Công văn số 4249 TCT/NV2 ngày 01/12/2003 của Tổng cục thuế về việc tăng cường kiểm tra thuế TNCN

Số hiệu 4249TCT/NV2
Ngày ban hành 01/12/2003
Ngày có hiệu lực 01/12/2003
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Nguyễn Thị Cúc
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4249 TCT/NV2
V/v tăng cường kiểm tra thuế TNCN

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2003

 

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Qua 12 năm thực hiện Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (thuế TNCN), các cá nhân có thu nhập cao đã đóng góp nguồn thu cho Ngân sách nhà nước ngày càng tăng. Công tác quản lý thuế đã dần dần đi vào nền nếp, tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đã thực hiện nghĩa vụ khấu trừ và nộp tiền thuế vào Ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức quốc tế hoặc các Bộ, ngành mà trong đó có các dự án hợp tác hỗ trợ phát triển. Các dự án này được thực hiện dưới hình thức hỗ trợ không hoàn lại hoặc có hoàn lại, các cá nhân làm việc cho các dự án đều có thu nhập, nhưng hiện nau một số Ban quản lý dự án chưa thực hiện đầy đủ việc kê khai các khoản thuế đối với hoạt động phát sinh tại Ban quản lý dự án như:

- Thuế nộp thay cho các nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng trực tiếp với Ban quản lý dự án.

- Thuế đối với hoạt động tư vấn giám sát, chấm thầu tự làm, cho thuê tư vấn...

- Thuế GTGT, TNDN đối với hoạt động cho thuê địa điểm, văn phòng của Ban quản lý dự án.

- Các khoản thu khác.

Việc thực hiện kê khai, nộp thuế TNCN không đồng đều dẫn đến sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các cá nhân làm việc trong các Ban quản lý dự án. Đối với đơn vị sự nghiệp có thu từ năm 2002 áp dụng cơ chế tài chính được Chính phủ quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 đã đưa lại kết quả về thu nhập của các cá nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá, y tế tăng. Những cá nhân có thu nhập thấp đến mức chịu thuế nhưng cơ quan chi trả thu nhập chưa thực hiện khấu trừ. Tổng cục Thuế đề nghị các cục Thuế triển khai việc kiểm tra, thu thuế thu nhập cá nhân đối với các đối tượng này như sau:

1/ Đối với dự án của tổ chức quốc tế

- Căn cứ Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH10 ngày 19/5/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì: Người nước ngoài và người Việt Nam có thu nhập trong việc thực hiện dự án phải nộp thuế TNCN, cụ thể là:

+ Cá nhân Việt Nam được tuyển dụng làm việc trong một thời gian hưởng lương tháng và cá nhân nước ngoài làm việc trên cơ sở hợp đồng lao động hưởng lương tháng thì khoản thu nhập này phải chịu thuế TN thường xuyên.

+ Cá nhân Việt Nam là chuyên gia làm việc tại các cơ quan Nhà nước có thu nhập do thực hiện các hợp đồng dịch vụ có tính chất nghiên cứu, tư vấn thì khoản thu nhập này phải chịu thuế thu nhập không thường xuyên.

+ Cá nhân nước ngoài làm việc với tư cách nhà thầu độc lập, có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài thì thực hiện kê khai thuế theo quy định tại Thông tư số 169/1998/TT-BTC ngày 22/12/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thuế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

- Điều 4 Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao quy định: “Trong trường hợp điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Pháp lệnh này về việc nộp thuế thu nhập thì áp dụng điều ước Quốc tế đó”. Vì vậy, dự án nào mà cp-1 Việt Nam đã ký kết với tổ chức quốc tế có quy định điều khoản miễn trừ thuế thu nhập cá nhân thì các cá nhân tham gia dự án đó không phải kê khai nộp thuế. Đối với trường hợp này yêu cầu Ban quản lý dự án xuất trình tài liệu đề cập miễn trừ thuế TNCN và Cục thuế có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về Tổng cục Thuế.

2/ Đối với trung tâm luyện thi, biểu diễn văn hoá nghệ thuật

Triển khai thu thuế đối với giáo viên, nghệ sĩ có thu nhập từ các trung tâm dạy thêm luyện thi, các chương trình biểu diễn.

Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Trong đó tại Điều 3 của Nghị định đã đề cập: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động các nguồn lực trong nhân dân và trong các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế để phát triển các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao theo các hình thức ngoài công lập như bán công, dân lập, tư nhân. Các Bộ chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch phát triển các hình thức ngoài công lập, cụ thể hoá các chủ trương và mức độ ưu tiên, khuyến khích phát triển các hình thức ngoài công lập.

Các hình thức trên hoạt động rất đa dạng, một số ngành chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn, một số lĩnh vực không phải cấp giấy phép hành nghề cho nên dẫn đến kết quả nhiều tổ chức cá nhân có thu nhập cao nhưng chưa quản lý thu nộp thuế TNCN. Nghị định này có quy định về miễn thuế TNCN đối với người có thu nhập cao. Nhưng đối tượng được miễn phải là cá nhân làm việc có hợp đồng trong các cơ sở ngoài công lập mà các cơ sở này được cấp phép của cơ quan chủ quản ở địa phương.

