Công văn 4111/BGDĐT-KHTC năm 2021 về trả lời kiến nghị của Công dân tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia và quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 4111/BGDĐT-KHTC |
Ngày ban hành | 20/09/2021 |
Ngày có hiệu lực | 20/09/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Kim Sơn |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
4111/BGDĐT-KHTC |
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2021 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận được 75 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của Công dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, liên quan đến quy định tăng học phí trong tình hình dịch bệnh Covid-19 của Trường Đại học FPT (03 PAKN), Trường Cao đẳng FPT (06 PAKN), Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (06 PAKN), Trường Đại học Hoa Sen (01 PAKN), Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (17 PAKN), Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (03 PAKN), Trường Đại học Võ Trường Toản (01 PAKN), Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (33 PAKN), Học viện Bưu chính viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh (01 PAKN) và 04 PAKN đề nghị giảm học phí trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (nội dung chi tiết của các phản ánh, kiến nghị trích xuất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gửi kèm theo Công văn này).
Qua rà soát 75 kiến nghị của các Công dân cho thấy các PAKN tập trung vào 3 nhóm vấn đề liên quan đến học phí; lạm thu và thủ tục hành chính, Bộ GDĐT có ý kiến theo các nhóm vấn đề như sau:
a) Đa số các phản ánh các trường tăng học phí giữa thời điểm dịch bệnh; Học phí tăng không tỷ lệ với chất lượng, bên cạnh đó học trực tuyến không sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường nhưng vẫn tăng học phí; Ép sinh viên nộp học phí đúng thời điểm giãn cách gây khó khăn trong việc đi lại của sinh viên:
Về việc này, Bộ GDĐT đã có các văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021; số 3277/BGDĐT-KHTC ngày 04/8/2021 gửi các bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong đó đề nghị mức thu học phí năm học 2021-2022 tối đa bằng năm học 2020-2021. Đồng thời, Bộ GDĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập (để áp dụng từ năm học 2021-2022), trong đó, tại Khoản 1 Điều 9, Khoản 1 Điều 10 và Khoản 1 Điều 11 đã quy định mức trần học phí năm học 2021-2022 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước quy định cho năm học 2020-2021.
Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, mức thu học phí thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên việc tăng học phí trong thời điểm hiện nay là không hợp lý, chưa chia sẻ khó khăn với gia đình phụ huynh và người học, cũng như toàn xã hội và không thực hiện đúng tinh thần và chủ trương của Chính phủ đề nghị các cơ sở giáo dục chia sẻ khó khăn với học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp.
Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, UBDN tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nghiêm túc thực hiện các ý kiến của Bộ GDĐT tại văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC và 3277/BGDĐT-KHTC; ghi nhận kiến nghị của nhân dân và xem xét, giữ ổn định học phí năm học 2021-2022 không tăng so với năm học 2020-2021 để thực hiện chủ trương chung của cả nước và ngành giáo dục đào tạo; đồng thời cùng chia sẻ khó khăn chung với cộng đồng, trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục đào tạo với thủ tục đơn giản và phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội ở một số địa phương để hỗ trợ người học; đảm bảo cho sinh viên còn nợ, chưa nộp học phí được đăng ký học và thi bình thường, không để sinh viên phải bảo lưu hoặc nghỉ học dẫn đến việc học dang dở, chậm tiến độ do phải kéo dài thời gian học.
b) Về phản ánh có chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí cho sinh viên nhưng một số trường yêu cầu nhiều thủ tục phiền phức, khó đáp ứng trong thời gian giãn cách xã hội: Về việc này, tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 đã quy định chi tiết chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020-2021 và hồ sơ, thủ tục quy định chi tiết tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và xã hội. Từ năm học 2021-2022 trở đi tiếp tục được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ.
Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc và các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 12, Khoản 5 Điều 13, Điều 17 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí, quy định thời gian thu học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng; không yêu cầu thêm các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định, giảm tải tối đa các thủ tục không cần thiết, công khai để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, người học.
Trong điều kiện giãn cách xã hội, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận thông tin, hồ sơ, thủ tục qua hệ thống giao dịch điện tử, bưu điện và có các giải pháp giãn, hoãn thời gian cung cấp hồ sơ, minh chứng có xác nhận của nơi cư trú trong trường hợp sinh viên, người học chưa thể cung cấp ngay được (tạm thời sử dụng các bản scan hoặc bản chụp...). Sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội, sinh viên sẽ hoàn thiện thực hiện nộp đơn và hồ sơ bản cứng trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà trường để phục vụ rà soát, thẩm tra hồ sơ theo quy định. Ngoài ra, đối với trường hợp sinh viên đã nộp hồ sơ hưởng chế độ chính sách trước đây mà trong đó có hồ sơ minh chứng trùng với yêu cầu hồ sơ của trường thì nhà trường không được yêu cầu sinh viên phải nộp lại hồ sơ minh chứng đó (trừ trường hợp hồ sơ minh chứng thay đổi hàng năm như hộ nghèo, cận nghèo...) và các trường hợp cần thiết, chủ động phối hợp với cơ quan công an để khai thác (đối chiếu) hoặc xác nhận dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây khó khăn cho người học.
