Công văn số 3893/UBND-TM về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 3893/UBND-TM |
Ngày ban hành | 20/06/2008 |
Ngày có hiệu lực | 20/06/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thành Tài |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3893/UBND-TM |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2008 |
Kính gửi: |
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố |
Theo báo cáo của các cơ quan đơn vị thuộc thành phố và Uỷ ban nhân dân các quận - huyện thì hiện nay toàn thành phố có khoảng 50 loại quỹ có nguồn thu từ vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, của nhân dân, do nhiều cấp quản lý, đã hình thành hơn 1.400 quỹ hoạt động vì mục tiêu xã hội, từ thiện nhằm trợ giúp cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách xã hội...
Về tổ chức, có loại quỹ được thành lập theo quy định và hướng dẫn của Bộ ngành Trung ương (như Quỹ quốc phòng, an ninh; Quỹ phòng chống lụt bão, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ khuyến học,...); có loại quỹ do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ của thành phố, có mục tiêu cụ thể.
Hoạt động của các quỹ này đã góp phần cùng Nhà nước giải quyết một số vấn đề an sinh xã hội, liên quan đến đời sống nhân dân một cách thiết thực, có hiệu quả, đã tạo điều kiện giúp các đối tượng chính sách xã hội, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có công ăn, việc làm, khắc phục khó khăn tự vươn lên trong cuộc sống; qua đó thể hiện sự quan tâm của hệ thống chính trị và của cộng đồng xã hội đối với các gia đình chính sách, người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời góp phần xây dựng giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc như lòng nhân ái, nghĩa tình "lá lành đùm lá rách"...
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số loại quỹ do đơn vị tổ chức tự thành lập chưa có đủ điều kiện để hoạt động, và được thành lập ở nhiều cấp nên dẫn đến việc vận động tràn lan, thiếu tổ chức, thiếu sự quản lý của cơ quan Nhà nước như quyên góp ủng hộ nạn nhân bị bão, lụt dưới hình thức thùng quyên góp nhân đạo...).
Căn cứ Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Để các quỹ hoạt động vì mục tiêu xã hội, từ thiện trên địa bàn thành phố đi vào nề nếp, Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau:
1. Về tổ chức hoạt động:
Tất cả các quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn thành phố khi hoạt động phải có quyết định thành lập và được công nhận điều lệ quỹ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện việc công bố việc thành lập quỹ theo quy định tại điều 12 Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện khi đi vào hoạt động phải có Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và thực hiện công tác kế toán, thống kê theo đúng quy định của Luật Kế toán.
2. Về quản lý tài chính: Các quỹ thực hiện theo đúng Quyết định số 10/2008/QĐ-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
3. Nguyên tắc vận động: Các khoản huy động đóng góp cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các hoạt động có tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn không được ra các văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới; không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận huyện chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố về việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện theo đúng nguyên tắc nêu trên.
Việc vận động sự đóng góp của nhân dân để cứu trợ thiên tai hoặc tai nạn đột xuất phải do cơ quan, tổ chức được Uỷ ban nhân dân thành phố cho phép thực hiện. Đơn vị làm đầu mối triển khai vận động, tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện cho mục đích cứu trợ phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân thành phố về phương thức vận động, mục đích sử dụng nguồn vận động. Các tổ chức, cá nhân không được phép tổ chức vận động nếu không có sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân thành phố.
4. Chế độ công khai tài chính: Thủ trưởng hoặc người có trách nhiệm quản lý các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải thực hiện công khai tài chính và báo cáo tình hình công khai theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.
5. Chế độ báo cáo:
a) Định kỳ hàng năm, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện có trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện về tình hình tổ chức, hoạt động và thu chi tài chính của quỹ.
b) Thủ trưởng các Sở - ngành, các đoàn thể thành phố và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện hàng năm có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố tình hình tổ chức, thành lập mới, hoạt động và quản lý thu chi tài chính các quỹ thuộc phạm vi quản lý (thông qua Sở Nội vụ và Sở Tài chính).
c) Giao Sở Nội vụ tổng hợp tình hình tổ chức, thành lập và hoạt động các quỹ trên địa bàn báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố để báo cáo Bộ Nội vụ.
d) Giao Sở Tài chính tổng hợp tình hình quản lý thu chi các quỹ trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét báo cáo Bộ Tài chính.
6. Xử lý các Quỹ hiện nay:
a) Đối với các Quỹ đã có quyết định thành lập: Thủ trưởng các Sở - ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận - huyện tăng cường công tác quản lý về tổ chức, hoạt động của quỹ; kiểm tra và hướng dẫn các quỹ hoàn thiện về công tác tổ chức, xây dựng điều lệ, chấn chỉnh công tác kế toán, thống kê theo quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ. Xử lý hoặc kiến nghị với Uỷ ban nhân dân thành phố xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Đối với các Quỹ hiện đang hoạt động nhưng chưa có quyết định thành lập: Thủ trưởng các Sở - ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện rà soát, lập danh sách các quỹ và tham mưu, đề xuất trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định cho phép thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đình chỉ hoạt động quỹ (thông qua Sở Nội vụ tổng hợp, có ý kiến) hoặc quyết định hợp nhất, sáp nhập, giải thể, đình chỉ hoạt động theo thẩm quyền do Uỷ ban nhân dân thành phố phân cấp.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 chấm dứt hoạt động của tất cả các quỹ không có quyết định thành lập theo đúng quy định tại điểm 1 của văn bản này.
7. Tổ chức thực hiện:
a) Thủ trưởng các Sở - ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm về tính pháp lý, mục đích hoạt động, phương thức huy động, chế độ công khai... đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thuộc phạm vi quản lý.
b) Nghiêm cấm các Sở, ngành, Đoàn thể Chính trị - xã hội, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn tự đặt ra các khoản huy động đóng góp ngoài quy định của Trung ương, thành phố và thành lập quỹ trái pháp luật.