Công văn 445/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ năm 2020 thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Tổng cục Quản lý đất đai ban hành

Số hiệu 445/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ
Ngày ban hành 10/03/2020
Ngày có hiệu lực 10/03/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Quản lý đất đai
Người ký Phạm Thị Thịnh
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 445/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ
V/v thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc

Phúc đáp Công văn số 3471/STNMT-VP ngày 20/12/2019 của Quý Sở về việc thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Quản lý đất đai có ý kiến như sau:

I. Về việc thu phí, giá khi thực hiện dịch vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Quy định của pháp luật đất đai về các công việc cung cấp dịch vụ công liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân

1.1. Các bước công việc đã quy định thu phí

Theo quy định về thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì khi người sử dụng đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận, Văn phòng đăng ký đất đai phải kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ, trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ theo quy định thì Văn phòng đăng ký đất đai phải thực hiện bước công việc kiểm tra các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ, xác nhận đủ hay không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận (đối với trường hợp đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu) hoặc kiểm tra hồ sơ, quyết định đủ hay không đủ điều kiện để thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và xác nhận vào đơn đăng ký, đây là bước thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

1.2. Các bước công việc chưa quy định thu

Để thực hiện đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, ngoài bước công việc thực hiện thẩm định hồ sơ thì Văn phòng đăng ký đất đai còn phải thực hiện các bước công việc khác theo quy định tại Mục 3 Chương VII của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, các khoản từ 46 đến 55 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, cụ thể như sau:

(i) Đối với đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu, như: (1) Chuẩn bị hồ sơ; (2) Gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận; (3) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất; (4) Xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất thực hiện dự án đầu tư; (5) Gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản trên đất; (6) Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế; (7) Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký Giấy chứng nhận; (8) Cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (chỉnh lý Giấy chứng nhận của chủ đầu tư trong trường hợp người mua nhà trong dự án phát triển nhà ở); (9) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận đồng loạt thì Văn phòng đăng ký đất đai cũng phải thực hiện các bước công việc chuẩn bị, gồm: địa điểm tổ chức, các tài liệu, bản đồ, mẫu đơn, danh sách các trường hợp được cấp, phổ biến về công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, hướng dẫn lập hồ sơ, đơn.

(ii) Đối với trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại, Văn phòng đăng ký đất đai phải thực hiện các bước công việc như: (1) Chuẩn bị hồ sơ; (2) Xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi, cấp lại; (3) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (trường hợp cấp lại); (4) Thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng (nếu đang thế chấp); (5) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; (6) Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; (7) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các bước công việc nêu trên đã có định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (Thông tư số 14/2017/TTBTNMT ngày 20/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), đây là hoạt động dịch vụ cần có quy định thu. Trong trường hợp Nhà nước đặt hàng thì các công việc này được thu theo hướng dẫn tại điểm 2 của Công văn này. Tuy nhiên, đối với trường hợp thực hiện dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (không do Nhà nước đặt hàng) thì hiện chưa có quy định thu.

2. Đối với câu hỏi Ngân sách nhà nước có cấp kinh phí cho trường hợp thực hiện nhiệm vụ kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người sử dụng đất thực hiện các quyền theo nhu cầu của người sử dụng đất hay không?

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên và môi trường, nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về quản lý đất đai thuộc ngân sách địa phương bao gồm: “đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cập nhật biến động đất đai của địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền (nếu có)”.

Do đó, đối với nội dung thu khi thực hiện dịch vụ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất do Nhà nước đặt hàng, đề nghị Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT, Điểm a Khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 136/2017/TTBTC, Điều 14 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ một phần của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác và Điểm c Khoản 1 Điều 19 của Luật Giá, Điểm g Khoản 4 Điều 8 của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá xây dựng đơn giá dịch vụ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, làm căn cứ lập kế hoạch chi ngân sách, thẩm định dự toán, quyết toán theo quy định khi cung cấp dịch vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận do Nhà nước đặt hàng.

3. Đối với nội dung thu khi thực hiện dịch vụ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (không do Nhà nước đặt hàng)

Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực từ ngày 13 tháng 01 năm 2020 (thay thế Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó Điểm i Khoản 1 Điều 5 quy định “Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật”.

Do đó, trường hợp đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người sử dụng đất thực hiện các quyền (như tặng cho quyền sử dụng đất, thừa kế, chuyển nhượng, cho thuê, chia tách thửa đất…) theo nhu cầu của người sử dụng đất phải thực hiện những bước công việc thuộc nội dung thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thu phí theo quy định; phần phí được giữ lại là một nguồn thu tài chính hợp pháp của đơn vị.

Đối với những công việc trong thủ tục hành chính đăng ký, cấp Giấy chứng nhận không thuộc nội dung thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đã nêu ở điểm 1.2 của Công văn này), trường hợp thực hiện dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (không do Nhà nước đặt hàng) thì đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư số 14/2017/TT- BTNMT, Điều 14 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP, Điểm g Khoản 4 Điều 8 của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, quyết định việc thu giá dịch vụ. Đối với quy định việc thu theo cơ chế giá dịch vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận thấy khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại các địa phương. Vì vậy, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính đánh giá việc thu theo cơ chế giá và không thu theo cơ chế giá trong thực hiện các nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai, đặc biệt trong cơ chế tự chủ của đơn vị dịch vụ công, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc gửi ý kiến về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham mưu cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế thu giá dịch vụ của Văn phòng đăng ký đất đai trong trường hợp Nhà nước định giá.

II. Đối với nội dung liên quan đến Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác

Tại Khoản 3 Điều 24 của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định: Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác. Do đó, đề nghị Quý Sở phối hợp với Sở Tài chính để có văn bản gửi Bộ Tài chính hướng dẫn theo thẩm quyền Chính phủ giao.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Quản lý đất đai để Quý Sở nghiên cứu thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Mai Văn Phấn (để b/c);
- Lưu VT, VP(TH), CĐKĐĐ (PĐKĐĐ).

TUQ. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
CỤC ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI




Phạm Thị Thịnh