Ngoài ra, trong thời gian qua Bộ GDĐT còn nhận được các PAKN của một số Công dân về việc tăng học phí quá cao và yêu cầu hồ sơ hỗ trợ học phí bất hợp lý trong bối cảnh giãn cách xã hội của Trường ĐH FPT; tăng học phí, ép đóng học phí đúng hạn, thu thêm tiền tài liệu của Trường ĐH Hutech. Bộ GDĐT đã trả lời tại Công văn số 3491/BGDĐT-KHTC và Công văn số 3490/BGDĐT-KHTC ngày 17/8/2021 (gửi đính kèm).
2. Về có trường thu thêm phí tài liệu trong bối cảnh dạy học trực tuyến:
Về việc này, Bộ GDĐT đề nghị các bộ ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc và các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý thực hiện theo đúng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, áp dụng từ năm học 2021-2022. Trong đó quy định đối với khoản thu dịch vụ khác (ngoài học phí) được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019, Khoản 1 Điều 3 và Khoản 3, Khoản 4 Điều 4 Nghị định 81/2021/NĐ-CP; theo đó Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ trưởng cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện công khai, minh bạch, giải trình với xã hội về căn cứ, phương pháp xác định, tính giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đối với các dịch vụ do đơn vị xác định mức giá, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh kéo dài, cả xã hội đang rất khó khăn. Đề nghị hạn chế tối đa phát sinh các khoản ngoài học phí và cần có chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp đối với các khoản thu đã quy định và tiếp tục quán triệt thực hiện Công văn số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021 và Công văn số 3277/BGDĐT-KHTC ngày 04/8/2021 về chấn chỉnh lạm (gửi đính kèm).
Theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, áp dụng từ năm học 2021-2022 đã quy định công dân có thể gửi hồ sơ hưởng chế độ chính sách về nhà trường theo các hình thức trực tiếp, qua bưu điện hoặc hệ thống giao dịch điện tử.
Trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 và giãn cách xã hội hiện nay, trường hợp nhà trường có hệ thống giao dịch điện tử (cổng thông tin dịch vụ) để tiếp nhận hồ sơ chế độ chính sách thì sinh viên có thể gửi hồ sơ theo hình thức này để được giải quyết. Trường hợp nhà trường chưa có hệ thống giao dịch điện tử, để tạo điều kiện sinh viên thuộc đối tượng chính sách sớm được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước hoặc chính sách miễn giảm học phí đặc thù riêng của nhà trường, nhà trường có thể nghiên cứu cho phép sinh viên gửi đơn và hồ sơ minh chứng theo hình thức trực tuyến (qua thư điện tử theo địa chỉ của nhà trường bằng bản scan hoặc bản chụp). Sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội, sinh viên sẽ phải thực hiện nộp đơn và hồ sơ bản cứng trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà trường để phục vụ rà soát, thẩm tra hồ sơ theo quy định.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Bộ GDĐT đã có các văn bản số 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021, số 3277/BGDĐT-KHTC ngày 04/8/2021 về việc thực hiện các khoản thu năm học 2021-2022 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo áp dụng từ năm học 2021-2022.
Đề nghị các bộ ngành, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục thực hiện các nội dung sau:
(i) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc và các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý giữ ổn định học phí không tăng so với năm học 2020-2021, đồng thời bố trí đủ kinh phí thực hiện chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Ngoài ra có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/8/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nhằm; Chỉ đạo cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và công tác thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Giám sát việc thực hiện quy định về kê khai, niêm yết giá vật tư, thiết bị giáo dục, SGK trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định.
(ii) Kịp thời giải đáp, xử lý các phản ánh, kiến nghị của Công dân, Cử tri, Đại biểu Quốc hội,... công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi về quản lý giáo dục được Chính phủ giao tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP.
Trên đây là ý kiến của Bộ GDĐT đối với các vấn đề Công dân kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo cần rà soát chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, xử lý kịp thời và giải đáp đầy đủ các vướng mắc tránh tình trạng để công dân kiến nghị kéo dài.
Trân trọng./.
|
BỘ
TRƯỞNG |
TỔNG HỢP PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN
(Kèm theo Công văn số 4111/BGDĐT-KHTC ngày 20/9/2021 của Bộ GDĐT)