Công văn 4031/SNV-CCVTLT năm 2016 về xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 4031/SNV-CCVTLT
Ngày ban hành 09/11/2016
Ngày có hiệu lực 09/11/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Đỗ Văn Đạo
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4031/SNV-CCVTLT
V/v xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 11 năm 2016

 

Kính gửi:

- Sở, ngành Thành phố;
- Tổng Công ty, Công ty thuộc Thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Căn cứ Thông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, Sở Nội vụ đề nghị các cơ quan, tổ chức (gọi tắt là cơ quan) xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của cơ quan như sau:

1. Sự cần thiết của Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

a) Vai trò, tác dụng của Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

- Để tổ chức quản lý tốt nguồn hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong quá trình hoạt động, Thủ trưởng cơ quan cần chỉ đạo xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu.

- Bảng thời hạn bảo quản: Là Bảng kê các hồ sơ, tài liệu hoặc các nhóm hồ sơ, tài liệu lưu trữ có ghi thời hạn bảo quản và giá trị bảo quản làm công cụ hướng dẫn xác định giá trị tài liệu.

- Bảng thời hạn bảo quản là một trong các loại công cụ xác định giá trị tài liệu quan trọng nhất, dùng để chỉ dẫn xác định giá trị tài liệu. Căn cứ vào Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu, cơ quan áp dụng:

+ Sự chỉ dẫn cách ghi thời hạn bảo quản cho các hồ sơ; chỉ dẫn việc chọn hồ sơ có giá trị để đưa vào bảo quản ở Trung tâm Lưu trữ lịch sử.

+ Lựa chọn, xác định những tài liệu bảo quản vĩnh viễn để chuẩn bị giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố.

b) Quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu có hai mức:

- Hồ sơ, tài liệu bảo quản vĩnh viễn: Là những tài liệu về đường lối, chủ trương, chính sách, cương lĩnh, chiến lược; đề án, dự án, chương trình mục tiêu, trọng điểm quốc gia; về nhà đất và các tài liệu khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ, tài liệu bảo quản vĩnh viễn của các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu được giao nộp, bảo quản tại Lưu trữ cơ quan, sau thời hạn quy định sẽ giao nộp, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố.

- Hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn: Là tài liệu được xác định thời hạn dưới 70 năm. Hồ sơ, tài liệu được xác định bảo quản có thời hạn được giao nộp, bảo quản tại Lưu trữ cơ quan.

2. Việc xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

a) Nội dung của Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

Căn cứ vào tình hình thực tế về tài liệu hình thành phổ biến trong quá trình hoạt động của cơ quan và các quy định về thời hạn bảo quản tài liệu như:

- Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của các cơ quan ban hành kèm theo Thông tư số 09/2011/TT-BNV.

- Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của các cơ quan chuyên ngành:

+ Thông tư số 13/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Thông tư số 155/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của ngành tài chính;

+ Thông tư số 11/2013/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường;

+ Các văn bản khác quy định thời hạn bảo quản...);

Các cơ quan xây dựng, ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan mình và hướng dẫn các cơ quan trực thuộc xây dựng ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động (nếu có).

- Trường hợp trong thực tế có những hồ sơ, tài liệu chưa được quy định thời hạn bảo quản trong Thông tư số 09/2011/TT-BNV và các cơ quan chuyên ngành, thì cơ quan có thể vận dụng các mức thời hạn bảo quản của các nhóm hồ sơ, tài liệu tương ứng để xây dựng Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan mình.

b) Thể thức văn bản ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu

Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của cơ quan được ban hành kèm theo Quyết định (Phụ lục Mẫu văn bản kèm theo).

3. Báo cáo, tổng hợp rà soát, thẩm định bằng thời hạn bảo quản

a) Các cơ quan thuộc nguồn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố xây dựng, ban hành và áp dụng Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu tại cơ quan mình, đồng thời gửi về Chi cục Văn thư - Lưu trữ (địa chỉ Tầng 6, Tòa nhà IPC, số 1489 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, Quận 7, điện thoại số 37.760.692) để tổng hợp, rà soát, thẩm định và phối hợp lựa chọn, xác định Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố.

[...]