Công văn số 4320/LĐTBXH-TL về việc hướng dẫn xây dựng Quy chế trả lương trong doanh nghiệp Nhà nước

Số hiệu 4320/LĐTBXH-TL
Ngày ban hành 29/12/1998
Ngày có hiệu lực 29/12/1998
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Duy Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4320/LĐTBXH-TL
Về việc hướng dẫn xây dựng quy chế trả lương trong doanh nghiệp nhà nước

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1998

 

Kính gửi:

 

- Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ
- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Các Tổng Công ty hạng đặc biệt

 

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ về đổi mới quản lý tiền lương, thu nhập trong các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế trả lương trong nội bộ quản lý của mình. Tuy nhiên còn nhiều doanh nghiệp chưa có quy chế, lúng túng trong việc xây dựng hoặc quy chế trả lương chưa thể hiện được nguyên tắc phân phối theo lao động, tiền lương chưa gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả của từng người.

Để khắc phục tình trạng phân phối bình quân, không gắn với kết quả lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn những nội dung chủ yếu về nghiệp vụ kèm theo công văn này giúp các doanh nghiệp xây dựng quy chế trả lương đối với người lao động (tài liệu kèm theo công văn này).

Căn cứ nội dung hướng dẫn, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Công ty hạng đặc biệt chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế trong phạm vi doanh nghiệp của mình.

Để đảm bảo tính dân chủ, công khai, bản quy chế trả luơng phải được sự tham gia góp ý của Ban chấp hành công đoàn cùng cấp và phổ biến công khai đến người lao động, đồng thời phải đăng ký với cơ quan giao đơn giá tiền lương đối với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý hoặc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý theo quy định tại Thông tư số 13/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

 

NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU ĐỂ XÂY DỰNG QUY CHẾ TRẢ LƯƠNG TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Kèm theo Công văn số 4320/LĐTBXH-TL ngày 29/12/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội)

I. NHỮNG NGUYÊN TĂC CHUNG

Trong phần này quy định những nội dung chung nhất, có tính nguyên tắc, cụ thể:

1/ Thực hiện phân phối theo lao động. Tiền lương phụ thuộc vào kết quả lao động cuối cùng của từng người, từng bộ phận.

Những người thực hiện các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề giỏi, đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì được trả lương cao, có thể cao hơn lương Giám đốc.

2/ Chống phân phối bình quân, hệ số giãn cách giữa người có tền lương cao nhất và thấp nhất do doanh nghiệp lựa chọn, quyết định, nhưng tối đa không quá 2 lần so với hệ số mức lương cao nhất áp dụng trong doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 26/NĐ-CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và thấp nhất bằng hệ số mức lương quy định tại Nghị định 26/CP nói trên.

3/ Quỹ tiền lương được phân phối trực tiếp cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp, không sử dụng vào mục đích khác.

4/ Tiền lương và thu nhập hàng ttháng của người lao động được ghi vào Sổ lương của doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 15/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao dộng - Thương binh và xã hội.

5/ Lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn cùng cấp để xây dựng quy chế trả lương. Quy chế trả lương được phổ biến công khai đến từng người lao động trong doanh nghiệp và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền giao đơn giá tiền lương.

II. NGUỒN HÌNH THÀNH QUỸ TIỀN LƯƠNG VÀ  SỬ DỤNG QUỸ TIỀN LƯƠNG

1/ Nguồn hình thành quỹ tiền lương:

Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xác định nguồn quỹ tiền lương tương ứng để trả lương cho người lao động. Nguồn bao gồm:

- Quỹ tiền lương theo đơn giá tiền lương được giao;

- Quỹ tiền lương bổ sung theo chế độ quy định của Nhà nước;

- Quỹ tiền lương từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác ngoài đơn giá tiền lương được giao;

- Quỹ tiền lương dự phòng từ năm trước chuyển sang.

Nguồn tiền lương nêu trên được gọi là tổng quỹ tiền lương.

2/ Sử dụng tổng quỹ tiền lương:

Để đảm bảo quỹ tiền lương không vượt chi so với quỹ tiền lương được hưởng, dồn chi quỹ tiền lương vào các tháng cuối năm hoặc để dự phòng quỹ tiền lương quá lớn cho năm sau, có thể quy định phân chia tổng quỹ tiền lương cho các quỹ sau:

a) Quỹ tiền lương trả trực tiếp cho người lao động theo lương khoán, lương sản phẩm, lương thời gian (ít nhất bằng76% tổng quỹ tiền lương).

b) Quỹ khen thưởng từ quỹ lương đối với người lao động có năng suất, chất lượng cao có thành tích trong công tác (Tối đa không quá 10% tổng quỹ tiền lương).

[...]