Công văn 4015/LĐTBXH-VL trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 4015/LĐTBXH-VL |
Ngày ban hành | 17/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 17/11/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Phạm Thị Hải Chuyền |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4015/LĐTBXH-VL |
Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2011 |
Kính gửi: |
Đại biểu Trần Văn Tấn |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được chất vấn của Đại biểu do Văn phòng Quốc hội chuyển đến theo công văn số 89/CV-KH2 ngày 08/11/2011, về những vấn đề Đại biểu chất vấn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin báo cáo như sau:
1. Tình hình chung về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Theo báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế thì số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc những năm gần đây tăng đáng kể, cụ thể: năm 2008 số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 52.633 người; năm 2009 là 55,428 người, tăng 5,31% so với năm 2008; năm 2010 là 56.929 người, tăng 2,7% so với năm 2009. Tại thời điểm tháng 9 năm 2011, theo báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 78.440 người, trong đó đã cấp giấy phép lao động là 41.529 người, không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 5.581 người, còn lại là đang làm thủ tục và chưa cấp giấy phép lao động là 31.330 người, chiếm 39,9%.
Về trình độ người nước ngoài: trình độ đại học và trên đại học chiếm 48,3% tổng số người nước ngoài; chứng chỉ, chuyên môn tay nghề chiếm 34,6%; người nước ngoài là nghệ nhân các ngành nghề truyền thống chiếm 10,1%; người có kinh nghiệm làm việc chiếm 7%.
Số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng chưa được cấp giấy phép lao động chủ yếu do:
+ Ý thức chấp hành pháp luật của cả người lao động và người sử dụng lao động thấp, chưa nghiêm túc trong việc chuẩn bị các giấy tờ và làm các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động; không ít trường hợp người nước ngoài chưa thực hiện việc cấp giấy phép lao động trước khi vào Việt Nam làm việc theo quy định của pháp luật.
+ Pháp luật về đấu thầu mới quy định về mời thầu, dự thầu, chấm thầu, chưa có quy định về tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện các gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu; chưa quy định về việc kê khai trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về phương án sử dụng lao động Việt Nam và người nước ngoài và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc xác định các vị trí công việc mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được cần tuyển người nước ngoài.
+ Chế tài xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm chưa đủ để răn đe và buộc người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện (theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/5/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động thì mức xử phạt vi phạm những quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 15 - 20 triệu đồng với mỗi một hành vi vi phạm); các biện pháp cưỡng chế chưa kiên quyết; có địa phương còn nương nhẹ để thu hút đầu tư, thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm của dự án trọng điểm quốc gia hay của địa phương. Bên cạnh việc xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động thì chưa có biện pháp xử lý triệt để đối với các doanh nghiệp, nhà thầu hay cá nhân người nước ngoài cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam.
- Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Pháp luật cũng quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương, cụ thể như sau:
+ Bộ Công an quản lý về xuất, nhập cảnh, cấp thẻ tạm trú, thường trú cho người nước ngoài. Đối với các cửa khẩu biên giới đất liền do bộ đội biên phòng kiểm soát, quản lý việc xuất, nhập cảnh qua biên giới.
+ Bộ Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài khi người nước ngoài cư trú từ đủ 06 tháng trở lên tại Việt Nam.
+ Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao quản lý về hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ do phía nước ngoài cấp.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan giới thiệu, cung ứng lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, đối với đề nghị tuyển từ 500 lao động Việt Nam trở lên và 30 ngày, đối với đề nghị tuyển dưới 500 lao động Việt Nam mà không giới thiệu hoặc cung ứng được lao động Việt Nam cho nhà thầu nước ngoài theo đề nghị nêu trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu nước ngoài được tuyển người nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam.
+ Đối với những dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu thực hiện và có sử dụng người nước ngoài tại Việt Nam thì chủ đầu tư phía Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhà thầu nước ngoài thực hiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng người nước ngoài làm việc cho nhà thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam; theo dõi và quản lý người nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam tại nhà thầu nước ngoài; báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật về tình hình tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài thuộc quyền quản lý.
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan đã tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật như Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý đối với gói thầu EPC; các văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp quản lý người nước ngoài; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin trong quản lý người nước ngoài nói chung và quản lý người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nói riêng; tăng cường phối hợp trong công tác hướng dẫn khảo sát, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài tại một số địa phương.
2. Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới
- Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trước hết là xây dựng Luật Việc làm, trong đó có nội dung quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bao gồm điều kiện người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam, quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan, các vị trí, các loại công việc được sử dụng người nước ngoài, ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài...
Đồng thời, sớm xây dựng Luật về Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trong đó xác định cụ thể mục đích của người nước ngoài vào Việt Nam và quy định về việc cấp và sử dụng Visa lao động khi người nước ngoài vào Việt Nam làm việc...; sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu trong đó quy định về tổ chức triển khai thực hiện các gói thầu hoặc dự án trúng thầu sau khi đã được phê duyệt, đặc biệt là việc giám sát và kiểm tra trong quá trình thực hiện; tăng chế tài xử phạt các vi phạm, các cam kết trong quá trình thực hiện các gói thầu hoặc dự án đã trúng thầu...
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật với các hình thức phong phú, phù hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng người lao động nước ngoài để người lao động nước ngoài hiểu được các quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo đúng quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam; về việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, quản lý xuất, nhập cảnh, cấp và gia hạn Visa, đăng ký tạm trú và cấp giấy phép lao động đăc biệt là các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại địa phương có sử dụng lao động nước ngoài. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh và các ban, ngành có liên quan tại địa phương trong việc quản lý lao động nước ngoài.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin cảm ơn và rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý của Đại biểu./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |