Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 443/VKSTC-V9
Ngày ban hành 15/02/2023
Ngày có hiệu lực 15/02/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Vương Văn Bép
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 443/VKSTC-V9
V/v Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ KSVGQ các VVDS, HN và GĐ

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các đơn vị: Văn phòng, Vụ 14, T2, T3 VKSND tối cao;
- Các VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện.

Thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 9) nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp dưới nêu những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Vụ 9 đã tổng hợp, lựa chọn các vấn đề mới, quan trọng, nhiều Viện kiểm sát gặp phải và phối hợp với Vụ 14 VKSND tối cao trả lời như sau:

Câu 1. Về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án

- Tòa án không gửi thông báo thụ lý vụ việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho Viện kiểm sát mà chỉ gửi Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật sổ kiểm sát, thống kê, báo cáo số liệu.

- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án không có trong hệ thống biểu mẫu về giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính nên Viện kiểm sát không có căn cứ để kiểm sát về hình thức quyết định.

Trả lời:

Từ ngày 01/01/2021, Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án (Luật HGĐT) có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát phải kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án với các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định trong Luật HGĐT như sau: Viện kiểm sát được nhận Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành (khoản 4 Điều 32); có quyền kiến nghị xem xét lại Quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành nếu có căn cứ xác định nội dung thoả thuận có vi phạm (các khoản 1 và 3 Điều 36, Điều 37); có quyền rút kiến nghị (Điều 38); được nhận quyết định của Toà án về việc giải quyết đề nghị, kiến nghị (Điều 38).

Theo Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Toà án và chỉ định Hoà giải viên thì không có thủ tục thụ lý vụ việc được hòa giải, đối thoại tại Toà án mà chỉ có việc Toà án ghi vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo khoản 1 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), khoản 1 Điều 121 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) trước khi thực hiện thủ tục thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hoà giải, đối thoại và lựa chọn Hoà giải viên.

Ngày 31/12/2021, Toà án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 235/TANDTC-PC xác định một số biểu mẫu về quyết định công nhận, không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, gồm 06 mẫu quyết định sau: (1) Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án; (2) Quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án; (3) Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án; (4) Quyết định không công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án; (5) Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án; (6) Quyết định không công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án. Cả 06 quyết định trên đều được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Hiện nay, VKSND tối cao chưa quy định chỉ tiêu công tác về kiểm sát quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án nhưng Viện kiểm sát phải kiểm sát đầy đủ các quyết định nêu trên. Nội dung kiểm sát gồm: (1) Kiểm sát về thời hạn Tòa án gửi quyết định cho Viện kiểm sát theo khoản 4 Điều 32 Luật HGĐT (trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định); (2) Kiểm sát hình thức của Quyết định theo mẫu được ban hành tại Công văn số 235/TANDTC-PC nêu trên; (3) Kiểm sát vụ việc đã hòa giải, đối thoại có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HGĐT (quy định tại khoản 2 Điều 1) không; (4) Kiểm sát điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Điều 33 Luật HGĐT; (5) Thực hiện quyền kiến nghị khi phát hiện vi phạm theo các điều 36, 37 và 38 Luật HGĐT.

Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với 03 loại quyết định: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên tham gia hòa giải tại Tòa án, Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành tại Tòa án. Các loại quyết định này không được kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC. Các quyết định không công nhận không bị kiến nghị vì vụ việc sẽ được Tòa án thụ lý và Viện kiểm sát sẽ tiếp tục kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo quy định của BLTTDS, Luật TTHC.

Viện kiểm sát cần chủ động lập sổ sách theo dõi, bảo đảm nắm được tình hình các vụ việc được hoà giải, đối thoại tại Toà án và kết quả kiểm sát. Hồ sơ kiểm sát việc công nhận kết quả hòa giải thành được lập theo Điều 6 Quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân (được ban hành kèm theo Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 05/10/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Câu 2. Về án phí, nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ trong vụ án dân sự

1. Về án phí trong vụ án dân sự

Trong vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 30m2 đất do bị đơn lấn chiếm của nguyên đơn. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành định giá tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn.

Viện kiểm sát cho rằng: vụ án này Tòa án không cần thiết phải định giá tài sản vì đương sự chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất mà không liên quan đến giá trị đất nên chỉ tính án phí dân sự không có giá ngạch theo khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án (Nghị quyết số 326/2016). Tuy nhiên, Toà án lại căn cứ vào việc Tòa án có tiến hành định giá tài sản nên được coi là "Tòa án phải xác định giá trị tài sản" theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 để buộc đương sự chịu án phí có giá ngạch. Vậy quan điểm nào là đúng?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 quy định đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

“a) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch;

b) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng”.

Đối với vụ án trên, Tòa án đã tiến hành định giá tài sản theo yêu cầu của nguyên đơn, thì đương sự đã phải chịu chi phí định giá theo quy định của pháp luật. Khoản chi phí này không liên quan đến án phí.

Trong giải quyết vụ án, việc Tòa án tiến hành định giá tài sản không phải là căn cứ để xác định đương sự phải chịu án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch. Trong vụ án trên, nếu Tòa án phải sử dụng kết quả định giá để xác định quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng. Nếu Tòa án chỉ xác định quyền sử dụng đất thuộc về ai, không phải sử dụng kết quả định giá để xác định nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất hay hoàn trả giá trị tài sản trên đất thì đương sự chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

Nếu cho rằng Tòa án có tiến hành định giá tài sản tức là "Tòa án phải xác định giá trị tài sản" theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016 để buộc đương sự chịu án phí có giá ngạch là không đúng vì trong mọi tranh chấp liên quan đến tài sản, Tòa án phải xác định giá trị tài sản từ trước khi thụ lý vụ án để làm cơ sở tính mức tạm ứng án phí.

2. Về nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm

Vợ chồng ông A và bà B là nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Tòa án cấp sơ thẩm thông báo ông A và bà B nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 300.000 đồng. Bản án sơ thẩm xử bác đơn khởi kiện của ông A và bà B, buộc ông A và bà B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, cả ông A và bà B cùng kháng cáo về một nội dung, Tòa án yêu cầu ông A và bà B mỗi người phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng. Bản án phúc thẩm quyết định bác đơn kháng cáo của ông A và bà B, xác định ông A và bà B mỗi người phải chịu án phí phúc thẩm là 300.000 đồng. Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của ông A và bà B như trên có đúng không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 148 BLTTDSkhoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016 quy định “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo,…”. Pháp luật không có quy định việc tính án phí phúc thẩm trong trường hợp có nhiều người kháng cáo về cùng một nội dung. Theo quy định trên thì nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm được tính riêng cho từng người kháng cáo, không phân biệt họ kháng cáo cùng nội dung hay khác nội dung. Do đó, Tòa án xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của từng người như trường hợp nêu trên là đúng.

3. Về tính chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

[...]