Thứ 5, Ngày 31/10/2024

Công văn 4648/LĐTBXH-BVCSTE về việc tổng hợp ý kiến trả lời câu hỏi tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 4648/LĐTBXH-BVCSTE
Ngày ban hành 07/12/2009
Ngày có hiệu lực 07/12/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Đàm Hữu Đắc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 4648/LĐTBXH-BVCSTE
V/v Tổng hợp ý kiến trả lời câu hỏi tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2009

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Diễn đàn Quốc gia “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em” năm 2009 đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với 5 tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức từ ngày 31/7 đến 04/8/2009 ở Hà Nội. Sáng ngày 04/8/2009 đã diễn ra phiên đối thoại giữa trẻ em tham dự diễn đàn với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì với sự tham gia của Lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành, địa phương.

Tại Phiên đối thoại, 20 câu hỏi về những vấn đề trẻ em quan tâm và còn băn khoăn gửi tới các bác Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành đoàn thể, các tổ chức quốc tế đã được giải đáp. Tuy nhiên, do thời gian có hạn và do một số Bộ, ngành liên quan không cử đại diện tham dự phiên đối thoại nên một số câu hỏi của trẻ em liên quan đến trách nhiệm của các Bộ ngành chưa được giải đáp đầy đủ. Vì vậy, sau khi diễn đàn kết thúc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 3215/LĐTBXH-BVCSTE ngày 28/8/2009 gửi các Bộ ngành xem xét, trả lời bổ sung những nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ ngành. Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được công văn trả lời của 5 Bộ, bao gồm Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp nội dung trả lời của các Bộ để trả lời cho trẻ em và báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Có văn bản kèm theo).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan;
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân;
- Các Bộ Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, BVTE (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Đàm Hữu Đắc

 

TỔNG HỢP Ý KIẾN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA TRẺ EM TẠI DIỄN ĐÀN TRẺ EM QUỐC GIA NĂM 2009

(Kèm theo công văn số 4648/LĐTBXH-BVCSTE ngày 07 tháng 12 năm 2009)

Những câu hỏi của trẻ em về các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, cùng với các giải pháp khắc phục đã được các Bộ giải đáp và làm rõ. Dưới đây là tổng hợp nội dung trả lời của các Bộ.

I. TRẢ LỜI CỦA BỘ CÔNG AN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ (Công văn số: 2363/BCA-C11 ngày 07/10/2009)

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 – 2010; Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004, đặc biệt là thực hiện Đề án 4 Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên” từ năm 2001 – 2010; thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010, với sự cố gắng nỗ lực của toàn lực lượng Công an cả nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các Bộ ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.

Tội phạm xâm hại trẻ em (XHTE) và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên từng bước được kiềm chế và giảm dần. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc gia tăng tính chất, mức độ ngày một nghiêm trọng hơn, đang là mối quan tâm sâu sắc của gia đình, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

Trung bình hàng năm, xảy ra 1.500 vụ XHTE, trong đó có trên 800 vụ XHTD trẻ em, chủ yếu là hiếp dâm trẻ em (trên 600 vụ), số trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật chiếm ¼ so với tổng số vụ phạm tội hình sự.

Về công tác phòng ngừa

Ngành Công an đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm XHTE, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn để nâng cao nhận thức về pháp luật; chống lại lối sống thực dụng.

Có kế hoạch chỉ đạo Công an các địa phương làm tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng”. Đến nay, hầu hết các tỉnh đã có mô hình này. Nhiều địa phương đã tiến hành sơ kết và nhân rộng các mô hình tiên tiến như: Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Vũng Tàu…

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học; đưa nội dung giáo dục phòng chống ma túy với các chương trình khoa học, tổ chức chỉ đạo cụm trường, trọng điểm có nguy cơ cao về ma túy, đặc biệt trong các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, chất kích thích ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Phối hợp với lực lượng bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em hàng năm có hiệu quả, gắn kết Tháng hành động vì trẻ em với phong trào hành động thiết thực vì trẻ em, xây dựng nhiều mái ấm tình thương. Quan tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em bị XHTD, TE bị bạo hành…

Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về vai trò của Hội trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, tái hòa nhập cho trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao vai trò phụ nữ trong việc quản lý, giáo dục con cái, xây dựng nhiều mô hình vận động phụ nữ tham gia giáo dục, quản lý trẻ em tại cơ sở như: Tổ phụ nữ giúp con em, người thân cai nghiện; tổ phụ nữ hướng nghiệp; tổ phụ nữ giúp bạn; phong trào giúp trẻ em từ cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hết hạn cải tạo hòa nhập về cộng đồng…

Công tác đấu tranh

Hàng năm, Bộ đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát thường xuyên cập nhật tình hình tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên để đề ra các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh. Đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát các cấp có kế hoạch chủ động phối hợp với Biên phòng, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phối hợp trao đổi thông tin, phát hiện, điều tra xét xử, truy tố các tội phạm mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; ra nhiều điện, kế hoạch chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo Công an các địa phương đẩy mạnh công tác nắm tình hình tội phạm mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xác định các tuyến, địa phương trọng điểm, đối tượng nổi lên, dựng lại các đường dây băng nhóm để có kế hoạch đấu tranh triệt phá.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra hình sự nhanh chóng hoàn thành hồ sơ, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp trong việc đề xuất thống nhất, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến trẻ em. Đặc biệt tổ chức xử án điểm, lưu động các vụ án giết trẻ em, hiếp dâm trẻ em… Nhằm răn đe và tạo điều kiện phát động phong trào quần chúng tố giác, chống tội phạm XHTE. Bên cạnh đó, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trên toàn quốc; thường xuyên tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các đề án, các chương trình hành động vì trẻ em thuộc chức năng của ngành để có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện.

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả các mặt công tác, góp phần xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia vì trẻ em Việt Nam

Trước hết cần phải đặt nhiệm vụ phòng chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên là một trong những nội dung quan trọng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối hợp lực của các ngành, các lực lượng, các tổ chức xã hội và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; phấn đấu giảm dần tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên và tạo chuyển biến rõ rệt về phòng chống loại tội phạm này, nhất là ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng những hình thức tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, làm cho các em trong lứa tuổi vị thành niên nhận thức được âm mưu, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm cũng như hậu quả, tác hại của việc vi phạm pháp luật, trách nhiệm của người dân với an ninh trật tự xã hội, từ đó hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa có hiệu quả.

Tiếp tục phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội gắn với các đợt sinh hoạt chính trị ở các địa phương. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và các bộ ngành liên quan (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Bộ Giáo dục và Đào tạo …); xây dựng cuộc sống khu dân cư, thôn xóm, làng bản, ấp không có tội phạm, tệ nạn xã hội.

Các địa phương cần quan tâm đến công tác xây dựng mô hình điểm về quản lý, giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng. Ngành Công an cần chủ động nắm chắc tình hình tội phạm XHTE và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên để có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn loại hình tội phạm này. Đồng thời có biện pháp phát hiện nhanh những hành vi XHTE để có kế hoạch bảo vệ trẻ em, tránh những hậu quả có thể xảy ra cho các em.

[...]