Công văn 4574/TCT-CS năm 2018 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 4574/TCT-CS |
Ngày ban hành | 20/11/2018 |
Ngày có hiệu lực | 20/11/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Hoàng Thị Hà Giang |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4574/TCT-CS |
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2018 |
Kính gửi: Cục Thuế thành phố Đà Nẵng.
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 2163/CT-KTNB ngày 07/06/2018 của Cục Thuế thành phố Đà Nẵng hỏi về chính sách thuế TNDN đối với Công ty TNHH Việt Nam Tokai. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 231/TCT-CS ngày 15/1/2018 trả lời Cục Thuế TP Đà Nẵng. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 8, Điều 17 Luật Chuyển giao công nghệ năm số 80/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội quy định.
"Điều 8. Quyền chuyển giao công nghệ
1. Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ.
2. Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng công nghệ có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.
3. Tổ chức, cá nhân có công nghệ là đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.
Điều 17. Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ
1. Chuyển giao quyền sử dụng công nghệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 8 của Luật này cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 18 của Luật này.
2. Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm:
a) Độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ;
b) Được chuyển giao lại hoặc không được chuyển giao lại quyền sử dụng công nghệ cho bên thứ ba;
c) Lĩnh vực sử dụng công nghệ;
d) Quyền được cải tiến công nghệ, quyền được nhận thông tin cải tiến công nghệ;
đ) Độc quyền hoặc không độc quyền phân phối, bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra;
e) Phạm vi lãnh thổ được bán sản phẩm do công nghệ được chuyển giao tạo ra;
g) Các quyền khác liên quan đến công nghệ được chuyển giao.
3. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ."
Tại khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội quy định:
"4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh."
Căn cứ Điều 53 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 của Quốc hội quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành; Điều 54 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 nêu trên quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tiến hành thanh tra độc lập; Điều 58 Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 nêu trên quy định về Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra.
Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC; Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty Cổ phần Tokai Togyo chuyển giao "thông tin kỹ thuật" quy định tại khoản 3 Điều 1 Hợp đồng VT 1000-1) cho Công ty Việt Nam Tokai thì đây là hoạt động chuyển giao công nghệ và được điều chỉnh theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ số 80120061QHl 1 nêu trên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 nêu trên thì tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ phải thuộc đối tượng được quy định tại Điều 8 Luật này, cụ thể là: chủ sở hữu công nghệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao. Do đó, nếu theo quy định của pháp luật Nhật Bản không bắt buộc Công ty cổ phần Tokai Kogyo đăng ký quyền chủ sở hữu đối với công nghệ thì Công ty Việt Nam Tokai có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc cam kết chứng minh Công ty Cổ phần Tokai Kogyo là chủ sở hữu.
Trong thời gian Cục Thuế TP Đà Nẵng thanh tra thuế tại đơn vị, Công ty Việt Nam Tokai không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ chứng minh Công ty cổ phần Tokai Kogyo có quyền sở hữu công nghệ thì Đoàn thanh tra có quyền đưa ra kết luận dựa trên hiện trạng những tài liệu mà Công ty cung cấp tại thời điểm thanh tra. Các công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời Công ty Việt Nam Tokai (công văn số 1439/BKHCN-ĐTG ngày 18/5/2018, công văn số 1439/BKHCN-ĐTG ngày 2/7/2018) chỉ xác nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc danh mục hạn chế cấm chuyển giao, không xác nhận việc chuyển giao công nghệ giữa các Bên.
Do đó, đề nghị Cục Thuế TP Đà Nẵng căn cứ các quy định pháp luật và hồ sơ cụ thể để xem xét giải quyết trường hợp của Công ty Việt Nam Tokai theo đúng quy định của pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, do Công ty Cổ phần Tokai Kogyo Nhật Bản có sở hữu vốn trong Công ty TNHH Việt Nam Tokai nên Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế TP Đà Nẵng kiểm tra cụ thể các giao dịch phát sinh giữa Công ty cổ phần Tokai Kogyo Nhật Bản và Công ty TNHH Việt Nam Tokai để làm rõ giao dịch chuyển giao công nghệ giữa các bên có phải là giao dịch giữa các Bên liên kết nhằm mục đích chuyển giá hay không để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Đà Nẵng biết./.