Biện pháp tăng cường quản lý thu thuế của các đối tượng này là:

Do phạm vi hoạt động tại các quận, huyện, vì vậy Cục thuế cần báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để ban hành Chỉ thị của Chủ tịch UBND trong đó nhấn mạnh các Chi cục thuế phối hợp với hội đồng tư vấn thuế phường, công an phường tổ chức tiến hành kiểm tra, điều tra doanh thu của từng cơ sở, lập hồ sơ lên danh sách và thông báo mời lên trụ sở UBND phường họp. Cá nhân đứng ra tổ chức dịch vụ thu tiền phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế TNCN. Khi tri trả thu nhập cho cá nhân thực hiện khấu trừ thuế 10% và cấp biên lại thuế TNCN cho cá nhân có thu nhập.

3/ Đối với lĩnh vực sự nghiệp có thu

Các đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục thể thao có đặc điểm là vừa được Ngân sách nhà nước cấp kinh phí, vừa thu tiền dịch vụ để hỗ trợ một phần kinh phí thường xuyên, trong đó có khoản chi tăng thêm cho cán bộ nhân viên, ở nhiều đơn vị phần thu nhập hỗ trợ này cao hơn cả phần lương cơ bản của Nhà nước nên có thu nhập đến mức phải chịu thuế.

Chế độ tài chính hiện hành được quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính trong đó có đề cập về thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách nhà nước, Mục V Thông tư quy định: “Các đơn vị sự nghiệp có các hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ có trách nhiệm đăng ký kê khai và nộp các loại thuế và các khoản nộp khác (nếu có); được hưởng các chế độ về miễn giảm thuế theo quy định của Luật thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành”.

Các đơn vị sự nghiệp có thu, có hoạt động chi trả tiền lương cho các cá nhân, vì vậy các đơn vị trước khi chi trả tiền lương nếu cá nhân có thu nhập đến mức chịu thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì phải thực hiện nghĩa vụ khấu trừ tiền thuế thu nhập phải nộp của các cá nhân đó.

4/ Đối với dự án sử dụng nguồn vốn ODA:

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2000/TT-BTC ngày 5/6/200 trong đó đề cập về nghĩa vụ thuế đối với chuyên gia nước ngoài: chỉ miễn thuế TNCN đối với chuyên gia nước ngoài có xác nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện chương trình, dự án ODA, trong đó: nêu rõ họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu, thời hạn làm việc tại Việt Nam, số thu nhập được nhận, danh sách người thân đi kèm... Còn cá nhân là người Việt Nam và người nước ngoài là nhân viên quản lý hoặc nhà thầu đều phải kê khai nộp thuế thông qua cơ quan chi trả là các chủ dự án.

5/ Đối với cá nhân người nước ngoài là đối tượng cư trú tại Việt Nam

Pháp lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn thuế TNCN quy định đối với người nước ngoài nếu ở tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên là đối tượng cư trú tại Việt Nam phải kê khai nộp thuế TNCN đối với số thu nhập phát sinh của 12 tháng. Để xác định thu nhập chịu thuế bình quân tháng phải căn cứ vào thu nhập vào thu nhập phát sinh tại Việt Nam và thu nhập phát sinh ngoài Việt Nam; trường hợp kê khai thu nhập bình quân tháng ở nước ngoài thấp hơn ở Việt Nam mà không chứng minh được thì căn cứ vào thu nhập bình quân tháng ở Việt Nam để tính cho thời gian ở nước ngoài.

Đối với các đối tượng này khi kiểm tra quyết toán, Cục thuế cần yêu cầu cá nhân xuất trình hợp đồng lao đông ký với Công ty mẹ ở nước ngoài, Quyết định chuyển công tác sang Việt Nam, các chính sách trợ cấp của Công ty mẹ về khuyến khích cá nhân đi công tác ở nước ngoài; chứng từ chi trả thu nhập hàng năm ở nước ngoài (nếu có), các phụ lục hợp đồng về điều chỉnh tiền lương. Đối với Công ty đa quốc gia, cán bộ thuế cần khai thác các thông tin quảng cáo trên mạng của Công ty đó tìm kiếm trong mục về các chính sách khuyến khích đãi ngộ nhân viên. Trên cơ sở các thông tin nhận biết được nếu phát hiện có khoản trợ cấp chưa kê khai thì có thư gửi trực tiếp Công ty mẹ (Phòng quản lý nhân sự toàn cầu) để có sự trả lời và giải thích rõ. Ngoài ra cần có sự phối hợp với Công ty kiểm toán quốc tế mà họ thực hiện hợp đồng kiểm toán của chi nhánh hoặc Công ty phụ thuộc Công ty đa quốc gia tại Việt Nam để có sự hỗ trợ, giúp đỡ trong việc xác định khoản chi trả thu nhập cho cá nhân nước ngoài.

[...]