và thủ trưởng các đơn vị kinh doanh trong ngành, quán triệt sâu sắc Nghị quyết 85/CP-m của Chính phủ, Chỉ thị 853/1997/CT-TTg ngày 11-10-1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch về chống buôn lậu và thực hiện tốt các việc sau:

1. Các cơ quan thuộc Bộ:

1.1. Vụ Xuất nhập khẩu:

- Rà soát lại các quy định về cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu đã ban hành cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, không để bọn buôn lậu lợi dụng cơ chế để buôn lậu, gian lận thương mại.

- Soát xét lại việc cấp hạn ngạch xuất nhập khẩu sao cho phù hợp với nhu cầu sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và đảm bảo ổn định thị trường, ưu tiên cho phát triển sản xuất trong nước.

- Vụ Xuất nhập khẩu chủ trì cùng Vụ Châu á - Thái Bình Dương và các Cục, Vụ liên quan hoàn chỉnh lại dự thảo Quy chế buôn bán qua biên giới Việt - Trung để ban hành.

- Có kế hoạch cụ thể rà soát lại quy định về tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh.

- Phối hợp với Hải quan xem xét lại các quy định đối với những hàng hoá, phương tiện của các cơ quan, tổ chức người nước ngoài đưa vào Việt Nam sử dụng hết thời hạn phải tái xuất; hàng phi mậu dịch; quy chế kho ngoại quan... để góp phần chống buôn lậu.

1.2. Vụ Đầu tư:

- Soát xét lại tình hình thực hiện giấy phép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hoá.

- Rà soát lại những quy định về cơ chế, chính sách và tình hình thực hiện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công hàng xuất khẩu; việc tạm nhập tái xuất máy móc thiết bị để sản xuất hàng gia công; tỷ lệ nhập nguyên, phụ liệu cho sản xuất, và tái xuất hàng gia công của các doanh nghiệp.

1.3. Vụ Tài chính kế toán:

Chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ, Cục Quản lý thị trường và các Vụ liên quan có kế hoạch và biện pháp tổng kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thương mại trực thuộc Bộ về thu chi tài chính và hạch toán kế toán có liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Trước hết kiểm tra ngay các doanh nghiệp, cửa hàng, quầy hàng có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, tiêu thụ hàng ngoại không đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

1.4. Vụ Chính sách thị trường trong nước:

- Sớm hoàn chỉnh Quy chế chợ biên giới để ban hành.

- Phối hợp với Vụ Tài chính - kế toán và các Vụ, Cục thuộc cơ quan Bộ trong việc chống buôn lậu.

[...]